Cá chết "bất thường" trên địa bàn Thừa Thiên - Huế |
Đoàn kiểm tra gồm Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), Viện nghiên cứu Hải sản, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49) của Bộ Công an, lực lượng chức năng tỉnh trực tiếp về vùng biển Lăng Cô và xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên- Huế) để lấy mẫu kiểm tra, tìm nguyên nhân.
Theo ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thừa Thiên – Huế, từ ngày 15/4 đến 18/4 là giai đoạn cao điểm của cá nuôi và cá tự nhiên sống trên biển bị chết, tập trung ở xã Lộc Vĩnh, thị trấn Lăng Cô và rải rác một số địa phương khác.
Đoàn yêu cầu cung cấp mẫu cá chết, nhưng theo ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục Trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thừa Thiên – Huế, xác cá chết trước đó đã phân hủy và cơ quan này không lưu giữ mẫu cá chết nào, nên hiện không có mẫu cung cấp cho đoàn kiểm tra... Ông Bình cũng mong muốn phía phía Bộ NN&PTNT sớm có khuyến cáo để người nuôi tôm thẻ chân trắng ở tỉnh an tâm do các chủ hồ phải lấy nguồn nước ở biển vào nuôi tôm.
Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Vụ trưởng vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản - Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), Trưởng đoàn kiểm tra cho biết, đoàn tiến hành lấy mẫu nước, cá chết ở Quảng Bình Thừa Thiên – Huế, sau đó đoàn tiếp tục lấy mẫu ở vùng biển tỉnh Quảng Trị, Hà Tĩnh để đưa đi xét nghiệm. Nên hiện chưa thể đưa ra nhận định nguyên nhân cá chết hàng loạt dọc 4 tỉnh miền Trung.
Theo Lê Trần Nguyên Hùng, trước đó tỉnh đã tiến hành kiểm tra thực tế tại hiện trường, phân tích môi trường nước, kết quả cho thấy độ pH nước thay đổi đột ngột; PO4 tăng cao. Ngoài ra, tảo phát triển mạnh, mùa có cá rò trôi là nước xấu, kết hợp với khí độc ở đáy lồng tích tụ bốc lên khi nhiệt độ tăng cao trong thời điểm giao mùa dẫn đến thiếu oxy làm cho cá chết nhanh.
Ông Hùng cũng cho biết, cùng với khuyến cáo người dân không ăn cá biển chết trôi dạt vào bờ, Sở NN&PTNT Thừa Thiên – Huế đã gửi mẫu ra Viện nghiên cứu ở Hải Phòng để xét nghiệm, phân tích các chỉ số đa lượng xem có kim loại nặng hay độc tố hay không…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận