Bị cáo Lê Đình Trọng (giữa) cùng bị cáo Chung và Toàn (ngoài cùng bên phải) tại phiên tòa sơ thẩm lần 1 |
Bị cáo liên tục kêu oan
Sáng 22/8, theo lịch xét xử, TAND tỉnh Đắk Nông tiếp tục mở lại phiên xét xử sơ thẩm lần 2 vụ án Phó chánh thanh tra Sở GTVT tỉnh Đắk Nông nhận hối lộ. Tuy nhiên, ngay sau khi làm các thủ tục, tòa bất ngờ công bố hoãn xét xử với lý do bị cáo Nguyễn Trọng Toàn (bị truy tố về tội đưa hối lộ) và luật sư có đơn xin hoãn phiên tòa.
Trước đó, ngày 1/5/2016, TAND tỉnh Đắk Nông mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt các bị cáo Lê Đình Trọng (41 tuổi, nguyên Phó chánh TTGT tỉnh Đắk Nông) 7 năm tù giam về tội “Nhận hối lộ”; Nguyễn Xuân Chung (48 tuổi, trú TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) 2 năm tù và Nguyễn Trọng Toàn (37 tuổi, trú tại Tây Sơn, Bình Định) 6 năm tù cùng về tội “Đưa hối lộ”. Sau khi tuyên án, bị cáo Lê Đình Trọng đã có đơn kháng cáo. Trong đơn, bị cáo cho biết: Trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử, bị cáo liên tục kêu oan nhưng không được xem xét. Việc bị cáo cho Nguyễn Trọng Toàn (đồng hương Bình Định) mượn số tiền 5 triệu đồng, sau đó có hỏi mượn lại tiền Toàn và được Toàn nhờ người 2 lần chuyển cho mượn số tiền 20 triệu đồng, bị cáo chưa sử dụng và hoàn trả lại cho Toàn sau khi được tại ngoại.
Ngày 15/9/2016, TAND cấp cao tại TP HCM mở phiên xét xử phúc thẩm và tuyên phạt Nguyễn Xuân Chung 3 năm tù treo về hành vi “Đưa hối lộ”; tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm, giao toàn bộ hồ sơ vụ án cho VKSND tỉnh Đắk Nông để điều tra, xét xử lại đối với các bị cáo Lê Đình Trọng và bị cáo Nguyễn Trọng Toàn.
Cáo trạng mới như cáo trạng cũ!
Theo cáo trạng mới nhất ngày 4/7/2017 của VKSND tỉnh Đắk Nông, khoảng đầu năm 2013, qua công tác kiểm tra xe quá tải trọng trên tuyến QL14 (nay là đường Hồ Chí Minh), Đội TTGT do ông Lê Đình Trọng (lúc đó là Đội trưởng) phát hiện và bắt giữ 4 xe container của Công ty TNHH Hiệp Toàn (trụ sở tại quận 9, TP HCM) vì chở quá tải. Sau 4 ngày tạm giữ, 4 xe container trên được cho đi mà không bị xử phạt với lý do các xe này vi phạm lần đầu. Từ đó, Nguyễn Trọng Toàn (nhân viên Công ty Hiệp Toàn) đã đặt vấn đề nhờ Trọng giúp đỡ khi xe của công ty vi phạm trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và được Trọng đồng ý.
Sau đó, trong thời gian giữ cương vị Trạm trưởng trạm kiểm tra tải trọng lưu động, Trọng đã gọi điện cho Toàn yêu cầu đòi tiền “chung chi”. Theo đó, Toàn đã hai lần chuyển vào tài khoản cho Trọng với số tiền 20 triệu đồng để Trọng bỏ qua các lỗi vi phạm. Từ tháng 5-10/2014, Công ty Hiệp Toàn vận chuyển gần 200 chuyến xe container chứa gỗ, dầu ăn từ Đắk Nông về TP HCM và ngược lại đều quá tải trọng mà không bị kiểm tra xử lý. Cùng thời gian trên, Nguyễn Xuân Chung (nhân viên doanh nghiệp vận tải Phước Hòa, trụ sở tại TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã hai lần chuyển vào tài khoản của Nguyễn Tấn Mẫn (nguyên Trạm phó trạm cân lưu động do Trọng phụ trách) tổng số tiền 29 triệu đồng để Mẫn bỏ qua lỗi vi phạm.
Từ ngày 4/10/2014, doanh nghiệp vận tải Phước Hòa đã vận chuyển 173 chuyến xe quá tải trọng cho phép nhưng không bị kiểm tra xử lý. Khi sự việc bị phát hiện, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã mời Nguyễn Tấn Mẫn lên làm việc. Tuy nhiên, sau đó Mẫn đã bất ngờ nhảy từ tầng 2 trụ sở CQĐT xuống đất tử vong.
Chứng cứ buộc tội không có?
Luật sư Dương Lê Sơn (Đoàn luật sư Đắk Lắk), người bào chữa cho bị cáo Lê Đình Trọng cho biết, đến nay, các cơ quan tố tụng đã có 4 bản kết luận điều tra, 2 cáo trạng và 1 công văn giữ nguyên quan điểm truy tố. Tuy nhiên, các kết luận điều tra và cáo trạng đều thực hiện theo hướng bất lợi cho bị can, bị cáo, đồng thời có những cáo buộc không đầy đủ, thiếu khách quan dẫn đến làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Luật sư Sơn cho biết, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, lời khai của bị cáo nếu không phù hợp với chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án thì không được sử dụng làm chứng cứ để buộc tội bị cáo. Tuy nhiên, vụ án này có hàng trăm bút lục trong hồ sơ đều là bản photo, không đảm bảo các thuộc tính của chứng cứ (tính hợp pháp) nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn mặc nhiên xem đây là chứng cứ để buộc tội các bị cáo (đặc biệt là chứng cứ chứng minh quá khổ, quá tải và chứng cứ điều tra lại) là không đúng pháp luật. |
Luật sư Sơn dẫn giải: Đầu năm 2013, ông Trọng có cho Toàn mượn 5 triệu đồng để sửa chữa xe. Sau đó, ông Trọng khó khăn nên mượn tiền của ông Toàn, số tiền mượn là 15 triệu đồng. Số tiền này, sau khi được tại ngoại ở lần xử sơ thẩm thứ nhất, hai bên đã hoàn trả cho nhau. Nhưng kết quả điều tra không xem xét đến vấn đề này. Đây là quan hệ dân sự thông thường nên không có căn cứ xử lý về hình sự về tội “Đưa và nhận hối lộ”. Hơn nữa, toàn bộ quá trình điều tra và phân công nhiệm vụ của Sở GTVT Đắk Nông thể hiện ông Trọng là Phó chánh thanh tra phụ trách mảng cấp văn bằng chứng chỉ và bảo vệ kết cấu ATGT chứ không có quyền xử lý hành chính. Việc cáo buộc ông Trọng có thẩm quyền xử lý hành chính để bỏ lọt xe quá tải là không có căn cứ.
Bên cạnh đó, các cơ quan tiến hành tố tụng xác định việc đưa và nhận hối lộ xảy ra tại trạm kiểm tra tải trọng lưu động số 56. Như vậy, thời gian, không gian và địa điểm phạm tội là tại trạm cân này. Tuy nhiên, theo Văn bản số 2215 ngày 8/10/2015 và 2394 ngày 28/10/2015 của Sở GTVT tỉnh Đắk Nông chứng minh các chuyến xe bị cáo buộc quá khổ, quá tải có lúc cách địa điểm đặt trạm cân số 56 gần 120km; có lúc hướng xe đi ngược chiều trạm cân thì không thể cân xe được.
Theo cáo buộc và lời khai của các CSGT thực hiện nhiệm vụ tại trạm cân, việc dừng xe hay không là do ông Trọng chỉ đạo, chứ CSGT không có quyền dừng xe. Tuy nhiên, theo Quy định về tổ chức và quy chế phối hợp giữa các lực lượng hoạt động tại trạm cân số 56 có nội dung: Việc thực hiện dừng xe và buộc xe có dấu hiệu vi phạm vào vị trí kiểm tra để các lực lượng khác làm nhiệm vụ cân xe là của CSGT. Về cáo buộc ông Trọng thả hàng trăm chuyến xe quá khổ quá tải, CQĐT cũng không có chứng cứ nào chứng minh đoàn xe ông Trọng thả là quá tải.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận