Sáng 20/11, chia sẻ tại buổi sinh hoạt chuyên đề do Câu lạc bộ Cafe Số và Báo Giao thông phối hợp thực hiện với chủ đề “Bầu cử TT Mỹ, cuộc chiến pháp lý và tương lại của Hoa Kỳ 4 năm tới; quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam”, diễn giả - cựu Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ (giai đoạn 2014 – 2018), nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh, cho rằng cuộc bầu cử gây tranh cãi năm nay ở Mỹ sẽ đi vào lịch sử tranh cử Mỹ bởi mức độ cạnh tranh, phân hóa và phức tạp.
Cuộc bầu cử gây tranh cãi
Theo nhà cựu ngoại giao, dù đây không phải là lần đầu tiên người dân Mỹ phải chờ đợi xem ai sẽ chính thức được bầu làm Tổng thống Hoa Kỳ bởi thực tế là trong các năm 1824, 1867, 2000 cũng đã từng xảy ra các tình huống buộc nước Mỹ phải chờ đợi.
Năm nay, sau 17 ngày từ thời điểm 3/11, Ủy ban bầu cử Hoa Kỳ cũng chưa thể xác định được kết quả cuối cùng dù lợi thế đã nghiêng hẳn về ứng cử viên Joe Biden kể cả về số phiếu phổ thông và phiếu đại cử tri dự kiến ở từng bang. Tổng thống đắc cử dự kiến Joe Biden cũng mới chỉ là chức danh chưa chính thức do các cơ quan truyền thông và báo chí Hoa Kỳ gọi như vậy.
Kết quả sơ bộ của cuộc bầu cử năm nay đã đối mặt với sự phản đối trên toàn tuyến của một đương kim Tổng thống Mỹ - ông Donald Trump của đảng Cộng hòa. Việc khiếu kiện của nhóm chiến dịch tái tranh cử của ông Trump hiện chỉ tập trung vào một số bang quan trọng (có lượng Đại cử tri cao) và ở những nơi đối thủ Joe Biden có tỷ lệ thắng sát sao < hoặc = 1%.
Không chấp nhận kết quả bầu cử cho đến khi tất cả vấn đề khiếu nại, kiện cáo được giải quyết, cáo buộc có những vấn đề ảnh hưởng lớn việc các lá phiếu, việc cử tri đi bỏ phiếu và quá trình kiểm phiếu ở các bang lần này lại là từ một Tổng thống Mỹ đương nhiệm.
Cuộc bầu cử hôm 3/11 đã dẫn đến những tranh cãi ngay từ chính các ứng cử viên tranh cử, hai đảng và cả những thế lực ủng hộ ông Joe Biden và ông Donald Trump. Những diễn biến về kết quả bầu cử cũng là chủ đề nóng ở nhiều nơi trên thế giới và báo chí đã và đang phải đề cập rất nhiều.
Từ năm 1896, theo thông lệ, sau ngày bầu cử chính thức ở mỗi kỳ bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ, khi một bên thừa nhận thất bại hoặc công nhận phần thắng thuộc về đối thủ của mình thì báo chí sẽ gọi tên ứng cử viên tranh cử đó là “Tổng thống đắc cử” – điều này cơ bản không có gì thay đổi bất chấp quá trình kiểm phiếu ở nhiều nơi vẫn đang diễn ra.
Tuy nhiên, cuộc tổng tuyển cử năm nay lại hoàn toàn khác. Ông Trump từ đầu đã tự tin tuyên bố mình chiến thắng, bất chấp đối thủ Biden đang dẫn trước cả phiếu phổ thông lẫn phiếu đại cử tri. Sau này, dù có nói “Biden đã thắng” nhưng ông cũng khẳng định sau đó thông qua trợ lý của mình rằng đó là cách nói mỉa mai nhằm vào đối thủ Joe Biden và các tờ báo đã gọi tên ông Biden là “tổng thống đắc cử”.
Việc kiểm phiếu lại, công bố kết quả kiểm phiếu tại một số bang quan trọng vẫn đang diễn ra. Một số quận, địa hạt (ví dụ tại bang Michigan) đang lâm vào trạng thái chần chừ hoặc chưa thể công bố do bế tắc, áp lực từ nhiều phía.
Trump còn trông chờ vào cơ sở nào?
Theo cựu Đại sứ Phạm Quang Vinh, cho tới thời điểm này, về cơ bản ông Trump khó có cơ hội lật lại được thế cờ mà ứng viên đối thủ Joe Biden đang có được. Mặc dù vậy, đương kim Tổng thống Mỹ vẫn quyết không chấp nhận thua cho đến khi có kết quả cuối cùng.
Điều này có thể nhìn nhận rằng, cuộc chiến của ông Donald Trump hiện không tập trung vào vấn đề lượng phiếu bầu ở tất cả các bang nữa bởi rất khó để vượt qua ông Joe Biden, bất kể các cáo buộc, khiếu nại của ông chủ đương nhiệm của Nhà Trắng vẫn đang được xem xét.
Vì vậy, nhóm chiến dịch tái tranh cử của ông Donald Trump hiện nay còn trông đợi vào điều gì? Theo ông Phạm Quang Vinh, ông Trump, việc khiếu kiệu của ứng viên này đang tập trung vào ba vấn đề chính là sự hợp lệ của các lá phiếu, quá trình cử tri đi bỏ phiếu và việc kiểm phiếu ở các bang có diễn ra công khai, minh bạch và khách quan hay không.
Những khiếu kiện và cáo buộc của ông Trump có thể dẫn đến việc một số bang, thậm chí tại một số quận – hạt ở các bang đó không xác định được chiến thắng nghiêng về bên nào. Từ những cấp bầu cử thấp nhất đó, cũng có thể khiến cho việc công bố kết quả ở từng bang gặp khó khăn, thậm chí bế tắc.
Cuộc bầu cử năm nay có thể cũng có kịch bản như báo chí Mỹ đã đề cập, tức phần thắng thuộc về ông Joe Biden. Tuy nhiên, cũng có thể dẫn đến kịch bản khác, tức là Quốc hội (Hạ viện – bầu Tổng thống và Thượng viện Mỹ - bầu Phó Tổng thống) phải can dự.
Trường hợp này sẽ xảy ra khi một hoặc một số nơi, đặc biệt là ở các bang nơi Trump kiện và có tỷ lệ thắng thua sát nút, vì nhiều lý do không đưa được kết quả kiểm phiếu cuối cùng vào cuối tháng 11 – chậm nhất là trước ngày 8/12/2020 – bởi chỉ khi có kết quả mới chính thức mới có thể xác định số đại cử tri thuộc về bên nào để tiến hành bầu tổng thống (hạn chót là ngày 14/12/2020).
Các khiếu kiện sẽ được giải quyết thế nào?
Theo ông Phạm Quang Vinh, các khiếu kiện của ông Donald Trump sẽ được Ủy ban bầu cử Hoa Kỳ xem xét, cân nhắc và xử lý. Theo luật, các tòa án ở cấp bang cũng có thẩm quyền đưa ra quyết định có cho kiểm tra lại hoặc không kiểm tra lại quá trình bầu cử ở bang mình.
Nếu tiến trình kiện cáo của ông Trump bị bác bỏ do không có bằng chứng xác thực thể hiện các cáo buộc của mình là đúng hoặc các tiến trình công bố kết quả, các đại cử tri đi bầu diễn ra đúng các mốc thời gian đã dự kiến (8/12 và 14/12 như đã đề cập ở trên), chiến thắng sẽ được quyết định cho ứng viên của đảng Dân chủ.
Trái lại, trong có một tình huống bất ngờ, thay đổi nào đó xảy ra (chẳng hạn như có bang quan trọng không đưa ra được kết quả kiểm phiếu hoặc không quyết định được ai thắng ở bang mình) hoặc khiếu kiện có kết quả, việc quyết định ai sẽ là tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ do Quốc hội Mỹ định đoạt.
Khi vấn đề được đẩy lên Quốc hội Hoa Kỳ hoặc Tòa án tối cao, lúc đó ứng viên nào giành thắng lợi trong bầu cử sẽ tùy thuộc vào thế lực mà đảng đó đang giữ ở cơ quan quyền lực này (số ghế của đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Hạ viện và Thượng viện). Có lẽ, đây cũng là hy vọng cuối cùng của ông Trump bởi hiện nay:
Tại Tòa án tối cao Mỹ, đảng Cộng hòa đang nắm lợi thế vì Thẩm phán là người do ông Trump bổ nhiệm. Tại Hạ viện, người của phe Dân chủ đang chiếm số đông nhưng cũng có thể sớm có thay đổi vì bầu tổng thống cũng đi cùng với bầu cử tranh ghế ở hai viện. Ở Thượng viện, các Thượng nghị sỹ Cộng hòa cũng đông hơn Thượng nghị sỹ Dân chủ.
Đáng lưu ý là, các chính sách đối nội, đối ngoại của nước Mỹ chủ yếu do Quốc hội Mỹ thông qua. Một mình tổng thống, dù là ai lên nắm quyền cũng khó lòng thực hiện những chính sách của mình nếu như không có được sự ủng hộ từ những đảng viên của mình ở Quốc hội.
Dù ai thắng, thua cũng đều có ảnh hưởng lớn
Cựu Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho rằng, dù ông Biden hay ông Trump thắng hay thua thì kết quả bầu cử lần này cũng cho thấy các ứng viên nhận được sự ủng hộ rất lớn từ cử tri – người dân Mỹ.
Kết quả tính tới thời điểm này (theo số liệu của hãng thông tấn AP), ông Joe Biden có 79.683.304 phiếu bầu (phổ thông + đại cử tri, chiếm 51,1%); ông Donald Trump có 73.698.667 phiếu bầu (phổ thông + đại cử tri, chiếm 47,2%).
Ngày 3/11 và các ngày sau đó cũng chứng kiến lượng cử tri đi bầu (trực tiếp hay qua thư) đều đạt mức kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay trong 58 kỳ tuyển cử đã qua. Cả ông Joe Biden và ông Donald Trump đều đạt những đỉnh cao và kỷ lục về cử tri ủng hộ.
Thực tế này cho thấy, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa dân tộc ở Mỹ (xuất hiện ở Mỹ từ cuộc bầu cử năm 2016) vẫn còn tạo ra ảnh hưởng mạnh tới xã hội, chính trường Hoa Kỳ.
Cuộc bầu cử cũng thể hiện một nước Mỹ đang bị phân cực. Sự phân cực này thể hiện trong xã hội, các chính đảng của nước Mỹ và nó được biểu hiện thông qua các cuộc bầu cử, kể cả bầu cử tổng thống lẫn tranh giành ghế trong các cơ quan quyền lực trong hệ thống “tam quyền” của Hoa Kỳ.
Chính sách Mỹ sẽ thế nào nếu Biden làm tổng thống?
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh cho rằng, trong trường hợp ông Joe Biden chính thức được bầu làm Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ, các chính sách của chính trị gia này có thể dễ dự đoán hơn.
Theo nhận định của ông Vinh, về chính sách đối nội, ông Joe Biden sẽ tập trung vào giải quyết các vấn đề trong nước trước tiên (dịch bệnh COVID-19 là một trong những ưu tiên, chăm sóc sức khỏe, chế độ trợ cấp…).
Về chính sách đối ngoại, Hoa Kỳ, trong trường ông Biden làm tổng thống, như chính ông Biden cũng đã từng đề cập, Nhà Trắng mới sẽ có xu hướng quay về các chính sách truyền thống (chẳng hạn như gắn kết, tăng cường sức mạnh đồng minh, thiết lập lại quan hệ với Tổ chức y tế thế giới (WHO), thực hiện các mục tiêu chung về biến đổi khí hậu, năng lượng sạch…), nhấn mạnh các giá trị mà đảng Dân chủ theo đuổi.
Hoa Kỳ có thể sẽ bớt can dự, bao cấp cho các tổ chức ở bên ngoài nước Mỹ. Đây cũng là di sản của ông Donald Trump mà ông Biden cũng khó có thể nhanh chóng thay đổi.
Dưới thời Joe Biden, các hiệp định đa phương có thể sẽ ít đi hoặc phải được “cập nhật” và thay đổi để thích ứng với tình hình, xu hướng và bối cảnh mới.
Một điều chắc chắn nữa có thể đoán được chính là sự nhận diện của nước Mỹ về Trung Quốc cũng sẽ thay đổi – điều chính quyền của ông Donald Trump đang làm ráo riết.
Những khó khăn với ông Joe Biden
Nếu chính thức nhậm chức, ông Biden cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức mà trong đó có những thứ dễ giải quyết và có những thứ rất khó giải quyết.
Cựu Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng những vấn đề dễ giải quyết cho ông Biden là vấn đề biến đổi khí hậu, quan hệ với WHO, các đồng minh. Ngược lại, có những vấn đề phức tạp rất khó giải quyết đó là vấn đề quan hệ với Trung Quốc, vấn đề Iran, Triều Tiên.
Ông Vinh nhắc lại rằng, quan hệ Mỹ-Trung hiện nay đã là đối thủ chiến lược, rất khó hình thành kiểu Chiến tranh Lạnh phân cực như Chiến tranh Lạnh Mỹ - Xô trước đây. Mỹ dưới thời Biden là đối thủ chiến lược nhưng chắc chắn sẽ có những hợp tác trên nền tảng quan hệ này.
Với ông Joe Biden, quan hệ với Trung Quốc sẽ ổn định, dễ nhận biết và ít khó lường hơn so với chính quyền của ông Donald Trump.
Nhà cựu ngoại giao cho biết, trong 6 tháng vừa qua, Mỹ - Trung gần như chỉ toàn căng thẳng, ít liên lạc, đối thoại gần như cũng không. Tuy nhiên, nếu ông Biden nên nắm quyền thì tình hình sẽ khác. Mặc dù vậy, đối nội vẫn sẽ là ưu tiên số một của ứng viên đảng Dân chủ.
Quan hệ Việt – Mỹ sẽ thế nào?
Khi nhận định về tương lai quan hệ Việt – Mỹ trong trường hợp ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ một cách chính thức, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng Mỹ - Việt sẽ vẫn duy trì xu hướng tích cực như đã đạt được trong 25 năm qua.
Xu hướng hợp tác trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ bất chấp sự khác biệt về chính trị và dựa trên cơ sở mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia là chủ trương được cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa hưởng ứng.
Tuy nhiên, theo ông Vinh, khi càng hợp tác, càng cọ sát với nhau, cũng có thể nảy sinh một số vấn đề mà hai bên sẽ tùy thuộc vào tình hình để cùng nhau bàn bạc, giải quyết.
Ông Joe Biden cũng có thể có những ưu tiên mới có thể phù hợp hoặc ít phù hợp hơn trong quan hệ song phương với Việt Nam và điều này cần phải có thời gian quan sát.
Vấn đề Biển Đông
Đối một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của thế giới, khu vực và của Việt Nam là vấn đề Biển Đông, cựu Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng Hoa Kỳ sẽ vẫn quyết tâm theo đổi mục tiêu duy trì Biển Đông là một khu vực có an ninh, an toàn và tự do cho các hoạt động hàng hải.
Chính quyền dự kiến của ông Joe Biden cũng sẽ không công nhận yêu sách đòi hỏi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Washington sẽ tiếp tục có các tuyên bố, hành động khẳng định vai trò, đảm bảo lợi ích của Mỹ ở khu vực này.
Mỹ sẽ quay lại TPP dưới thời Obama?
Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Giao Thông về đề nghị cho biết quan điểm về nhận định của nhà kinh tế học Stephen Roach (thành viên cấp cao tại Viện Jackson về Các vấn đề Toàn cầu của Đại học Yale và là chuyên gia về quan hệ kinh tế Hoa Kỳ - Trung Quốc) trong bài phỏng vấn được tờ Thời báo Hoàn Cầu, phiên bản điện tử của Nhân Dân Nhật báo – cơ quan phát ngôn của ĐCSTQ, được đăng tải hôm 18/11 cho rằng “chính quyền của ông Joe Biden sẽ quay lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương/TPP nay là CPTPP”, cựu Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng khả năng này cũng có thể hoặc không.
Nhà cựu ngoại giao của Việt Nam nhấn mạnh rằng, nếu có quay lại TPP, chắc chắn chính quyền của ông Joe Biden sẽ quay lại thep một cách khác, mới mẻ, chặt chẽ và có sự cập nhật cho phù hợp với hoàn cảnh hiện nay.
Ông Vinh lưu ý rằng, bất cứ một hiệp định đối tác đa phương nào ra đời ở Hoa Kỳ hay có sự tham gia của nước Mỹ cũng phải do Quốc hội nước này xem xét và định đoạt. Cá nhân một tổng thống cũng rất khó để đưa ra quyết định theo ý mình nếu như không được các thế lực cùng đảng ở Quốc hội nhất trí.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận