Theo tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, ông Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao sức yếu, ông đã từ trần vào hồi 2h52 ngày 7/8/2020 tại Hà Nội, hưởng thọ 90 tuổi.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, nguyên Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng bày tỏ sự thương tiếc trước sự ra đi của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.
Ông Hùng nhớ lại, trong 3,5 năm (từ tháng 12/1997 – 4/2001), tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa VIII), ông Lê Khả Phiêu được bầu làm Tổng Bí thư. Lúc đó, ông Hùng là Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Trong ký ức của ông, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là một vị tướng nay làm công tác chính trị, là con người rất chịu khó, rất cầu thị để tiếp cận vấn đề mới.
"Có rất nhiều vấn đề khi đó, nhưng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã tập trung vào xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí. Một Đảng cầm quyền thì trước tiên phải sửa mình, tôi ấn tượng về điều này khi thấy nguyên Tổng Bí thư quyết liệt đặt nền móng để khởi động lại việc chỉnh đốn Đảng trong thời kỳ mới gắn với tiền, hàng, cơ chế thị trường”, ông Hùng cho hay.
Theo ông Hùng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu chủ trương đổi mới trong sinh hoạt Đảng. Từ cơ sở Đảng, việc sinh hoạt cũng phải đổi mới cho ra sinh hoạt chứ không hình thức, cho qua. Phải họp và tiến hành phê bình, tự phê bình, phải bàn những nội dung về lãnh đạo, xây dựng tổ chức cơ sở. Từng đảng viên đều thường xuyên xem xét, soi rọi mình, tự phê bình, tự báo cáo những vấn đề ưu, khuyết điểm và những vướng mắc.
Đặc biệt, Tổng Bí thư chấn chỉnh Đảng từ trên trở xuống, "tắm từ đầu tắm xuống" chứ không chỉ từ thắt lưng xuống. Vì tinh thần này mà Bộ Chính trị khi đó kiểm điểm 10 ngày và thường kết thúc mỗi ngày rất muộn.
Trong kiểm điểm, Tổng Bí thư chủ trì và mỗi ủy viên Bộ Chính trị phải làm kiểm điểm, đứng lên bục tự trình bày kiểm điểm của mình để các đồng chí khác góp ý rất thẳng thắn, góp ý mọi vấn đề, trong đó đặc biệt quan tâm kiểm điểm về lối sống, có quan liêu, lãng phí, xa dân hay không.
Còn với các ủy viên Trung ương Đảng, bản thân phải tự nguyện, tự giác kiểm điểm và có kèm bản mẫu để trả lời từng câu hỏi mà Trung ương đưa ra cho mỗi ủy viên.
"Kiểm điểm, phê bình nhưng không hề là cuộc đấu đá nhau, kiểm điểm trên tinh thần đồng chí giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, xây dựng tổ chức Đảng mạnh lên. Không khí khi đó rất hồ hởi", ông Hùng nói.
Với sự đứng đầu của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng khóa VIII được đẩy mạnh. Tháng 2/1999, lần đầu tiên Trung ương đã ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 (lần 2) Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng, trong đó yêu cầu các cấp uỷ Đảng và người đứng đầu các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở phải chịu trách nhiệm chống tham nhũng ở nơi mình phụ trách.
“Nghị quyết cũng nêu rõ, khi xảy ra tham nhũng, lãng phí và các hiện tượng tiêu cực ở địa phương, ngành cơ quan, đơn vị mình phụ trách thì tuỳ theo mức độ và tính chất vi phạm của vụ việc mà xem xét hình thức kỷ luật đối với cấp uỷ và người đứng đầu về chế độ trách nhiệm”, ông Hùng nhớ lại.
Ông Vũ Quốc Hùng cho biết, từ Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 (lần 2), Trung ương yêu cầu cấp uỷ và uỷ ban kiểm tra các cấp cùng với các cơ quan thanh tra, điều tra, kiểm sát, toà án phải nắm chắc tình hình và khẩn trương kiểm tra, kết luận, xử lý kịp thời, đúng pháp luật những đơn tố cáo về đạo đức, lối sống tiêu cực của cấp uỷ viên và người đứng đầu các cơ quan, trước hết đối với uỷ viên Trung ương, trưởng ban, bộ trưởng, bí thư cấp uỷ, chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, trực thuộc Trung ương và cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị.
Nhìn nhận về sự nghiệp cách mạng của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó chánh án TAND Tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương (Bộ Quốc phòng) đánh giá: “Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu nổi bật nhất là việc chống tham nhũng và tăng cường kỷ luật Đảng. Ông là người có vai trò quan trọng trong việc đặt nền móng để khởi động lại việc chỉnh đốn Đảng trong thời kỳ mới”.
“Đồng chí Lê Khả Phiêu, kể từ khi nhận nhiệm vụ Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đến nay, đã có những đóng góp tích cực trong việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, bảo đảm sự ổn định và phát triển của đất nước, mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng cao vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới. Đồng chí đã có những đóng góp quan trọng trong việc chỉ đạo thực hiện nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đoàn kết nội bộ, phát huy dân chủ trong sinh hoạt của Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương, tích cực chống tham nhũng. Đồng chí luôn kiên định lập trường cách mạng, sống giản dị gần gũi, lắng nghe ý kiến nhân dân…”. (Trích diễn văn bế mạc của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đọc tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần IX Đảng Cộng sản Việt Nam (22/4/2001).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận