Theo tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, ông Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sỹ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao sức yếu, ông đã từ trần vào hồi 2 giờ 52 phút ngày 7/8/2020 tại Hà Nội.
Lễ viếng, Lễ Truy điệu, Lễ An táng ông Lê Khả Phiêu sẽ được thông báo sau.
Thượng tướng Lê Khả Phiêu sinh ngày 27/12/1931 tại xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ông từng kinh qua nhiều vị trí công tác trong Quân đội. Từ năm 1964 đến năm 1992, ông lần lượt giữ các chức vụ trong quân đội: Chính uỷ kiêm Trung đoàn trưởng; Phó chủ nhiệm chính trị quân khu Trị Thiên; Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn II; Phó chính uỷ kiêm Chủ nhiệm chính trị quân khu IX; Phó bí thư khu uỷ Khu IX; Thiếu tướng, Chủ nhiệm Chính trị, Phó tư lệnh chính trị mặt trận 719; Trung tướng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thượng tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân VN.
Năm 1991, tại Đại hội lần thứ VII của Đảng, ông được bầu là Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương. Tháng 6/1992 tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 13, khóa VII, ông được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Tháng 1/1994, tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ, ông được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII, bầu vào Bộ Chính trị. Tháng 4/1996, ông được phân công làm Thường trực Ban Bí thư.
Tháng 6/1996, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc khoá VIII của Đảng, ông được bầu làm Uỷ viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, Thường trực Bộ Chính trị, Trưởng Ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ Trung ương.
Ngày 26/12/1997, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 4, khoá VIII, ông được bầu làm Tổng Bí thư, và giữ cương vị này đến tháng 4/2001. Ông là đại biểu Quốc hội khoá IX, X.
Trên cương vị là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (12/1997-4/2001), ông Lê Khả Phiêu đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận