Vụ bảo kê thu tiền bến bãi của tiểu thương tại chợ Long Biên, Hà Nội |
“Tôi không xin các vị đừng ra tay giết chóc, vì nếu bắt buộc phải làm thì có xin cũng vô ích đúng không? Nếu phải làm các vị cứ việc làm, tôi cũng không thách đố các vị đâu...!”
Nhà báo Thu Trang đã mở đầu bài viết “Gửi những người muốn giết cả nhà tôi” trên trang Facebook cá nhân của mình vào sáng 5/12.
Bài viết nhanh chóng nhận được gần 4.500 lượt like (thích), hơn 1.000 lượt chia sẻ và hàng nghìn bình luận chỉ trong ít phút, trong đó tất cả đều bày tỏ cảm phục trước sự dũng cảm, dấn thân trong nghề, bất chấp nguy hiểm của nữ nhà báo này. Điều đó cho thấy vụ việc đã thu hút sự quan tâm của dư luận tới mức nào.
Nhà báo Thu Trang, báo Phụ nữ TP HCM cùng với nhà báo Liên Liên, Ban Thời sự - Đài Truyền hình Việt Nam chính là hai tác giả đã tham gia điều tra vụ bảo kê thu tiền bến bãi của tiểu thương tại chợ Long Biên, Hà Nội gây xôn xao dư luận vào hồi tháng 9 vừa qua.
Đến tối 2/12, cả 2 nữ PV đều nhận được tin nhắn từ một số điện thoại lạ với cùng nội dung đe dọa "giết cả gia đình". Ngay sau đó, Hội Nhà báo Việt Nam đã có công văn đề nghị Bộ Công an, Công an TP Hà Nội vào cuộc điều tra, đồng thời, đề nghị có kế hoạch đảm bảo an toàn cho nhóm PV và gia đình. Đây không phải là lần đầu tiên hai nhà báo này nhận được những tin nhắn đe dọa tương tự, kiểu như "Đã mua quan tài cho cả nhà chưa?".
Chúng ta đều đã biết, đối tượng nhắn tin đe dọa Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh đã phải nhận 3 năm tù, đối tượng dọa giết Chủ tịch Đà Nẵng nhận 18 tháng tù, còn hai kẻ dọa giết cả gia đình nhiều lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội mới đây cũng đã bị bắt.
Lần này, liệu việc xác minh đối tượng nhắn tin dọa giết cả gia đình nhà báo chống tiêu cực có được làm rốt ráo? Hay cũng lại kéo dài như việc điều tra vụ án, mà nói như nhà báo Thu Trang: "Chúng tôi, cho đến thời điểm bị doạ giết cả nhà thế này mà... đến hy vọng cũng mất nốt thì không biết còn nên tin vào điều gì?".
Từ ngày 1/10, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án “Cưỡng đoạt tài sản” xảy ra tại chợ Long Biên để điều tra. Thế nhưng sau hơn hai tháng, vẫn chưa bắt được thủ phạm.
Chỉ đến chiều 5/12, ba đối tượng liên quan mới bị bắt, gần như chỉ sau chỉ đạo của Thủ tướng ít phút. Câu hỏi đặt ra là nếu như Thủ tướng không chỉ đạo, việc này có được thực hiện? Trong khi vụ việc đã có nhiều thông tin, chứng cứ, đối tượng cụ thể được phản ánh đăng tải công khai trong loạt bài điều tra của hai nữ nhà báo.
Khi dấn thân điều tra hoạt động bảo kê của các đối tượng xã hội tại chợ Long Biên, chắc chắn hai nữ nhà báo đã ý thức được sự nguy hiểm đến tính mạng đối với bản thân và gia đình.
Công việc đó lẽ ra là của chính quyền, công an; của những người đang lĩnh lương hàng tháng từ tiền thuế của dân với trách nhiệm đảm bảo trật tự trị an cho xã hội, để mọi hoạt động đều diễn ra trong khuôn khổ pháp luật. Và khi bị đe dọa tính mạng, đáng ra các chị phải được cơ quan công quyền chủ động lên kế hoạch bảo vệ, chứ không phải chờ ai đó "đề nghị".
Câu chuyện hai nữ nhà báo chống tiêu cực bị dọa giết chỉ là một trong rất nhiều vụ việc đã, đang diễn ra. Một khi cái ác, cái xấu vẫn còn nơi dung túng, pháp luật vẫn còn bị thách thức, chắc chắn những người có ý định đứng lên tố cáo tiêu cực trong xã hội sẽ nản lòng. Bởi họ chẳng thể, chẳng dám lên tiếng một khi niềm tin không còn nữa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận