Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng khóc và cảm thấy thực sự cô đơn |
“Lúc tỉnh dậy, nằm giữa đường, tôi chặn 3 xe máy xin đi nhờ, nhưng không ai dừng lại dù tôi nằm ở đó, sắp chết. Tôi kêu cứu nhưng không một người nào đáp lại”.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, cây phóng sự điều tra nổi tiếng của Báo Lao động không cầm nổi những giọt nước mắt khi kể lại sự việc anh bị hành hung dã man trong cuộc trò chuyện với Báo Giao thông.
Một âm mưu tàn độc
Vẫn chưa hết đau đớn do ngón tay trỏ bị đánh tới mức dập nát, vỡ xương và mất đi phần móng, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng kể lại, khoảng 7h45 sáng 23/3, khi anh tới khu vực chung cư Kim Lũ (phía sau Đại học Thăng Long, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội) thì bất ngờ bị 3 đối tượng phục kích và tấn công tới tấp.
Trước đó, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã từng bị đuổi, đánh, bao vây và bị dọa giết rất nhiều, thậm chí dọa giết cả gia đình, nhưng chưa bao giờ bị đánh một cách có tổ chức và phục kích kỹ như lần này. “Cơ quan công an nhận định, các đối tượng đã theo dõi tôi từ rất lâu.
Từ nhà đến khu vực tôi bị đánh chỉ khoảng 2 km, nhưng dường như tôi không bao giờ đi qua đường này, ít nhất 3 tháng nay tôi chưa đi qua. Nên nếu không theo tôi làm sao chúng phục kích tôi ở đó được”, anh Hoàng nói và nhận định, đây là một âm mưu rất tàn độc, bởi chúng đánh và còn cố tình đập nát ngón tay trỏ - ngón tay cầm bút của một người làm báo.
Khóc vì thực sự cảm thấy cô đơn
Khi chia sẻ về câu chuyện của mình, đã có những lúc một cây phóng sự điều tra “lão làng” như Đỗ Doãn Hoàng nghẹn giọng không thể nói tiếp, anh đã khóc và kể về nỗi cô đơn khi liên tục bị đe dọa mỗi lần thực hiện các phóng sự điều tra phanh phui tiêu cực.
Bên cạnh đó, là nỗi cô đơn khi bản thân gặp nạn mà không được người khác giúp đỡ. “Sau khi bị đánh, tôi choáng váng và rất đau vì ngón tay dập nát, chảy nhiều máu. Tôi nghĩ mình không thể sống nổi. Lúc tỉnh dậy, nằm giữa đường, tôi chặn 3 xe máy xin đi nhờ nhưng không ai đồng ý để tôi thoát khỏi đó cả, mặc dù tôi nằm ở đó, sắp chết. Tôi kêu cứu nhưng không một người nào trực tiếp cứu tôi. Cuối cùng, tôi chặn được một cậu sinh viên, nhưng cậu ấy nói sợ máu của tôi dính vào người và tôi phải nói là cho chú đi nhờ, chú sẽ không để dây máu vào cháu đâu. Sau đó, cậu bé đồng ý cho tôi đi nhờ mấy trăm mét ra đến đường lớn, rồi tôi bắt taxi tự đi cấp cứu”, vừa kể lại, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng vừa nấc nghẹn, rơi nước mắt.
Trấn tĩnh lại một hồi, anh tâm sự tiếp: “Chúng chỉ nhằm vào tôi, tấn công tôi, còn gia đình chưa bị đe dọa gì, nhưng cũng không có nghĩa là sắp tới chúng sẽ không động đến. Tôi rất sợ vì nghĩ khi không làm gì được tôi, chúng sẽ nhằm vào gia đình tôi. Tôi cần được bảo vệ để tiếp tục chiến đấu. Giờ tôi không biết ai đang thù tôi, nếu biết tôi sẽ dừng lại bước điều tra của mình, vì tính mạng mới là quan trọng, nhưng vì điều tra quá nhiều nên tôi không biết nguyên nhân từ đâu”.
“Ngón tay trỏ của tôi đã gãy xương, mất móng, mất một phần thịt, đau khủng khiếp, tôi luôn phải mang thuốc bên người và cứ 3 tiếng phải uống thuốc giảm đau một lần. Chuyện đã xảy ra rồi. Giờ đây, phía tôi không phải quan trọng nhất mà quan trọng hơn là tôi nghĩ đến xã hội, có 2 vạn nhà báo đang tác nghiệp bên cạnh tôi.
Đêm hôm trước, tôi vẫn giảng dạy môn phóng sự điều tra cho một tổ chức quốc tế với các nhà báo điều tra giỏi nhất Việt Nam được bầu chọn. Tôi cũng là một nhà báo biết tự bảo vệ mình, từng giảng dạy môn phóng sự điều tra bao nhiêu năm, nhưng cuối cùng tôi không bảo vệ được mình. Vậy giả sử với các nhà báo khác không có nhiều kinh nghiệm tự bảo vệ mình, nếu chúng muốn đánh thì làm sao còn cơ hội sống?”, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng nói và đặt ra vấn đề: Ai sẽ bảo vệ các nhà báo? Họ sẽ đi về đâu nếu tình trạng này còn diễn ra? “Rất có thể, ngày mai chúng cũng sẽ đánh bạn vì bạn dám lên tiếng bảo vệ tôi trong vụ việc này, thế thì tính sao?”, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng nói.
Nhà báo cần được bảo vệ để chiến đấu
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Tôi muốn cơ quan pháp luật phải làm thế nào để người dân cảm thấy yên bình khi được sống bằng sự tử tế của mình. Nếu tôi là người giang hồ, lúc nào cũng mang dao, kiếm, súng trong người, đi đâu cũng nhìn trước nhìn sau, có đàn em đi cùng thì có lẽ chẳng bao giờ tôi bị đánh như thế này. Nhưng đó không phải là người lương thiện.
Còn tôi là người lương thiện, tôi làm việc tốt vì xã hội, tôi chống tiêu cực, làm rất nhiều việc lương thiện, vậy tại sao không có ai bảo vệ tôi? Người tốt cần phải được bảo vệ thì người tốt mới tiếp tục tốt. Tôi là nhà báo được biết đến với lĩnh vực điều tra, từng nhận rất nhiều giải thưởng quốc tế và Việt Nam, có một chút tên tuổi, nếu không làm nữa thì tôi sẽ không có những cái đó. Đó là việc của tôi. Nhưng nếu tôi không làm nữa thì xã hội sẽ mất rất nhiều. Bởi một năm qua tôi đã phanh phui không biết bao nhiêu sự việc tiêu cực, đưa không biết bao nhiêu đối tượng ra vành móng ngựa; Phanh phui được rất nhiều đường dây mà công an bắt giữ bằng hồ sơ của tôi, kể cả tội phạm quốc tế…
Và nếu 2 vạn nhà báo Việt Nam sau những vụ việc thế này mà mất niềm tin vào tính chiến đấu của mình thì chúng ta sẽ không có một nền báo chí mang tính chiến đấu nữa. Họ sẽ không bao giờ dám chiến đấu nếu không được bảo vệ”.
Nói về sự việc của mình lần này, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng khẳng định, anh hoàn toàn có niềm tin sự việc sẽ được đưa ra ánh sáng. Bởi ngay khi sự việc xảy ra, nhiều cơ quan đã vào cuộc. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Giám đốc Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm vụ việc, các ĐBQH cũng quyết liệt lên tiếng, hàng chục điều tra viên ngay khi nhận được tin đã xuống hiện trường để điều tra, thu giữ các tang vật…
Trước câu hỏi: “Anh có chùn bước sau khi bị đánh?”, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng nói, sau mỗi lần bị đe dọa anh đều chùn bước, nếu không anh đã bị giết rất nhiều lần rồi và thực sự, anh đã từng nhiều lần phải dừng các bước điều tra của mình để bảo toàn tính mạng. “Tôi không thấy mình hèn nhát khi nói thế, bởi tôi phải bảo đảm tính mạng cho mình, còn sống tôi mới tiếp tục chiến đấu được. Có ai bảo vệ tôi đâu, nên tôi phải bảo vệ mình trước”, anh chia sẻ.
Hội Nhà báo quyết bảo vệ tới cùng Trao đổi với Báo Giao thông về việc đây không phải lần đầu tiên các nhà báo bị hành hung khi tác nghiệp, nhưng hầu như đều bị “chìm xuồng”, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho rằng, Hội sẽ bảo vệ mạnh mẽ, quyết liệt đến cùng quyền lợi của các nhà báo. Tuy nhiên, Hội bảo vệ hội viên theo đúng các quy định của pháp luật chứ không thể làm thay các cơ quan pháp luật. Với những vụ việc chưa thỏa đáng, Hội sẽ tiếp tục nêu lại để cơ quan chức năng làm rõ chứ không được bỏ quên. Các nhà báo làm việc chống tiêu cực đầy nguy hiểm mà không được pháp luật, không được xã hội bảo vệ thì không thỏa đáng. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận