Xã hội

Nhà báo Hữu Thọ: Làm báo hiện nay có rất nhiều cạm bẫy

21/06/2015, 13:45

Không chỉ các nhà báo trẻ mà ngay cả những cây bút lão làng không tỉnh táo cũng có thể rơi vào cái bẫy...

81
Nhà báo Hữu Thọ

Nhà báo Hữu Thọ, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư, nguyên Tổng biên tập Báo Nhân dân đã chia sẻ suy nghĩ như vậy trong cuộc trò chuyện với Báo Giao thông nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2015).

Nếu không có định hướng, dễ mất tính truyền thống của báo chí Cách mạng

Là một nhà báo gần 60 năm cầm bút, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng khác nhau, ông đánh giá thế nào về đóng góp của báo chí đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây cũng như công cuộc phát triển đất nước hôm nay?

Báo chí cách mạng Việt Nam cho đến nay đã có 90 năm hình thành và phát triển, trải qua vô vàn khó khăn từ thời kỳ hoạt động bí mật đến khi được công khai. Khi Đảng ta nắm trong tay chính quyền, báo chí của chúng ta mới thực sự đổi mới, đặc biệt là có những sự phát triển vượt bậc.

Nhà báo Hữu Thọ SN 1932 tại Hà Nội, tham gia kháng chiến từ năm 1946. Ông làm báo chuyên nghiệp từ tháng 8/1957, là cây bút phóng sự điều tra về nông nghiệp, nông thôn và tiểu phẩm thế sự có dấu ấn trong lòng bạn đọc. Ông nguyên là Tổng biên tập Báo Nhân Dân, nguyên Ủy viên BCH T.Ư Đảng các khóa VII, VIII, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại Quốc hội các khóa IX, X, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư (1995-2001); nguyên Trợ lý Tổng Bí thư (2001-2006). Ông nghỉ hưu vào tháng 1/2007.

Cũng như T.Ư đã đánh giá, tôi thấy nếu xét về tổng thể, nhìn chung báo chí hoạt động tốt. Báo chí đã bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước trong từng thời kỳ. Sau đổi mới, báo chí đã thông tin đa dạng, nhiều chiều, và đặc biệt là một số phóng viên đã xông pha đến những vùng khó khăn để phản ánh chân thực cuộc sống của đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa, hay những hoạt động chống thiên tai, bão lũ. Quan trọng hơn nữa, báo chí đã tích cực tham gia vào việc bảo vệ chủ quyền biển đảo và được dư luận rất hoan nghênh.

Ông có thể phân tích rõ vai trò, đóng góp của báo chí trong từng thời kỳ cụ thể. So với trước đây, vai trò của báo chí có khác nhiều không?

Khác nhiều chứ. Trước kia chúng ta làm báo bí mật. Làm báo trong chiến tranh thì phải tuân theo quy luật tất cả cho chiến thắng. Xu hướng chung của các ngòi bút khi ấy là cổ vũ sự nghiệp anh hùng, cho nên hạn chế phần lớn việc thông tin các mặt tiêu cực của cuộc sống. Tôi cũng đã làm báo trong chiến tranh, và vì quy luật của chiến tranh nên chúng ta phải kìm ngòi bút lại, đến giờ phút này tôi cho đó vẫn là định hướng đúng.

Còn hiện nay, trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế, báo chí của chúng ta được cởi mở hơn. Từ đây chúng ta có thể học hỏi được kinh nghiệm của những nền báo chí có từ lâu đời, song một số người làm báo học hỏi kinh nghiệm của báo chí phương Tây lại hơi lạm dụng, bỏ qua truyền thống của văn hóa dân tộc, của nền báo chí Cách mạng Việt Nam, đó là một điều đáng tiếc. Ví dụ, tính giật gân, câu khách, lá cải thực ra là truyền thống của báo chí thương mại phương Tây, họ tạo ra bê bối, scandal để bán báo. Sau đó, điều này được du nhập nhiều vào Việt Nam mà nếu không có định hướng rõ ràng, chúng ta rất dễ đánh mất tính truyền thống của báo chí cách mạng.

Làm báo có rất nhiều cạm bẫy

Nhiều người cho rằng làm nghề báo hiện nay khó khăn hơn trước. Đặc biệt khi mạng xã hội, internet phát triển mạnh mẽ, còn báo in số lượng phát hành giảm đáng kể, một số tờ báo, tạp chí phải giải thể, đóng cửa. Ông nghĩ gì về điều này?

Làm báo hiện nay cũng có rất nhiều cạm bẫy. Chúng ta đang sống trong thời kỳ của báo mạng - một sự phát triển của văn minh nhân loại. Tuy nhiên, thực tế hiện nay có rất nhiều thông tin trên mạng thiếu kiểm chứng, nó ẩn danh một cách tự do, vô trách nhiệm khiến ai không có bản lĩnh sẽ bị chìm trong “đống rác” thông tin. Bởi vậy, chính điều này đặt ra yêu cầu phải nâng cao bản lĩnh và phẩm chất của người làm báo.

Theo thống kê của một cơ quan có thẩm quyền, có 60% phóng viên sử dụng thông tin trên mạng, coi đó là một phần tư liệu trong bài viết của mình. Nhưng hãy nhớ rằng, thông tin trên mạng không đủ phẩm chất để trở thành tư liệu cho một bài báo.

Thời kỳ của báo mạng, báo in gặp nhiều khó khăn khi phần lớn các cơ quan báo chí không cân đối được thu chi, từ đó họ phải tìm đến những thông tin giật gân, câu khách nhằm tăng số lượng người mua báo, nhưng chính điều đó lại làm giảm đi tính trung thực của báo chí.

Là một nhà báo tâm huyết với nghề, ông có thấy buồn vì chuyện đó?

Tôi phải đau xót mà nói rằng chưa bao giờ uy tín của báo chí bị giảm sút như hiện nay. Những năm vừa qua báo chí sai phạm quá nhiều, mà sai phạm chủ yếu là thông tin sai sự thật, thậm chí là suy diễn, bịa đặt thông tin làm tổn hại danh dự cá nhân, tổ chức và gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội.

Làm báo chân chính bao giờ cũng có người yêu - kẻ ghét

“Năm 1987, tôi xuất bản cuốn tiểu phẩm đầu tiên có tựa đề “Người hay cãi”. Trong lời đề từ của cuốn sách, tôi có viết: “Tôi không biết viết thế nào cho thành công, vì mỗi một bài báo là một sự thử thách, nhưng tôi chắc chắn một bài báo sẽ thất bại khi đưa ra câu trả lời làm vừa lòng tất cả mọi người”. Có lẽ đây là câu nói mà tôi tâm đắc nhất trong sự nghiệp làm báo của mình. Mỗi sự việc chắc chắn sẽ có rất nhiều ý kiến khác nhau, nhưng chân lý lại chỉ có một. Nếu đưa ra câu trả lời khiến người đúng, kẻ sai, người tốt, kẻ xấu đều vừa lòng thì đó là một bài báo vô vị. Vẫn biết nếu tỏ thái độ hay chính kiến rõ ràng thì sẽ có những người không ưa, thậm chí thù ghét, nhưng đó là điều cần phải chấp nhận, bởi với một người làm báo chân chính, được tin cậy thì bao giờ cũng có người yêu kẻ ghét”.

Văn hóa báo chí đang là một vấn đề rất lớn, tôi mong rằng Đại hội Hội Nhà báo sắp tới nên có những cuộc thảo luận sâu sắc từ đại hội cơ sở đến T.Ư về vấn đề đạo đức nghề nghiệp của nhà báo.

Chúng ta đã có quy định về việc này, nhưng tại sao đạo đức của báo chí vẫn có những biểu hiện sa sút?

Thứ nhất, hiện nay nhiều tờ báo in đang gặp khó khăn trong việc thu chi nên phải tìm cách đưa những tin giật gân, câu khách để ít nhất có thể tăng doanh số, đảm bảo cuộc sống cho người làm báo. Bên cạnh đó, số lượng ấn phẩm phụ và những trang tin điện tử quá nhiều, không ai kiểm soát được. Những trang tin đó chủ yếu làm báo theo hướng thương mại hóa, khiến báo chí bị giảm đi tính trung thực.

Nguyên nhân thứ hai xuất phát từ sự rèn luyện của đội ngũ người làm báo hiện nay. Tôi cho rằng đang thiếu một sự rèn luyện, thiếu một sự giám sát, quản lý chặt chẽ đối với đội ngũ người làm báo. Khi có sai sót, chúng ta thường đổ lỗi cho các nhà báo trẻ, nhưng thực tế nhiều nhà báo lão làng cũng sai phạm, thậm chí vướng vào vòng lao lý.

Thưa ông, điều gì đã thôi thúc khiến ông dù nghỉ hưu đã lâu song chưa khi nào từ bỏ nghiệp viết hay làm công việc của một nhà báo?

Cho đến tháng 5 vừa qua, tôi vẫn giữ vai trò phụ trách hai chuyên mục quan trọng của báo Nhân Dân và Tạp chí Tuyên giáo, là hai nơi tôi đã từng giữ vai trò lãnh đạo. Nhưng hết tháng 5 tôi đã bàn giao lại, vì về hưu 8 năm nay rồi, tôi không còn điều kiện tiếp xúc trực tiếp với những vấn đề thời sự nóng hổi của cuộc sống thực tại nữa, mà đó lại là nguyên liệu cơ bản, là dòng máu nóng cho các chủ đề của tác phẩm báo chí.

Tuổi già, sức yếu, trí tuệ cũng dần dần giảm sút, nhưng tôi cũng sẽ viết báo, vẫn còn viết báo, làm báo theo kiểu riêng của mình.

Trong chuyên mục “Bàn góp sự đời” trên báo Nhân dân tôi đã giữ trong suốt 13 năm, tôi vẫn nhớ bài cuối cùng đăng ở chuyên mục này có tựa đề “Tai họa”, trong đó tôi nhắc lại lời người xưa nói rằng: “Nếu đức hẻo mà ngồi ghế cao, tài hèn mà giao việc lớn, đó là mầm mống của tai họa”.

Tôi còn viết không chỉ vì muốn gắn bó với nghề lâu hơn mà vì chính nghề báo đã đem lại cho tôi những cảm xúc khác lạ - luôn luôn muốn tiếp cận, tìm hiểu những vấn đề mới trong dòng thời sự nóng hổi, với tâm thế thích đối thoại ngay với chính mình trong từng bài viết.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.