Xã hội

Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến: “Thơ ca đã cứu rỗi đời tôi”

19/02/2017, 08:12
image

Làng thơ Việt Nam không có mấy người đặc biệt như Nguyễn Việt Chiến: Vừa làm báo, vừa làm thơ.

chien-0544

Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến.

Làng thơ Việt Nam không có mấy người đặc biệt như Nguyễn Việt Chiến: Vừa làm báo, vừa làm thơ; Gặp vòng lao lý vẫn không buông bút, sau khi trở lại còn viết tưng bừng hơn trước. Khi Ngày thơ Việt Nam 2017 vừa kết thúc, PV Báo Giao thông đã tìm gặp và có cuộc trò chuyện thú vị với ông, nghe ông giãi bày về báo, về thơ và cả những ngày tù tội...

Ngày xả thân vì báo chí, đêm trở về với thi ca

Đầu tiên, xin chúc mừng ông với 2 giải thưởng lớn trong năm 2016. Có vẻ như nhà báo Nguyễn Việt Chiến lại có duyên với giải thơ hơn là giải về báo chí?

Một nhận xét có thể nói là chính xác. Tính ra trong nhiều năm vừa làm báo, vừa làm thơ, tôi có 2 lần được giải lớn về báo chí (Giải Báo chí Quốc gia cho loạt bài về vụ triệt phá băng nhóm Năm Cam). Còn thơ thì có tới 12 giải thưởng lớn nhỏ: Giải cuộc thi thơ của Văn nghệ Quân đội, Giải cuộc thi thơ của báo Văn nghệ, Giải Văn học 5 năm của Bộ Quốc Phòng…

Khá nhiều anh em báo chí bất ngờ khi một cây viết điều tra sắc lạnh như ông lại là một nhà thơ nổi tiếng. Hai ngòi bút trái ngược trong một con người như ông là rất hiếm?

Ở báo chí, tôi vắt kiệt mình cho bạn đọc. Khi trở lại thi ca, đó mới là đời sống đích thực của con người sáng tạo trong tôi. Dù thực ra, vừa làm thơ vừa làm báo cũng có cái đặc biệt. Có nhiều phát hiện của báo chí, thông qua năng lực của nhà thơ mà mềm mại hoá, trở thành tác phẩm. Tổ quốc nhìn từ biển là một điển hình.

Trước đây, khi từ báo Văn nghệ chuyển về báo Thanh Niên, tôi làm phóng sự điều tra, thường phải chạy theo sự cạnh tranh ghê gớm giữa các báo. Cả ngày xả thân vì báo chí, đêm đến lại trở về với thi ca. Thời điểm ấy, tôi có một cảm giác… bồng bềnh thế nào đó mà bản thân tôi cũng không cắt nghĩa được.

Nghe nói thời kỳ ở tù là giai đoạn tâm hồn thơ của ông bộc lộ rõ nhất, ông đã xuất bản tập thơ nào làm khi ở trong tù chưa?

Tôi có viết chứ, thậm chí viết rất ghê. Cảm hứng xuất hiện ngay trong những ngày tôi gặp hoạn nạn. Như bài Gặp Nguyễn Du trên sông ấy là viết sau một giấc mộng gặp đại thi hào. Trong giấc mộng ấy, cụ có nói thế này: “Chỉ có trong những đêm mưa lớn của đời người như anh đang từng trải qua, người thơ mới có thể ra sông văn câu được những bài thơ, tứ thơ, những câu chuyện văn chương hay nhất trong cuộc đời cầm bút của mình…”. Tứ thơ theo đó mà ra đời.

Nhìn lại, đó cũng là giai đoạn cho tôi nhiều thời giờ sáng tác. Trước kia, tôi hay bị báo chí cuốn đi, không còn thời gian cho thơ nữa. Nên có thể nói đó là khoảng tĩnh lặng cần thiết cho viết lách.

Thông thường, dân viết lách bị những cú sốc tù tội như ông rất khó trở lại bình thường, còn ông lại khác. Ra tù vẫn đi làm báo và làm thơ? Điều gì đã giúp ông hòa nhập như vậy?

Theo tôi, với những người viết lách chuyên nghiệp họ đặt nghề nghiệp lên trên hết, trong bất kì hoàn cảnh nào người ta cũng sẽ vẫn sáng tác. Có thể số phận mỗi người mỗi khác, có người sau hoạn nạn sẽ thui chột tài năng, có người xót xa đau đớn tới mức không muốn cầm bút, có người đơn giản là viết rồi nhưng chưa muốn công bố tác phẩm.

Tôi thì khác! Ban ngày, tôi phải làm việc với cán bộ điều tra, ban thêm thì chỉ nghĩ đến thi ca cho khuây khoả. Thi ca đã cứu rỗi đời tôi. Không có thơ thì giai đoạn ấy tôi khó mà tồn tại, thậm chí đã tự sát. Cho nên sau khi hoạn nạn đi qua, trở lại với đời sống, sức viết của tôi bật lên kinh khủng, chưa có thời gian nào viết “ác” thế.

Giá trị văn chương không thể khẳng định trong vài bài thơ

Đang sáng tác rất đều về biển đảo, Tổ quốc, tại sao ông lại quay sang nghiên cứu phê bình với cuốn “Thơ Việt Nam - Tìm tòi & cách tân 1975 - 2015” (Xuất bản 2016)?

Cách đây chục năm, song song với sáng tác thơ, tôi đã viết nhiều bài phê bình tiểu luận về văn học hay sự phát triển của thi ca đương đại. Năm 2007, cho ra đời cuốn Thơ Việt Nam - Tìm tòi & cách tân 1975-2005 dày độ 450 trang, lấy mốc 30 năm kể từ 1975. Đến năm 2016, tôi viết lại, bổ sung thêm 650 trang, lấy mốc 40 năm kết thúc kháng chiến chống Mỹ. Nó là sự tiếp nối chứ không mang tính đột xuất.

Nói thêm, theo tôi, một người làm thơ hướng tới sự chuyên nghiệp thì trong con người anh ta cũng sẽ xuất hiện một nhà phê bình. Chính nhà phê bình đó giám sát quá trình sáng tác, góp phần nâng cao chất lượng tác phẩm của anh lên. Lúc nào cũng phải có nhà phê bình song hành với nhà thơ trong con người để thấy tác phẩm mình có vấn đề gì, cần lược bỏ, đổi mới chỗ nào.

Ông đánh giá như thế nào về thế hệ nhà văn sau 1975?

Cần nhớ là thế hệ hậu chiến không phải mang nghĩa lùi sau chiến tranh, mà là gối đầu. Thế nên họ đã trải nghiệm chiến tranh, sau là đời sống bao cấp và đổi mới. Họ không tách biệt với chiến tranh mà ngược lại, đã nếm trải những cảm xúc lớn khi sống trong thời đại gian lao của đất nước. Sau này họ có điều kiện tiếp xúc với không khí trẻ trung của thời kì đổi mới.

Thế nên, nếu nhận xét một cách sòng phẳng thì thế hệ thi ca, hậu chiến đã mang lại cho nền văn học đương đại một sức sống mới, một diện mạo mới. Mỗi thế hệ đi qua đều đóng đinh những giá trị của họ trong ngôi nhà văn học. Và thế hệ hậu chiến có thể tự hào rằng, bức chân dung của họ thể hiện những đóng góp mang tính quyết định cho sự phát triển của văn học đương đại.

Vậy còn thế hệ viết trẻ ngày nay?

Các nhà thơ trẻ, ở họ có thế mạnh là sống trong thời hiện đại, có điều kiện tiếp xúc với văn hóa nhân loại. Song có cảm giác chúng ta vẫn còn phải chờ đợi ở họ một thời gian nữa. Vì ngoài vấn đề tài năng còn cần cả sự trải nghiệm, cần một quá trình sáng tác lâu dài thì người viết mới khẳng định được giá trị của mình. Văn chương là con đường sáng tác rất gian nan, không thể khẳng định chỉ trong một vài bài thơ. Tóm lại là họ cần thời gian.

Tôi lấy ví dụ trong đợt trao giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn năm vừa rồi, có một câu hỏi đặt ra: Tại sao những người có giải đều là những người định danh và có tuổi. Theo tôi, vấn đề ở đây không phải Hội Nhà văn không chú ý đến lớp trẻ, mà là vì những sáng tác của lớp trẻ chưa đáp ứng được các tiêu chí của hội đồng chấm giải.

Có ý kiến cho rằng, dòng chảy thơ ca Việt Nam đang ở giai đoạn “lắng”, ít thu hút độc giả, ông nghĩ sao?

Theo tôi, thời điểm bây giờ người làm thơ nhiều quá. Người nào cũng in rất nhiều, có người không cần đến nhà xuất bản, cứ thế photo rồi tặng nhau. Chính sự “lạm phát” đó làm cho những chân giá trị bị nhoà đi trong một cái biển tác phẩm ầm ĩ.

Trước đây in thơ khó lắm, phải 3-4 ông thành danh mới dám in chung nhau. Nhưng hiện nay thì như vỡ đê, mở ra một cái là lập tức lụt lội về thi ca. Người nào cũng in, một năm in cả 1-2 tập thơ. Và các giá trị thi ca dần dần bị nhạt đi. Nó làm cho cả một nền thơ có cảm giác bị “bình dân hoá”. Tôi vẫn nhớ một câu của nhà thơ Lê Văn Ngăn: “Chúng tôi vô danh, chúng tôi nhiều hơn các nhà thơ nổi tiếng”. Khi mà các nhà thơ vô danh nhiều thì nó sẽ làm bão hòa nền thơ.

Cảm ơn ông!

Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến sinh năm 1952, quê ở Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Tốt nghiệp đại học ngành Địa chất, năm 1990 ông chuyển sang viết báo. Năm 1991, công tác ở báo Văn nghệ, năm 1992 về làm phóng viên tại báo Thanh Niên.

Năm 2008, liên quan đến những bài báo viết về vụ PMU18 ông đã bị tòa án tuyên phạt 2 năm tù giam về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. Tháng 1/2009, Nguyễn Việt Chiến đã được đặc xá sau 8 tháng thụ án tù giam và về lại báo Thanh Niên làm việc trước khi nghỉ hưu năm 2014. Hiện, ông đang điều hành trang web của Hội Nhà văn Việt Nam.

Từ năm 1990-2004, ông đã được trao nhiều giải thưởng danh giá về thơ ca, đặc biệt giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội (2004) và Hội Nhà văn Việt Nam (2004) cho tập thơ Những con ngựa đêm và gần đây nhất là tập thơ Tổ quốc nhìn từ biển đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016.

Mưa lúc không giờ (Thơ, 1992)

Ngọn sóng thời gian (Thơ, 1998)

Cỏ trên đất (Thơ, 2000)

Những con ngựa đêm (Thơ, 2003)

Trăng và thơ đọc chậm (Thơ, 2012)

Tổ quốc nhìn từ biển (Thơ, 2015)

Thơ Việt Nam - Tìm tòi & cách tân 1975-2005 (Phê bình và tiểu luận, Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2007).

Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến sinh năm 1952, quê ở Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Tốt nghiệp đại học ngành Địa chất, năm 1990 ông chuyển sang viết báo. Năm 1991, công tác ở báo Văn nghệ, năm 1992 về làm phóng viên tại báo Thanh Niên.

Năm 2008, liên quan đến những bài báo viết về vụ PMU18 ông đã bị tòa án tuyên phạt 2 năm tù giam về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. Tháng 1/2009, Nguyễn Việt Chiến đã được đặc xá sau 8 tháng thụ án tù giam và về lại báo Thanh Niên làm việc trước khi nghỉ hưu năm 2014. Hiện, ông đang điều hành trang web của Hội Nhà văn Việt Nam.

Từ năm 1990-2004, ông đã được trao nhiều giải thưởng danh giá về thơ ca, đặc biệt giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội (2004) và Hội Nhà văn Việt Nam (2004) cho tập thơ Những con ngựa đêm và gần đây nhất là tập thơ Tổ quốc nhìn từ biển đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016.

Mưa lúc không giờ (Thơ, 1992)

Ngọn sóng thời gian (Thơ, 1998)

Cỏ trên đất (Thơ, 2000)

Những con ngựa đêm (Thơ, 2003)

Trăng và thơ đọc chậm (Thơ, 2012)

Tổ quốc nhìn từ biển (Thơ, 2015)

Thơ Việt Nam - Tìm tòi & cách tân 1975-2005 (Phê bình

và tiểu luận, Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2007).

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.