Với hàng tỷ người dùng và mỗi người đều có thể trở thành “người đưa tin”, mạng xã hội đang gây sức ép lớn nhưng cũng là một nguồn tin khổng lồ của báo chí hôm nay.
Tính tương tác giữa mạng xã hội với báo chí đang trở thành một phần tất yếu của đời sống báo chí hiện nay |
Những “phóng viên Facebook”
“Đêm qua đã xảy ra một vụ nổ súng cướp Ngân hàng Vietcombank tại phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, Cần Thơ. Hiện nhiều con đường vào hiện trường bị phong tỏa, cảnh sát có mặt khắp nơi”. Thông tin được một người dùng Facebook chia sẻ trên mạng xã hội vào lúc 6h15 ngày 16/4 này đã nhanh chóng thu hút đông đảo các thành viên với cả chục lượt chia sẻ và hàng trăm bình luận.
Ngay sau khi nhận được thông tin chia sẻ qua Facebook đó, PV Báo Giao thông tại Hà Nội lập tức liên lạc với đại diện lãnh đạo Ngân hàng Vietcombank, ông Phạm Quang Dũng - Phó Tổng giám đốc để xác minh vụ việc. Tuy nhiên, ông Dũng khẳng định không có chuyện cướp ngân hàng, mà thông tin ban đầu cho thấy có vụ xả súng, song xảy ra tại khách sạn nơi có một văn phòng giao dịch của Vietcombank. Ngay sau đó, Báo Giao thông điện tử đã đăng tải tin “Sếp Vietcombank nói không có vụ cướp Ngân hàng ở Cần Thơ” - trở thành tờ báo đầu tiên thông tin chính xác về vụ việc. Cũng cùng thời điểm đó, PV Báo Giao thông tại Văn phòng Cần Thơ cũng lập tức có mặt tại hiện trường, làm việc với các cơ quan chức năng để xác minh và nhanh chóng cung cấp đầy đủ thông tin vụ việc đến với bạn đọc.
Đây là một trong vô vàn ví dụ về tính tương tác giữa mạng xã hội với báo chí - đang trở thành một phần tất yếu trong đời sống báo chí hôm nay. Báo chí, rõ ràng đang phải đối mặt với sức ép cạnh tranh thông tin từ các trang mạng xã hội có sức lan tỏa trên khắp thế giới. Chỉ cần có một chiếc điện thoại có gắn camera và kết nối Internet là đều có thể trở thành người đưa tin trực tiếp từ hiện trường, đồng thời với diễn biến của sự việc, hiện tượng. Thậm chí, cùng tiếp nhận một thông tin, song báo chí vẫn có nguy cơ “tụt hậu”, bởi trong khi nhà báo cần thời gian để xuất bản thông tin đó theo đúng quy trình, từ khâu xác minh thông tin, hoàn thiện bản tin, duyệt xuất bản… thì những thông tin “thô” đó đã có thể được công bố ngay lập tức bởi các “phóng viên facebook” hay “phóng viên” của bất kỳ mạng xã hội nào khác!
Mạng xã hội đang góp phần trở thành thông tin hữu ích giúp nhà báo dễ dàng tác nghiệp và tiếp cận vấn đề tốt hơn |
Tương tác hai chiều
Song, điều đó không có nghĩa báo chí bị lu mờ bởi mạng xã hội. “Bởi chỉ thông tin, đó chưa phải là báo chí”, Giám đốc bộ phận tin tức toàn cầu của BBC Richard Sambrook phân tích, báo chí cần tính kỉ luật, phân tích, giải thích bối cảnh và quan trọng nhất là độ tin cậy. “Bạn nghe tin Steve Jobs qua đời khi truy cập vào Facebook hay Twitter, song việc bạn làm ngay sau đó là truy cập vào một trang báo uy tín nào đó để kiểm chứng thông tin này”, ông Richard Sambrook lấy ví dụ.
Bởi vậy, cũng có thể nói, mạng xã hội chính là một kênh thông tin vô cùng hữu ích với báo chí truyền thống. Có thể xuất hiện ở khắp mọi nơi, mọi lúc, chia sẻ của các thành viên mạng chính là một mạng lưới thông tin khổng lồ mà nhà báo có thể tham khảo. Có thể kể nhiều tác phẩm báo chí có sức nặng với dư luận xã hội và cả những cơ quan quản lý là từ những thông tin trên mạng xã hội, như trường hợp một binh nhất tại Quảng Nam tung ảnh giết voọc lên Facebook, đã bị tước danh hiệu chiến sĩ hồi tháng 8/2012, sau khi báo chí vào cuộc. Hay từ một clip ném phao thi bị tung lên mạng giữa năm 2012, báo chí đã điều tra, sự việc xảy ra tại trường THPT Đồi Ngô, Bắc Giang. Vụ việc đã được báo cáo lên Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo và bị xử lý. Tương tự, nhiều vụ việc nhũng nhiễu, tiêu cực liên quan đến lực lượng CSGT cũng đã bị phát hiện từ những clip của người tham gia giao thông. Trên một số trang báo điện tử, hình thành hẳn một chuyên mục chuyên khai thác thông tin từ mạng xã hội, như “10 ảnh hot trong ngày trên Facebook” của trang ngoisao.net chẳng hạn.
Như vậy, thay vì lo sợ bị lu mờ, thậm chí bị triệt tiêu, rõ ràng, báo chí ngày nay hoàn toàn có thể kết hợp với các kênh thông tin trên Internet, đặc biệt là mạng xã hội để nâng cao hiệu quả hoạt động. Sự kết hợp không chỉ ở khía cạnh sử dụng mạng xã hội như một nguồn tin, mà còn là tạo ra sự tương tác đa chiều. Rất nhiều bài báo, được hình thành từ nguồn tin trên mạng xã hội, sau đó được giới thiệu trở lại, nhờ đó đưa được thông tin khách quan, tin cậy đến bạn đọc, đồng thời là cơ hội để người đọc đóng góp nhiều góc nhìn giá trị.
Song, không phải nhà báo, tờ báo nào cũng làm được điều đó. Áp lực cạnh tranh thông tin; sự dễ dãi về nghiệp vụ; thậm chí cố tình phớt lờ những nguyên tắc nghề nghiệp để câu khách, đã dẫn đến tình trạng lạm dụng mạng xã hội, đăng tải nhiều thông tin chưa được kiểm chứng. Cùng với đó, những bài báo mà đề tài thuần túy là chia sẻ của một số nhân vật nổi tiếng trên Facebook xuất hiện ngày càng nhiều; thậm chí, rất nhiều chuyện vốn riêng tư của người - không nổi tiếng cũng được biến thành một bài báo bằng cách nhân danh “cộng đồng mạng”, “cư dân mạng”. Gần đây nhất, sáng 11/6, một tờ báo điện tử đăng tải bài báo “9x bị tố trả tiền không phá thai: “Bài học xương máu”, sau đó được một số báo điện tử, trang thông tin khác khai thác lại. Nội dung bài báo đơn thuần là câu chuyện tình cảm của một đôi bạn trẻ tại Hà Nội, trong lúc giận hờn đã chia sẻ “hậu trường” yêu đương lên trang Facebook cá nhân và đã được tác giả bài viết khai thác triệt để…
Những bài báo kiểu này có thể thu hút một số độc giả nào đó, giúp tờ báo “câu view”, song rõ ràng làm dài thêm danh sách những sản phẩm báo chí kém chất lượng, làm giảm lòng tin của bạn đọc.
Nhà báo và trách nhiệm công dân
Hầu hết các nhà báo đều có tài khoản mạng xã hội, mà tại Việt Nam, phổ biến nhất là Facebook. Cùng với thu nhận thông tin từ cộng đồng người dùng, mạng xã hội cũng là nơi để các nhà báo có thể giới thiệu các bài viết của mình, lắng nghe ý kiến phản hồi để có thể hoàn thiện thêm kỹ năng, nghiệp vụ báo chí. Mạng xã hội cũng là nơi nhà báo chia sẻ quan điểm, suy nghĩ của mình về mọi khía cạnh đời sống, xã hội. Với lợi thế về tiếp cận thông tin, khả năng phân tích, đánh giá với những góc nhìn sắc sảo… chia sẻ của nhiều nhà báo thu hút sự quan tâm lớn, thậm chí góp phần định hướng dư luận của cộng đồng mạng.
Nhiều góc nhìn sắc sảo, cộng với ý thức trách nhiệm công dân. Như vụ việc gây rối ở Bình Dương, Hà Tĩnh những ngày vừa qua, nhiều nhà báo đã trắng đêm cùng cộng đồng mạng, dõi theo, lo lắng và trách nhiệm; cảnh báo người dùng không đưa những thông tin thiếu kiểm chứng gây hoang mang thêm dư luận; đề nghị tuyên truyền, vận động bạn bè, người thân không hùa theo tâm lý đám đông; thông tin nhanh chóng chủ trương, biện pháp tích cực của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương… Có thể nói, ngoài góc độ nghiệp vụ, hành động của các nhà báo, khi ấy còn thể hiện thái độ, trách nhiệm của một công dân với đất nước.
Song, bên cạnh đó, đáng tiếc, vẫn còn một số nhà báo lạm dụng mạng xã hội để làm “thương hiệu” cá nhân bằng mọi cách, từ việc đưa nhiều thông tin chưa kiểm chứng; thậm chí cố ý soi chiếu dưới góc nhìn lệch lạc, cho đến cả việc đi ngược với lợi ích chung.
Thảo Nguyên
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận