Ôm nghiệp viết đến tuổi xế chiều
Trong mắt khán giả thế hệ 6x, 7x, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ là một cây bút đại tài khi "khai sinh" hàng loạt tác phẩm kinh điển của điện ảnh Cách mạng Việt Nam như: "Biển gọi," "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", "Em bé Hà Nội", "Mối tình đầu," "Thành phố lúc rạng đông"…
Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ
Trong đó, "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" và "Em bé Hà Nội" đưa biên kịch Hoàng Tích Chỉ và đạo diễn Hải Ninh trở thành một cặp bài trùng đình đám của giới mộ điệu.
Ít ai biết, trước khi có "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", một kiệt tác điện ảnh để đời của điện ảnh Cách mạng Việt Nam, bộ phim "Biển gọi" trước đó do Hoàng Tích Chỉ viết kịch bản đã giành giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần đầu tiên (năm 1970).
Không chỉ gắn với điện ảnh, ông còn là tác giả của một số tiểu thuyết như: “Bão tuyến”, “Mắt bão”, “Tướng cướp hoàn lương”, “Bóng ma rừng Sác”...
Sinh thời, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ từng tâm sự: "Cha tôi giỏi chữ Hán, tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục. Anh cả Hoàng Tích Chu nhà báo. Anh hai Hoàng Tích Chù họa sĩ. Anh trẻ Hoàng Tích Linh viết kịch. Tôi là con út, mồ côi cha mẹ sớm, 13 tuổi làm trinh sát, 15 tuổi cầm súng đối mặt với các thế lực thù địch sừng sỏ như tướng phỉ, tình báo đặc nhiệm.
Tôi được rèn luyện, sống trong cái nôi tình nghĩa của đồng đội, đồng bào. Và 43 năm cầm bút viết kịch bản văn học điện ảnh một nghệ thuật tổng hợp, công nghệ kỹ thuật cao. Và mối quan hệ quần chúng, quốc tế cực kỳ rộng lớn...".
Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2012
Không chỉ để lại nhiều tác phẩm, ông còn để lại cho thế hệ hậu sinh kinh nghiệm quý báu về nghề viết, cách mà một người trân trọng nghề viết của mình như thế nào.
Khi đã ở tuổi thất thập, trên bàn làm việc của ông vẫn còn nhiều tác phẩm viết dở. Lúc nào, ông cũng trăn trở mơ ước có được thời gian viết tác phẩm văn học với hàng chục kịch bản văn học đang chờ đợi.
NSƯT Hoàng Tích Thiện, con trai ông, kể lại: "Vài năm trước, dù bố tôi không còn minh mẫn như trước nhưng thỉnh thoảng ông vẫn nhắc về kịch bản đang viết dở, muốn hoàn thiện nó".
Một nhân cách lớn đã đi xa
Dẫu biết biên kịch Hoàng Tích Chỉ không thể trốn quy luật "Sinh - Lão - Bệnh - Tử", nhưng giới làm điện ảnh ai cũng xót xa.
Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ là biên kịch thứ nhất của phim “Em bé Hà Nội”
Tiễn biệt ông, đạo diễn, họa sĩ, NSND Hà Bắc tiếc nhớ: "Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ là một cây đa, cây đề trong giới nghệ thuật Việt Nam. Điều tôi cảm phục nhất ở ông là bên cạnh tài năng, sự nghiệp nổi bật, ông là một con người nhã nhặn, khiêm tốn".
Trong mắt nhà biên kịch Hồng Ngát, biên kịch Hoàng Tích Chỉ là người nho nhã, nhỏ nhẹ, kiệm lời, mỗi khi cất tiếng đều nói những điều sâu sắc. Nhưng ông là một người tình cảm, luôn quý mến, trân trọng những người làm được việc.
Đã hàng chục năm qua đi, biên kịch Hồng Ngát vẫn nhớ những ngày đầu tiên làm điện ảnh của mình. Đó là năm 1987, sau khi tốt nghiệp khoa biên kịch ở Trường Đại học điện ảnh Moscow (VGIK) nước Nga, về nhận việc tại Hãng phim truyện Việt Nam, bà được nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ nhiệt tình đón tiếp và chỉ bảo khi còn bỡ ngỡ bước đầu làm quen với điện ảnh.
"Vốn dĩ tôi là dân sân khấu, học rồi về làm biên kịch ở hãng phim, được tiếp xúc với các nhà biên kịch tên tuổi của hãng, trong đó có ông thì lấy làm tự hào lắm. Ông là một trong những nghệ sĩ thế hệ điện ảnh đầu tiên, khi ấy đang rất sung sức trong sáng tạo nghệ thuật cũng như là trụ cột của ngành trên cương vị quản lý", biên kịch Hồng Ngát tâm sự.
Ký họa Hoàng Tích Chỉ của họa sĩ, NSND Hà Bắc
Sau này, được đồng hành với biên kịch Hoàng Tích Chỉ trong những chuyến công tác vào Nam ra Bắc, biên kịch Hồng Ngát nói rằng bà học được nhiều điều ở ông về cách làm nghề và cách bảo vệ “đứa con” tinh thần của mình.
"Tôi hay được trò chuyện với ông, chuyện nghề, chuyện đời; nhiều chuyện vui từ mối quan hệ biên kịch và đạo diễn; những kinh nghiệm viết kịch bản, sản xuất phim trong nhiều năm... được ông chỉ dạy không thể kể hết.
Giọng ông cứ thủ thỉ, nhẹ nhàng thế mà biết bao nhiêu là chuyện vui có, buồn có và hài hước cũng có. Ông vốn là người sâu sắc, chân thành, ẩn giấu trong bản tính lặng lẽ, kiệm lời", nữ biên kịch tâm sự.
Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ đã sống một cuộc đời sôi nổi, ý nghĩa và vừa nhẹ bước đi về phía "Biển gọi" để lại một nụ cười thật hiền như chính nhân cách của ông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận