Ông Đoàn Ngọc Hải đã trực tiếp gặp gỡ, nói chuyện với người phụ nữ mù đầu tiên tới ở tại ngôi nhà tình thương
Ngôi nhà 4 tầng, khang trang nằm cuối đường DN4-1, trong khu dân cư An Sương (thuộc P.Tân Hưng Thuận, Q.12, TP.HCM) rất dễ nhận biết bởi có tấm biển “Ngôi nhà của phụ nữ mù mãi mãi”.
Hai phụ nữ khiếm thị đầu tiên tên là chị Thuỳ Dương và chị Lê Nhung. Đây là hai người đầu tiên về sống tại ngôi nhà tình thương dành cho người mù do ông Đoàn Ngọc Hải xây tặng.
Ngôi nhà có 20 giường ngủ, hệ thống điện, nước, quạt gió và các tiện nghi, đồ dùng thiết yếu.
Thuỳ Dương cho biết, cô sinh ra tại huyện Tiên Phước, Quảng Nam trong gia đình có 3 chị em, chị cả và em út đều lành lặn, chỉ có Dương bị khiếm thị, cha mẹ làm ruộng cũng đủ ăn qua ngày.
"Năm 2011, em lên Sài Gòn và ở cơ sở mái ấm tình thương dành cho người khiếm thị tại quận Bình Thạnh. Bằng sự nỗ lực cố gắng, em đã thi đỗ vào trường Cao đẳng Văn hoá - Nghệ thuật Sài Gòn", Dương cho biết.
Thuỳ Dương tâm tình: "Được vào sống tại ngôi nhà của bác Đoàn Ngọc Hải xây dựng cho người khiếm thị, em mừng lắm. Em mong sau khi tốt nghiệp sẽ có việc làm ổn định, trở thành cô giáo dạy âm nhạc cho học sinh cấp I, II".
Clip: Tâm sự của hai cô gái khiếm thị đầu tiên tới ngôi nhà tình thương dành cho người mù của ông Đoàn Ngọc Hải
Chị Thuỳ Dương (trái) và chị Lê Nhung rất hạnh phúc khi được tá túc trong căn nhà tình thương dành cho phụ nữ khiếm thị.
Nói về công việc đang làm để có tiền trang trải cuộc sống, Thuỳ Dương hồ hởi khoe đang chơi trong một nhóm nhạc: “Nhóm nhạc em đang tham gia do mẹ Vân Anh dẫn dắt, các bạn trong nhóm có thể chơi đủ các loại nhạc cụ. Em chuyên hát và sử dụng bộ gõ tay.
Hoàn cảnh của cô gái khiếm thị thứ hai trong ngôi nhà tình thương còn éo le hơn. Lê Nhung (quê ấp Tân Châu, xã Tân Phú, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) có 3 chị em nhưng chị gái và Nhung đều bị khiếm thị, chỉ có người em út là may mắn có đôi mắt sáng.
Nhung cho hay, từ lúc chào đời, nhìn bề ngoài hình dạng đôi mắt chị em Nhung hoàn toàn bình thường, không có biểu hiện của khiếm thị. Cha mẹ không có khả năng chạy chữa, hai chị em đành chịu sống cảnh mù loà.
Chị Lê Nhung hiện đã tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm TP.HCM, khoa Giáo dục đặc biệt
“Tốt nghiệp đã nhiều năm vẫn chưa xin được việc làm, hiện em mưu sinh bằng việc đan móc khoá và tham gia nhóm biểu diễn nghệ thuật của người mù cùng với Thuỳ Dương”, chị Nhung chia sẻ.
Nhắc đến bạn, niềm vui bừng sáng trên khuôn mặt xinh xắn, Nhung cho biết: "Em với Thuỳ Dương làm bạn được 9 năm, kể từ khi còn bên mái ấm với các sơ. Hai đứa chúng em như chị em ruột thịt, nay lại được ở cùng một nhà, em vui lắm".
Ước mơ của Nhung là học nghề massage, vật lý trị liệu để có thể kiếm thêm thu nhập. Nhung cũng mong nhóm có nhiều show diễn hoặc tìm được công việc ổn định để các thành viên có thể tự lo cho bản thân.
Và một ước mơ cháy bỏng hơn, là ngày nào đó với sự tiến bộ của y học, "đôi mắt của em sẽ được chữa trị và thấy được ánh sáng, thấy cha mẹ và tất cả mọi người".
Ông Đoàn Ngọc Hải, nguyên Phó Chủ tịch UBND quận 1, TP.HCM. Sau khi xin nghỉ việc, ông dành phần lớn thời gian của mình lái xe cứu thương (xe cá nhân) chuyên chở bệnh nhân khó khăn, hài cốt liệt sĩ, chở sữa và quà tặng cho học sinh ở nhiều vùng miền trên cả nước…
Ngôi nhà ông Đoàn Ngọc Hải xây dựng dành cho những phụ nữ mù vô gia cư đã hoàn thành sau gần 1 năm thi công. Căn nhà 4 tầng có giá trị 6 tỉ đồng này là từ tiền ông bán điện thoại Vertu, đồng hồ Patek Philippe và vay ngân hàng.
Ông Hải cho biết, mục đích ông xây dựng ngôi nhà này làm nơi ở cho khoảng 20 phụ nữ vô gia cư. Vì vậy, ông để ngẫu nhiên những phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt, không nhà cửa tới ở và không nhờ tới các tổ chức thiện nguyện nào.
>> Hình ảnh cuộc sống những phụ nữ mù đầu tiên tới ở ngôi nhà mà ông Đoàn Ngọc Hải xây tặng:
Hai bạn Thuỳ Dương (trái) và Lê Nhung đứng trước cổng ra vào ngôi nhà xây cho người mù của ông Đoàn Ngọc Hải
Thuỳ Dương 21 tuổi (Tiên Phước, Quảng Nam) chia sẻ rất hạnh phúc khi được đến ngôi nhà này, Thuỳ Dương mong giúp những bạn cùng cảnh ngộ để vượt qua khó khăn sinh hoạt hàng ngày
Lê Nhung 30 tuổi, (quê ấp Tân Châu, huyện Tân Phú, tỉnh Tây Ninh) tâm sự, vô cùng hạnh phúc khi được đến ở ngôi nhà này, ngôi nhà khang trang rộng rãi, thoáng mát
Lê Nhung tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP.HCM, khoa Giáo dục đặc biệt, ước mơ của Nhung sẽ là cô giáo dạy học, dù đôi mắt không thể nhìn thấy nhưng với khả năng đặc biệt Nhung vẫn có thể đánh văn bản trên máy tính
Thuỳ Dương hướng dẫn cho chị Nhung các vị trí đồ dùng trong nhà, khi quen các vị trí đồ dùng, Nhung hoàn toàn có thể tự chăm sóc bản thân như nấu cơm, rửa bát, giặt quần áo...
Nhìn đôi bạn thiệt thòi vì khiếm thị ríu rít dắt tay nhau lần từng bước làm quen với các thiết bị đồ dùng trong ngôi nhà mới, cảm phục hơn sự nỗ lực vượt hoàn cảnh tật nguyền của các bạn
Ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi không thiếu thứ gì
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận