26 nghìn môi giới BĐS cắt giảm thu nhập
Theo thống kê Hội môi giới bất động sản Việt Nam, hiện có 78% sàn giao dịch phải thực hiện cắt giảm nhân sự (cho nghỉ việc) hoặc cho tạm nghỉ việc không lương. 45% lao động trong số các sàn giao dịch thực hiện cắt giảm không còn thu nhập (tương đương khoảng 26.325/75.000 lao động làm việc tại 500 sàn giao dịch). Số còn lại tuy được hưởng lương nhưng cũng chủ yếu là hưởng lương cơ bản, phụ cấp nghỉ dịch, hoặc hưởng 50% lương do thực hiện làm luân phiên. Hiện 28% sàn đã không còn quỹ lương để trả cho người lao động.
Dịch Covid-19 kéo dài, nhà đầu tư ôm tiền phòng thủ khiến 26 nghìn môi giới bất động sản (BĐS) thất nghiệp, giảm thu nhập (ảnh minh hoạ).
Hội này xác định nguyên nhân là do dịch Covid-19 khiến doanh thu sụt giảm, thậm chí không có nguồn thu nhưng có tới hơn 70% các sàn giao dịch không được giảm chi phí thuê mặt bằng. Nhiều sàn giao dịch đóng cửa, tạm dừng hoạt động để chống dịch.
Chị Nguyễn Thị Hằng, một môi giới đất thổ cư tại Hà Nội cho biết, hai tháng nay chị không ra khỏi nhà và cũng không bán được sản phẩm nào vì phải thực hiện giãn cách theo chỉ thị 17 của TP Hà Nội.
Chị Hằng cũng cho biết, lượng khách hàng chính trong đầu tư cũng tập trung tại Hà Nội, thời gian giãn cách họ cũng không thể đi xem dự án như những ngày bình thường.
Giá đất tăng cao, nhà đầu tư phòng thủ
Hội môi giới bất động sản Việt Nam vừa đưa ra một số kiến nghị, đề nghị các chủ dự án hỗ trợ, tạo điều kiện, không phạt hợp đồng nếu các sàn không thực hiện đúng cam kết tiến độ bán hàng do thực hiện giãn cách xã hội.
Đồng thời, Hội cũng đề nghị các chủ dự án không nợ phí môi giới của các sàn giao dịch. Sớm thanh toán hoặc ít nhất là thanh toán một phần đề các sàn giao dịch có nguồn kinh phí duy trì hoạt động.
Các đơn vị, cá nhân cho thuê mặt bằng cũng được đề nghị vì "tinh thần tương thân tương ái", đồng cảm với những khó khăn của đối tác, hỗ trợ thiết thực bằng việc hỗ trợ một phần tiền nhà, giãn nộp tiền thuê cho các đơn vị trong thời gian phải thực hiện giãn cách xã hội.
Theo ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam, thời gian giãn cách xã hội dài, ảnh hưởng rất sâu đến kinh tế, tác động trực tiếp đến lĩnh vực. Doanh nghiệp khó khăn, dự án dừng triển khai, chưa biết sẽ về đích như thế nào.
Bên cạnh đó, giá bán bất động sản khá cao, một vài khu vực có thông tin giảm giá nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mặt bằng chung. Ôm bất động sản thời gian này rủi ro rất cao, do đó, nhiều nhà đầu tư chuyển hướng tư duy sang phòng thủ, mang tiền cất két.
Trước đó, ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Công ty Nhà ở ngay Việt Nam cho biết, năm 2017, giá chung cư trên địa bàn quận Thanh Xuân khoảng 26 triệu/m2; năm 2020 giá mặt bằng tăng lên 30 - 33 triệu/m2; đến nay lên 42 - 50 triệu/m2.
Ông Vũ Cương Quyết, Tổng Giám đốc Đất Xanh Miền Bắc nhận định, trong 3 tháng nay, giá chung cư trên địa bàn TP Hà Nội tăng từ 5 - 15%. Cụ thể: Thanh Xuân tăng 10%; Nam Từ Liêm 5-10%...
"Trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung, dự án ra hàng giới hạn, quỹ đất đẹp gần như không còn. Cộng với việc giá vật liệu và chi phí đầu vào tăng khiến giá bất động sản tăng", ông Quyết nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận