Ngày 17/5, tại Hà Nội, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị kêu gọi đầu tư dự án xây dựng một số đoạn cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, với sự tham gia của 70 nhà đầu tư nước ngoài và gần 100 nhà đầu tư trong nước.
Theo Bộ GTVT, tới đây sẽ đầu tư xây dựng 11 dự án, với tổng chiều dài 654 km, đi qua địa phận 13 tỉnh, thành phố. Trong đó có 3 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, hợp đồng BOT.
Tổng mức đầu tư của các dự án khoảng 118 nghìn tỷ đồng. Trong đó, phần vốn Nhà nước tham gia là 55 nghìn tỷ đồng đầu tư cho 3 dự án đầu tư công, hỗ trợ toàn bộ công tác GPMB và góp một phần vốn xây dựng công trình để đảm bảo tính khả thi của các dự án.
Tại hội nghị, Bộ GTVT, đơn vị tư vấn cung cấp đầy đủ các thông tin dự án cho nhà đầu tư, đồng thời cùng đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và tư vấn dự án giải đáp tất cả các câu hỏi được các nhà đầu nêu ra tại hội nghị.
Cơ chế tốt nhất cho nhà đầu tư
Công ty Nexco, Nhật Bản: Trong các hồ sơ mời sơ tuyển nhà đầu tư của Bộ GTVT không có phần bảo lãnh Chính phủ, tuy nhiên hiện nay Luật PPP đang được xây dựng. Có ý kiến quan ngại, nếu sau này có sự thay đổi trong quy định luật PPP trong việc bảo lãnh Chính phủ sẽ gây tác động thế nào? Bộ GTVT có đề xuất chính sách bảo lãnh trong xây dựng dự thảo Luật PPP không?
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật: Chính phủ đang giao Bộ KH-ĐT chủ trì xây dựng, trình dự luật đầu tư công PPP. Bộ GTVT là cơ quan phối hợp xây dựng dự thảo.
Bà Vũ Quỳnh Lê, Cục phó Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Nguyên tắc chung của pháp luật nói chung là không hồi tố đối với những quy định mới. Vấn đề thứ hai, để tạo môi trường tốt, pháp luật đầu tư theo hướng minh bạch. Trong giai đoạn chuyển giao chính sách, những gì tốt hơn cho nhà đầu tư thì được chọn. Còn khả năng bảo lãnh Chính phủ sau này, liên quan đến phần nguồn lực Nhà nước tham gia dự án thế nào. Còn hiện nay vấn đề bảo lãnh chưa chắc chắn có hay không có xuất hiện. Nội dung đó chưa được tính, còn nói chung môi trường đầu tư ở Việt Nam luôn theo hướng cởi mở như vậy.
Công ty Xây dựng Đường sắt Trung Quốc: Một nhà đầu tư gồm 2-3 thành viên, bao gồm công ty mẹ và 1 hoặc 2 công ty con, trong khi đó công ty mẹ nắm vốn điều lệ của 1-2 công ty con. Các công ty đều hạch toán độc lập. Vậy pháp nhân này có được xem là hợp lệ để liên danh tham gia dự án hay không?
Ông Kushal Kumar Sigh, tư vấn Deloitte: Quy định pháp luật hiện nay không cho phép công ty mẹ - con cùng tham gia liên danh, vì vậy, cần xem xét mối quan hệ giữa công ty mẹ - con có độc lập hay không. Trường hợp nếu có sự xung đột lợi ích sẽ bị loại.
Đại diện tập đoàn ACI: Nếu công ty đã tham gia và qua vòng sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư, có buộc phải tham gia đấu thầu không?
Ông Kushal Kumar Sigh, tư vấn Deloitte: Trong 2 tuần nhà thầu được sơ tuyển phải xác nhận sẽ tham gia giai đoạn tiếp theo, trên cơ sở xem xét sẽ thông báo cho nhà thầu kết quả sơ tuyển. Nhà đầu tư phải phản hồi trong 2 tuần mới được tham gia đấu thầu.
Đại diện ngân hàng BIDV: Phí bảo hiểm nhà thầu được tính thế nào trong thời gian vận hành dự án đi vào hoạt động? Hiện tại một số ngân hàng nói rằng, các quy định hiện tại không cho phép?
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ PPP (Bộ GTVT): PPP là dự án kiểm soát chất lượng đầu ra. Nhà đầu tư phải kiểm soát chất lượng dịch vụ trong cả vòng đời dự án. Việc đó phụ thuộc nhà đầu tư, nếu nhà đầu khẳng định chất lượng tốt thì không phải mua, Nhà nước mong chờ như thế. Còn nếu thấy có rủi ro có thể mua. Nhà đầu tư tự hạch toán và hoàn toàn có thể mua bảo hiểm đó.
Nhà nước chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư
Đại diện một số nhà đầu tư: Nhà đầu tư lo ngại rủi ro về chậm bàn giao mặt bằng, sự biến động của tỉ giá ngoại tệ, các cơ quan chức năng có giải pháp gì về vấn đề này?
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật: Về GPMB, Nhà nước cam kết giao mặt bằng cơ bản sạch cho nhà đầu tư triển khai dự án. Mức giá bồi thường, hỗ trợ GPMB được các địa phương quy định, thực hiện theo luật định. Hiện nay trong 11 dự án, đến 20/5 cơ bản các tư vấn bàn giao mốc GPMB cho địa phương thực hiện. Công tác GPMB đang được triển khai rất quyết liệt.
Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng nhà nước Việt Nam: Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua toàn bộ số vốn GPMB dùng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Chính phủ cũng chỉ đạo rất quyết liệt các tỉnh, thành phố có dự án đi qua triển khai đáp ứng kịp thời tiến độ đầu tư dự án. Với sự quyết liệt đó, hi vọng sau khi ký hợp đồng, mặt bằng sẽ được bàn giao đầy đủ cho nhà đầu tư. Đây là một trong những rủi ro được Chính phủ nhận diện.
Về bảo lãnh ngoại tệ, hiện nay pháp luật Việt Nam đã ban hành đầy đủ trong việc hướng dẫn các nhà đầu tư đến kinh doanh tại Việt Nam có quyền mua ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng được phép, được chuyển phần lợi nhuận vốn cũng như nguồn thu hợp pháp về nước.
Trong trường hợp các nguồn thu bằng đồng Việt Nam, nhà đầu tư có thể mua ngoại tệ ở các tổ chức tín dụng được phép để chuyển về nước và Chính phủ Việt Nam luôn theo đuổi mục tiêu, chính sách duy trì được môi trường kinh tế vĩ mô ổn định để các nhà đầu tư, DN yên tâm làm ăn tại Việt Nam.
Trong trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước có thể thực hiện các giải pháp để ổn định cho phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ từng thời kỳ nên các nhà đầu tư hoàn toàn yên tâm về tỷ giá hối đoái và kết quả điều hành kinh tế vĩ mô trong thời gian qua, tỷ giá được duy trì rất ổn định.
Công ty GS: Nhà nước có cơ chế bảo lãnh gì liên quan đến bảo lãnh doanh thu tối thiểu dự án không?
Bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Khi ban hành hồ sơ sơ tuyển, bảo lãnh doanh thu là mục tiêu khó, cơ chế này đã được áp dụng tại Hàn Quốc từ năm 1999 nhưng đến năm 2009 ở Hàn Quốc cũng đã dừng lại. Với tư cách đơn vị giúp Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối giúp Chính phủ trình Quốc hội dự thảo luật PPP, chúng tôi cũng đang nghiên cứu nội dung đó.
Công ty GS: Nhà đầu tư có thể xem xét gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng khi lưu lượng xe thấp hơn so với dự kiến?
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ PPP: Lưu lượng giảm xuống, các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu tính toán lại phương án thu phí, tạo ra giải pháp chia sẻ rủi ro về mặt doanh thu với các nhà đầu tư. Hiện đang giao cho hai tư vấn nghiên cứu cơ chế phù hợp với pháp luật Việt Nam. Đây là nội dung chúng tôi đã tính đến. Hồ sơ chính thức về công thức tính toán như nào? Mức chia sẻ rủi ro là bao nhiêu? sẽ có trong hồ sơ mời thầu. Chúng tôi cũng sẽ xin ý kiến Chính phủ và các bộ, ngành để có thể chia sẻ rủi ro cho các nhà đầu tư.
Công ty GS: Chính phủ Việt Nam có xem xét thanh toán cho nhà đầu tư trong các trường hợp bất khả kháng, lỗi của nhà đầu tư hoặc Chính phủ đơn phương chấm dứt hợp đồng không?
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ PPP: Theo pháp luật Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế, trong trường hợp bất khả kháng, hai bên đều phải xem xét để đảm bảo những trường hợp bất khả kháng đó được giải quyết theo chiều hướng hài hòa lợi ích. Trong hồ sơ mời thầu sẽ xem xét lỗi của nhà đầu tư hay lỗi của Chính phủ cũng như trường hợp xử lý khi chính phủ đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Đại diện cho quỹ đầu tư ECOCAPITAL: Chính phủ dự kiến bảo đảm tỷ suất lợi nhuận 11,7% bằng VNĐ cho nhà đầu tư tham gia đường cao tốc này, tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài vốn vay bằng tiền USD. Về phía các nhà đầu tư, ủy ban đầu tư của họ yêu cầu tỷ suất lợi nhuận tối thiểu bằng tiền đô ở mức bao nhiêu? Trong khi chúng ta đảm bảo mức tỷ suất 11,7% bằng VNĐ thì nếu các dự án có thời hạn dài từ 15, 18, 24 năm, mặc dù tỉ giá được đảm bảo ổn định tuy nhiên ai biết trên thực tế, hàng chục năm tỷ giá sẽ thay đổi thế nào? Tôi thấy lo ngại nếu tỷ suất lợi nhuận đảm bảo cho nhà đầu tư nước ngoài không được tính đến trượt giá của Việt Nam thì họ không thể trình được trước Đại hội cổ đông. Cơ quan chức năng có cân nhắc tính tới mức trượt giá trong tương lai thực tế để đảm bảo thuận lợi cho các nhà đầu tư?
Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng nhà nước Việt Nam: . Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay, các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam phải thực hiện bằng đơn vị VNĐ. Do đó, quy định 11,7% tính trên VNĐ là hoàn toàn phù hợp.
Về vấn đề rủi ro tỷ giá, đây cũng là rủi ro mà các nhà đầu tư khi xem xét, cân nhắc đầu tư cũng phải tính đến. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam đã có những chính sách dự phòng cho các rủi ro, trong đó có rủi ro tỷ giá.
Thứ hai, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước VN luôn theo đuổi chính sách ổn định kinh tế vĩ mô để các nhà đầu tư an tâm làm ăn tại Việt Nam. Do đó, vấn đề nhà đầu tư đề xuất chúng tôi sẽ xem xét, cân nhắc trong quá trình về sau.
Khuyến khích ứng dụng công nghệ, vật liệu mới
Đại diện Tensa International: Các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế có được chấp thuận áp dụng vào dự án không? Thay đổi, cải tiến kỹ thuật so với kỹ thuật được phê duyệt có được chấp thuận không? Quy trình chấp thuận như thế nào?
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ PPP: Việt Nam có quy chuẩn tiêu chuẩn, mỗi dự án sẽ có khung tiêu chuẩn. Đối với các dự án nước ngoài cần phải trình lên Bộ GTVT phê duyệt các tiêu chuẩn đó, sau khi được phê duyệt hoàn toàn được áp dụng
Nhà đầu tư được khuyến khích đưa ra các sáng kiến, tất cả các thay đổi mang lại chất lượng tốt hơn hoàn thành được chấp thuận, quy trình chấp thuận thực hiện theo Luật Xây dựng.
Công ty Thép Nhật Bản: Quan điểm đối với giải pháp vật liệu tốt và môi trường gia tăng lợi ích kinh tế như thế nào?
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng PPP: Cơ chế quản lý hướng tới thân thiện với môi trường. Vì vậy, khi đấu thầu, chúng tôi khuyến khích nhà đầu tư sử dụng công nghệ mới, khuyến khích nhà đầu tư có những sáng kiến, cải tiến công nghệ.
Giám đốc công ty Momts Consolution: Dự án có thực hiện quyết toán không. Nếu có, giá trị quyết toán lớn hơn hoặc nhỏ hơn giá trị dự toán ban đầu thì xử lý thế nào?
Ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính: Đây là nội dung được các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm. Quyết toán dự án công trình theo đúng luật xây dựng của Việt Nam, công trình hoàn thành xong được quyết toán.
Nhưng đối với dự án này, tôi chia sẻ quan điểm là quyết toán theo hợp đồng dự án chứ không yêu cầu quyết toán công trình hoàn thành sau khi xây dựng xong.
Việc này liên quan nhiều đến tiêu chí đấu thầu, đến “đầu bài” là hồ sơ mời thầu. Chúng ta thực hiện theo đúng hồ sơ mời thầu, theo đúng hồ sơ và “đầu bài” đưa ra.
Đại diện Vinaconex: Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư là vốn góp của Nhà nước. Còn các tiêu chí khác, cố định và không cố định, được xây dựng thế nào?
Ông Kushal Kumar Sigh, tư vấn Deloitte: Mức thu phí ở mỗi dự án đã được xác định cố định đối với cả dự án 2-4 làn xe, nên tiêu chí đầu tiên lựa chọn nhà đầu tư là dựa trên phần vốn góp của Nhà nước. Đây là tiêu chí cố định. Vì vậy, nhà đầu tư phải đánh giá tiêu chí và xác định lưu lượng xe lưu thông qua.
Một nhà đầu tư hỏi: Phải làm rõ số làn xe trong hồ sơ mời thầu và định nghĩa cụ thể là gì? Khi nào dự án mở rộng lên 6 làn?
Ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc TEDI: Trong hồ sơ mời thầu đã làm rất rõ về quy mô, mặt cắt ngang trên từng đoạn. Trên toàn dự án, đầu tư bằng hình thức PPP thì có hai loại mặt cắt. Một là mặt cắt ngang 17m cho giai đoạn 1, đoạn Dầu Giây - Phan Thiết có 4 làn xe nhưng đảm bảo có làn dừng xe khẩn cấp, mặt cắt ngang là 24,5m.
Về phương án mở rộng lên 6 làn xe, căn cứ vào lưu lượng trong dự báo từ lúc tiền khả thi cũng như khả thi kiểm tra, với lưu lượng căn cứ vào mặt cắt ngang, chưa đặt ra đề xuất thực hiện hoàn chỉnh mặt cắt ngang.
Công khai, minh bạch ngay từ đầu
Đại diện Tổng công ty 36: Thời gian qua, một số dự án BOT không đạt doanh thu như kỳ vọng, phải kéo dài thời gian thu phí nên phá vỡ phương án kinh doanh, phương án tài chính. Theo hợp đồng của các nhà đầu tư, phải kéo dài thời gian. Ngân hàng Nhà nước có thay đổi để phù hợp, hỗ trợ doanh nghiệp BOT không? Nếu tình trạng trên xảy ra trong thời gian tới, Bộ GTVT phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thế nào?
Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Khi xây dựng phương án đầu tư dự án đường cao tốc Bắc - Nam thì kinh nghiệm đầu tư QL1 đã được nghiên cứu để có điều chỉnh chính sách cho phù hợp, tạo ra môi trường hấp dẫn đầu tư tốt hơn.
Vấn đề không đạt doanh thu tại một số dự án, chủ yếu là do phương án doanh thu theo hợp đồng BOT trước đây không được tăng theo đúng lộ trình, do Chính phủ có nghị quyết hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Cho nên ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp.
Đối với dự án đầu tư cao tốc Bắc - Nam, lộ trình tăng phí đã được quy định rõ ràng, không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng PPP. Các nhà đầu tư hoàn toàn yên tâm về chính sách của Chính phủ Việt Nam trong thu hút đầu tư thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam.
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ PPP: Trong quá trình tham gia dự án, nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu. Nhà đầu tư có trách nhiệm nghiên cứu kỹ điều kiện giao dịch với ngân hàng. Đây là quan hệ giao dịch dân sự.
Về quản lý nhà nước, chúng tôi thấy có trách nhiệm cần hỗ trợ nhà đầu tư dự án BOT hụt doanh thu, để đảm bảo hiệu quả tài chính, cũng tránh các khoản vay tín dụng thành nợ xấu, ảnh hưởng đến toàn hệ thống tín dụng.
Vấn đề trên đã được báo cáo Thủ tướng, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì. Chúng tôi sẽ tổng hợp các dự án BOT sụt giảm doanh thu, đề xuất giải pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Hiện đang trong quá trình tổng hợp và dự kiến tháng 6 này sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đại diện BIDV: Giá dự kiến thu phí, trong tài liệu giới thiệu có nói đến giá dự kiến sẽ tăng, tuy nhiên Việt Nam vừa rồi có một số dự án BOT đang triển khai có mức phí chưa được tăng, cam kết của Chính phủ trong việc các dự án lớn tăng phí theo lộ trình như thế nào?
Ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài Chính: Các dự án BOT thời điểm triển khai đã quy định phí và lệ phí theo Thông tư 90 và Thông tư 159 dự kiến 3 năm tăng một lần trong bối cảnh CPI thay đổi.
Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam lần này, từ ngày 1/1/2018 được điều chỉnh theo Luật Giá. Trong nghị quyết của Quốc hội xác định rõ lộ trình tăng phí tối đa lên 3.400 đồng/xe tiêu chuẩn/km, cam kết của Chính phủ được Quốc hội thông qua. Vấn đề tăng phí của BOT đã được giải quyết.
Một số nhà đầu tư: Theo nghiên cứu hồ sơ mời sơ tuyển, tổng vốn để xác định lại dựa trên những thiết kế kỹ thuật thực hiện. Vậy tổng mức đầu tư hiện tại có được thông báo với các nhà đầu tư không?
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ PPP: Thiết kế kỹ thuật và dự toán là tài liệu được sử dụng để đưa vào hồ sơ mời thầu, tất cả số liệu đều được thông báo đến tất cả các thành viên tham gia dự thầu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận