Hạ tầng

Nhà đầu tư kêu cứu Thủ tướng xin giãn nợ BOT QL19

13/03/2020, 14:13

Nhà đầu tư kêu cứu Thủ tướng, cho phép Vietinbank cơ cấu lại khoản vay nhưng giữ nguyên nhóm nợ của dự án BOT QL19.

img
Dự án BOT QL19 có tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh hơn 1.460 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn theo phụ lục hợp đồng BOT là 20 năm 6 tháng 19 ngày.

Tổng công ty 36 vừa có văn bản kêu cứu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét, cho phép Vietinbank cơ cấu lại khoản vay (kéo dài thời gian trả nợ) cho phù hợp với thời gian thu phí hoàn vốn theo phương án tài chính của dự án BOT QL19 nhưng vẫn giữ nguyên nhóm nợ.

Doanh nghiệp dự án lỗ lũy kế 93 tỷ đồng

Trong văn bản, lãnh đạo Tổng công ty 36 (nhà đầu tư QL19) cho biết, dự án BOT QL19 được tổ chức thu phí hoàn vốn từ 1/6/2016. Đến nay, qua gần 4 năm triển khai thu phí, doanh thu thực tế của dự án không đạt so với phương án tài chính trong hợp đồng BOT.

“Điều này không những không đạt kế hoạch hoàn vốn mà còn không đảm bảo tiến độ thanh toán khoản nợ ngân hàng, gây nhiều hệ lụy do khoản nợ có nguy cơ bị xếp vào nhóm nợ xấu nếu không được Ngân hàng Nhà nước có biện pháp tháo gỡ kịp thời”, lãnh đạo Tổng công ty 36 thông tin và cho biết, phương án tài chính, kế hoạch hoàn vốn dự án và tiến độ thanh toán khoản nợ ngân hàng đều không thực hiện đúng như kế hoạch ban đầu bởi nhiều nguyên nhân khách quan.

Đầu tiên là doanh thu thu phí đối với các phương tiện qua trạm giảm do thay đổi chính sách thu phí từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành bắt buộc doanh nghiệp BOT phải thực hiện. Cụ thể, ngày 15/9/2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 146/2015 giảm giá phí so mức thu phí quy định tại Thông tư 159/2013. Đến ngày 1/6/2016 dự án BOT QL19 bắt đầu đi vào thu phí, mức phí theo quy định tại Thông tư 146/2015 thấp hơn nhiều so với mức thu quy định tại Thông tư 159/2013 khiến phá vỡ phương án tài chính ban đầu của dự án.

Tiếp đó, ngày 12/9/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 136 quy định mức thu phí đường bộ mới giảm so với mức thu phí tại Thông tư 146/2015, khiến doanh thu của dự án lại tiếp tục giảm thêm. Đồng thời, theo phụ lục hợp đồng, mỗi năm dự án tăng giá thu phí 3%, ba năm tăng một lần (tương đương 9%). Tuy nhiên, do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên dự án không được tăng phí theo lộ trình đã ký kết, ảnh hưởng lớn đến phương án tài chính của dự án. Ngoài ra, thực hiện chủ trương của Bộ GTVT về việc giảm phí cho các đối tượng nằm trong phạm vi bán kính 5km xung quanh trạm thu phí, đã làm giảm khoảng 5% doanh thu.

“Những thay đổi về chính sách làm doanh thu thực tế không đủ để trả nợ gốc và lãi ngân hàng theo như thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng”, đại diện nhà đầu tư cho biết và dẫn chứng, từ 1/6/2016 đến 31/12/2019, Tổng công ty 36 đã phải bù đắp thiếu hụt với số tiền là 91 tỷ đồng, doanh nghiệp dự án lỗ lũy kế từ tháng 6/2016 đến 31/12/2019 là 93 tỷ; tổng số tiền bù đắp thiếu hụt và lỗ là 184 tỷ đồng.

Đề nghị cơ cấu lại khoản vay, giữ nguyên nhóm nợ

Theo hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Vietinbank, thời hạn vay cho dự án BOT QL19 là 13 năm kể từ ngày giải ngân đầu tiên, trong khi đó thời gian hoàn vốn theo phương án tài chính của dự án là 20 năm 6 tháng. Nếu tiếp tục phải bù lỗ kéo dài trong các năm tiếp theo, đặc biệt lưu lượng và giá phí không tăng, doanh thu giảm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, định hướng phát triển và sự tồn tại của doanh nghiệp.

Lãnh đạo Tổng công ty 36 cho biết, nhằm giảm áp lực cho nhà đầu tư về việc huy động từ các nguồn vốn khác để trả lãi và gốc cho ngân hàng thì phải cơ cấu giãn thời gian trả nợ của dự án. Tuy nhiên, tại Điểm c, Khoản 1, Điều 10 của Thông tư 02/2013 của Ngân hàng Nhà nước quy định: “Khoản nợ gia hạn lần đầu sẽ được phân loại vào nợ nhóm 3 - nợ xấu”.

Do đó, ngày 16/8/2019, nhà đầu tư đã có văn bản đề nghị Vietinbank – Chi nhánh TP.Hà Nội giãn thời gian trả nợ, báo cáo Ngân hàng Nhà nước phê duyệt phương án cơ cấu thời hạn trả nợ mà không chuyển nhóm nợ vì lý do bất khả kháng (do thay đổi chính sách pháp luật) chứ không phải nguyên nhân chủ quan từ doanh nghiệp đầu tư.

Đến ngày 11/10/2019, Ngân hàng Nhà nước đã có Văn bản 8020 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với Tổng công ty 36 để thực hiện dự án BOT QL19. Nếu kiến nghị của Tổng công ty 36 không được giải quyết, chắc chắn doanh nghiệp sẽ phải gánh chịu những tổn thất và hậu quả lớn từ việc thực hiện dự án này mà nguyên nhân không phải do doanh nghiệp mà chính là sự thay đổi từ chính sách, văn bản pháp luật gây nên.

“Tổng công ty 36 báo cáo và kêu cứu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét, cho phép Vietinbank cơ cấu lại khoản vay - kéo dài thời gian trả nợ cho phù hợp với thời gian thu phí hoàn vốn theo phương án tài chính của dự án BOT QL19 nhưng vẫn giữ nguyên nhóm nợ”, văn bản của Tổng công ty 36 nêu rõ.

Được biết, dự án BOT QL19 dài 55,726km (33,082km qua tỉnh Bình Định, 22,644km qua tỉnh Gia Lai) do Tổng công ty 36 làm nhà đầu tư. Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 2.045 tỷ đồng, thu phí tại 2 trạm để hoàn vốn với thời gian hợp đồng BOT là 18 năm 4 tháng 22 ngày. Tổng vốn đầu tư điều chỉnh hơn 1.460 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn theo phụ lục hợp đồng BOT là 20 năm 6 tháng, 19 ngày.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.