Hạ tầng

Nhà đầu tư ngoại phải dùng vốn ngoại làm cao tốc Bắc - Nam

17/07/2019, 06:30

Nếu nhà đầu tư nước ngoài trúng thầu sẽ phải huy động nguồn vốn quốc tế mang vào Việt Nam đầu tư, còn các nhà thầu thi công sẽ là của Việt Nam.

img
Dự án cao tốc Bắc - Nam gồm 11 dự án thành phần đang bước vào giai đoạn nước rút

Các doanh nghiệp nước ngoài khi trúng thầu cao tốc Bắc - Nam sẽ phải huy động vốn từ nước ngoài để đầu tư dự án và sử dụng nhà thầu Việt Nam thi công. Bộ GTVT cũng đưa ra các quy định chặt chẽ trong hồ sơ mời thầu và hợp đồng BOT để hạn chế thấp nhất tình trạng đội vốn, chậm tiến độ.

Lấy vốn ngoại để nhà thầu nội thi công

Dù 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam mới chỉ trong giai đoạn sơ tuyển, nhưng trong dư luận xã hội đã có không ít ý kiến cho rằng, các tiêu chí sơ tuyển nhà đầu tư được Bộ GTVT đặt ra quá cao, khiến các doanh nghiệp (DN) trong nước khó có cửa cạnh tranh với các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Vụ Đối tác công tư (PPP - Bộ GTVT) cho biết, theo Luật Đấu thầu và Nghị định 30/2015, các dự án cao tốc Bắc - Nam thực hiện theo hình thức PPP phải đấu thầu quốc tế nên các tiêu chí tuyển chọn nhà đầu tư đều được xây dựng công khai, bình đẳng đối với tất cả các nhà đầu tư, không có tiêu chí nào có lợi hay hạn chế nhà đầu tư của nước này, nước kia.

“Xét về những tiêu chí trong hồ sơ mời sơ tuyển, các nhà đầu tư trong nước hoàn toàn có thể cạnh tranh bình đẳng với các nhà đầu tư nước ngoài. Thậm chí, các nhà đầu tư trong nước còn có lợi thế hơn khi có nguyên vật liệu, nhân công tại chỗ, am hiểu dự án, thị trường và trình tự thủ tục của pháp luật Việt Nam”, đại diện Vụ PPP chia sẻ.

Hơn nữa, tại Điều 5, Luật Đấu thầu nêu rõ, đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện các gói thầu ở Việt Nam phải liên danh hoặc sử dụng thầu phụ ở Việt Nam. Do vậy, để phát huy năng lực của các DN trong nước, Bộ GTVT sẽ đưa quy định của Điều 5, Luật Đấu thầu vào hồ sơ mời thầu để bắt buộc các nhà đầu tư nước ngoài khi trúng thầu phải liên danh hoặc sử dụng thầu phụ của Việt Nam thi công.

“Khi đấu thầu quốc tế, nếu nhà đầu tư nước ngoài trúng thầu sẽ phải huy động nguồn vốn quốc tế mang tiền vào Việt Nam đầu tư, còn các nhà thầu thi công sẽ là của Việt Nam. Nói cách khác là mình lấy tiền từ nước ngoài về để cho các nhà thầu trong nước thi công, tạo công ăn việc làm cho các DN trong nước”, đại diện Vụ PPP chia sẻ.

Một số ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng có thể hủy đấu thầu quốc tế đối với 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam để chuyển sang đầu tư bằng vốn ngân sách, có tiền đến đâu làm đến đó để tạo điều kiện cho các nhà thầu trong nước. Tôi cho rằng, quan điểm này là phiến diện, đó là lối tư duy cũ, làm như thế sẽ là bế quan tỏa cảng trong điều kiện hội nhập, kinh tế thị trường hiện nay là rất nguy hiểm. Nguồn lực của đất nước có hạn, ngân sách thì luôn thâm thụt, chúng ta bắt buộc phải mở cửa để thu hút các nguồn lực từ xã hội, nguồn lực từ bên ngoài để phát triển hạ tầng giao thông, tháo điểm nghẽn của nền kinh tế.
PGS.TS. Ngô Trí Long


Cũng theo đại diện Vụ PPP, hiện nay, Bộ GTVT đã thuê hai đơn vị tư vấn giao dịch quốc tế là Deloitte và Ernst & Young tham gia hỗ trợ. Đây là các tư vấn có năng lực và kinh nghiệm hàng đầu thế giới, đã từng làm việc với rất nhiều nhà đầu tư quốc tế để cùng với Bộ GTVT xây dựng hồ sơ mời thầu, dự thảo hợp đồng BOT và các quy định nhằm quản lý chặt chẽ tiến độ, chất lượng, hạn chế thấp nhất tình trạng đội vốn, chậm tiến độ có thể xảy ra.

“Trong hồ sơ mời thầu, hợp đồng dự án sắp tới, Bộ GTVT sẽ đưa ra các chế tài xử phạt rất nặng đối với những nhà đầu tư không đảm bảo yêu cầu, bởi cao tốc Bắc - Nam là dự án trọng điểm, tiến độ và chất lượng công trình phải đặt lên hàng đầu”, đại diện Vụ PPP nói.

Liên quan đến kiến nghị của một số DN trong nước về vốn chủ sở hữu phải đáp ứng tối thiểu 20% tổng mức đầu tư, đại diện Vụ PPP lý giải, theo quy định của pháp luật, đối với các dự án PPP, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chỉ từ 10 - 15% tổng mức đầu tư, nhưng trong quá trình triển khai các dự án BOT giao thông thời gian qua, một số cơ quan chức năng và dư luận xã hội có không ít ý kiến cho rằng mức quy định như thế là thấp, nhiều người còn bảo nhà đầu tư “tay không bắt giặc”, toàn đi vay ngân hàng để làm BOT.

“Việc nâng mức vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư tại dự án cao tốc Bắc - Nam đã được các bộ, ngành liên quan bàn bạc rất kỹ lưỡng. Sau đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết 20/2018, trong đó quy định rõ vốn chủ sở hữu phải đáp ứng tối thiểu 20% tổng mức đầu tư để đảm bảo năng lực tài chính của nhà đầu tư thực hiện dự án. Thậm chí, có nhiều chuyên gia cho rằng nên đưa vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư cao tốc Bắc - Nam lên 50 - 60%, nhưng trên thế giới không ai làm thế mà chỉ đưa ra mức hợp lý, vì vốn chủ sở hữu càng cao thì lợi nhuận cho phần vốn này càng nhiều, làm tăng vốn đầu tư dự án”, đại diện Vụ PPP nói và cho biết thêm, theo tính toán của Bộ GTVT, nhiều DN trong nước sẽ đáp ứng được các tiêu chí về tài chính, kinh nghiệm trong bước sơ tuyển nhà đầu tư cao tốc Bắc - Nam.

Không nên hạ tiêu chí đấu thầu

img
Trong hồ sơ mời thầu, hợp đồng dự án sắp tới, Bộ GTVT sẽ đưa ra các chế tài xử phạt rất nặng đối với những nhà đầu tư không đảm bảo yêu cầu tiến độ, chất lượng của các dự án cao tốc Bắc - Nam (Trong ảnh: Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đoạn qua tỉnh Quảng Nam). Ảnh: Sỹ Hiền

Ông Trần Văn Thế, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho biết, ở bước sơ tuyển, yêu cầu vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tối thiểu bằng 20% tổng mức đầu tư dự án. Mức này cao hơn quy định của Nghị định 63/2018 (15%). Hơn nữa, nhà đầu tư phải chứng minh có toàn bộ vốn này tại thời điểm chấm thầu mà không được xét đến lộ trình tăng vốn. “Với quy định này các DN trong nước rất khó đạt được, để đáp ứng cần phải liên danh nhiều DN trong nước với nhau, gây bất lợi cho việc quản lý dự án sau này”, ông Thế chia sẻ.

Cũng theo ông Thế, với tiêu chí về năng lực kinh nghiệm, trong hồ sơ mời sơ tuyển quy định nhà đầu tư phải từng tham gia dự án có tổng mức đầu tư bằng 50% tổng mức dự án đang xét, buộc DN phải từng tham gia các dự án 4.000-5.000 tỷ đồng. Trên thực tế, hiếm khi nhà đầu tư trong nước tham gia dự án lớn như vậy. “Nếu hạ tiêu chí, nhà đầu tư trong nước mới có cơ hội tham gia”, ông Thế nhận định.

Ông Vũ Đức Nhận, Phó tổng giám đốc Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ tính toán, để tham gia làm nhà đầu tư cao tốc Bắc - Nam, một DN trong nước phải có ít nhất 1.000 tỷ đồng mới đáp ứng yêu cầu về vốn chủ sở hữu.

“Hơn nữa, các tổ chức tín dụng trong nước hiện nay còn yêu cầu các nhà đầu tư phải đóng thêm 10% thuế giá trị gia tăng mới giải ngân, nghĩa là nhà đầu tư phải góp vốn đến 30% tổng mức đầu tư ngay từ đầu. Trong bối cảnh hiện nay, gần như không có DN giao thông nào đáp ứng được. Nhà đầu tư trong nước chỉ có thể tham gia dự án khi Bộ GTVT hạ thấp tiêu chí về vốn chủ sở hữu, hoặc các DN liên danh, liên kết lại với nhau”, ông Nhận nói.

Tuy nhiên, chuyên gia tài chính PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, không nên hạ tiêu chí về năng lực tài chính, kinh nghiệm nhà đầu tư các dự án cao tốc Bắc - Nam. Đây là dự án quan trọng quốc gia, làm đường cao tốc đòi hỏi nhà đầu tư phải có năng lực tài chính và năng lực kinh nghiệm.

“Nếu chúng ta hạ tiêu chí xuống, sẽ không thể chọn được những nhà đầu tư tốt. Thậm chí còn dẫn tới tình trạng ngựa quen đường cũ, lặp lại những tồn tại, bất cập mà các dự án BOT giao thông mắc phải trong thời gian qua như: Nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính, tay không bắt giặc, vốn chủ yếu đi vay ngân hàng khiến hiệu quả dự án kém”, ông Long chia sẻ.

Cũng theo ông Long, vấn đề dư luận nghi ngại nhất hiện nay là việc một số nhà đầu tư ngoại trúng thầu cao tốc Bắc - Nam, có thể dẫn tới tình trạng thi công đội vốn, chậm tiến độ như dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. “Đây là bài toán rất khó. Cách giải quyết tốt nhất là trong hồ sơ mời thầu, hợp đồng dự án, Bộ GTVT cần phải đưa ra những quy định chặt chẽ, ràng buộc kỹ lưỡng các điều khoản, dứt khoát không được để xảy ra tiêu cực trong quá trình đấu thầu nhà đầu tư”, ông Long nhận định.

“Đặc biệt, cơ quan chức năng phải thành lập một hội đồng thẩm định độc lập để đánh giá kết quả đấu thầu. Thành phần của hội đồng này phải lựa chọn những người giỏi nhất, có chuyên môn sâu nhất về đấu thầu quốc tế. Trong cơ chế chọn thầu, không nên quá đặt nặng về tiêu chí giá. Ngoài tiêu chí về năng lực tài chính, cần phải thẩm định kỹ càng về kinh nghiệm của các nhà đầu tư. Chỉ có như vậy, chúng ta mới lựa chọn được những nhà đầu tư tốt nhất, đảm bảo thực hiện hiệu quả các dự án cao tốc Bắc - Nam”, ông Long nói.

Nhà đầu tư nội nên liên danh liên kết để tăng cơ hội trúng thầu

Trả lời Báo Giao thông về việc có thể hạ thấp các tiêu chí về tài chính, kinh nghiệm để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư Việt Nam tăng cơ hội trúng thầu không? Đại diện Vụ PPP nói: “Không ai lại làm thế cả, vì điều gì cũng có hai mặt, nếu hạ tiêu chí thì phải hạ chung chứ không thể hạ cho nhà đầu tư Việt Nam còn tăng lên đối với nhà đầu tư nước ngoài”.

“Giả sử chúng ta hạ tiêu chí chung xuống, nhưng nhà đầu tư trong nước vẫn không trúng, khi đó doanh nghiệp nước ngoài sẽ được hưởng lợi từ việc hạ tiêu chí, chúng ta sẽ không thể nào chọn nhà đầu tư tốt nhất cho dự án. Để tăng cơ hội trúng thầu làm nhà đầu tư các dự án cao tốc Bắc - Nam, các DN trong nước cần liên kết thành các liên danh để tăng cường năng lực tài chính, kinh nghiệm và khả năng huy động vốn”, vị này nói.

Tính đến ngày 15/7/2019, 8/8 dự án cao tốc Bắc - Nam thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đã mở thầu bước sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư. Theo đó, đã có 60 bộ hồ sơ của các nhà đầu tư, liên danh nhà đầu tư trong và ngoài nước nộp dự tuyển, gồm: 15 bộ của nhà đầu tư, liên danh nhà đầu tư Việt Nam; 31 bộ của nhà đầu tư, liên danh nhà đầu tư nước ngoài và 14 bộ của liên danh giữa nhà đầu tư Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài.

Dự án cao tốc có số lượng hồ sơ nộp dự sơ tuyển nhiều nhất là Mai Sơn - QL45 (11 bộ). Tiếp đến là Diễn Châu - Bãi Vọt (10), Dầu Giây - Phan Thiết (9), Nha Trang - Cam Lâm (8), Cam Lâm - Vĩnh Hảo (6), Nghi Sơn - Diễn Châu (6), QL45 - Nghi Sơn (5), Vĩnh Hảo - Phan Thiết (5).

Dự án có số lượng hồ sơ của nhà đầu tư Việt Nam nộp dự tuyển nhiều nhất là Nha Trang - Cam Lâm. Cụ thể, trong 8 bộ hồ sơ nộp dự tuyển có 4 bộ của nhà đầu tư, liên danh nhà đầu tư Việt Nam và 2 bộ của liên danh giữa nhà đầu tư Việt Nam - Trung Quốc. Trong 8 dự án cao tốc Bắc - Nam đã mở thầu, chỉ có duy nhất dự án cao tốc QL45 - Nghi Sơn không có bất cứ nhà đầu tư, liên danh nhà đầu tư nào của Việt Nam nộp hồ sơ dự tuyển.

Dự án cao tốc Bắc - Nam dài 654km, được chia thành 11 dự án thành phần, gồm 3 dự án đầu tư công (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - Lam Sơn, cầu Mỹ Thuận 2), còn lại 8 dự án thực hiện theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT. Dự án có tổng mức đầu tư 102.513 tỷ đồng, gồm 51.702 tỷ đồng vốn BOT và 50.812 tỷ đồng vốn Nhà nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.