Nhà hát lớn TP.HCM |
Khởi công xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm 1911, Nhà hát lớn Hà Nội là sự kết hợp kiến trúc cổ Hy Lạp và nhà hát Opera Paris. Với kinh phí lên tới 2 triệu Franc, dự án nhà hát rộng 2.600 m2 ở Hà Nội đã gây nên những tranh cãi trên báo chí tại Pháp thời kỳ đó.
Tuy nhiên, dù vấp phải những ý kiến trái chiều nhưng công trình này vẫn được hoàn thiện.
Sau này, chính nơi đây đã trở thành thánh đường, thành nơi khai sinh và tôn vinh kịch nghệ cùng sân khấu Việt Nam, cũng như các loại hình nghệ thuật giao hưởng, hợp xướng, nhạc kịch, vũ kịch
Và đến nay, sau hơn 100 năm, Nhà hát lớn đã trở thành biểu tượng về văn hóa, lịch sử, kiến trúc của Hà Nội, bất chấp nó là một công trình được xây dựng trong thời kỳ Việt Nam còn là thuộc địa của Pháp.
Cùng với Nhà hát lớn Hà Nội, các nhà hát tương tự tại Hải Phòng và tại Sài Gòn (trước đây) cũng đã được xây dựng. Có những công trình này, nhiều loại hình sân khấu, nghệ thuật đã có đất diễn đúng nghĩa để phát triển.
Và dù các công trình như Nhà hát lớn Hà Nội, Nhà hát lớn Hải Phòng vẫn còn tồn tại nhưng cũng cần khách quan nhìn nhận, đã đến lúc cho các nhà hát này chuẩn bị “nghỉ hưu”.
Không một công trình xây dựng nào có thể mãi trường tồn theo năm tháng, cứ mãi trơ gan cùng tuế nguyệt để phục vụ con người. Nhà hát cũng vậy, với tuổi thọ hơn 100 năm, những công trình này có thể coi như đã hoàn thành sứ mệnh của mình.
Dù tầm nhìn của người Pháp có tốt đến đâu thì cũng khó có thể vượt qua 100 năm. Bây giờ đã là thời đại khác, một Việt Nam phát triển, giàu mạnh, một thành phố lớn với hơn 10 triệu dân như TP Hồ Chí Minh không thể sử dụng mãi công trình nhà hát đã quá già nua và nhỏ bé.
Đã đến lúc người Việt phải tự xây nhà hát xứng tầm cho chính mình. 1500 tỷ có thể là số tiền lớn nhưng cũng không phải số tiền mà TP Hồ Chí Minh không phải không có để chi.
Nhiều ý kiến trái chiều cho rằng, thành phố Hồ Chí Minh còn có quá nhiều việc phải lo, từ chuyện ngập lụt, từ chuyện tắc đường, bệnh viện quá tải…, rằng các ông bà lãnh đạo hãy lo những công việc cần kíp ấy trước đi.
Xin thưa, không một thành phố nào trên thế giới có thể cùng lúc giải quyết hết những vấn đề bấp cập, khúc mắc. Cùng với xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế thì việc chăm lo, phát triển văn hóa, nghệ thuật cũng là nhu cầu cấp thiết không kém.
Việc xây dựng một nhà hát mới, quy mô, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của nghệ sĩ, của người dân thành phố lớn nhất cả nước là chính đáng.
Có lẽ, hiện câu chuyện gây tranh cãi lớn nhất đối với kế hoạch xây dựng Nhà hát mới cho TP Hồ Chí Minh đó là, khu đất dự định để xây nhà hát lại nằm tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, một địa điểm “nổi tiếng” bởi những khiếu kiện của những người dân liên quan đến đất đai, quy hoạch.
Nhưng cần tách bạch hai vấn đề này một cách rõ ràng. Những cá nhân, đơn vị nào có sai phạm về đất đai, đền bù tại Thủ Thiêm thì đã có pháp luật xử lý. Còn việc xây Nhà hát tại đây là một câu chuyện khác.
Thủ Thiêm là một đô thị mới, hiện đại và rộng rãi, tại đây vẫn còn quỹ đất đủ rộng và phù hợp để kiến tạo một công trình lớn, mang tính biểu tượng mới cho TP Hồ Chí Minh. Vậy chẳng có lý do gì để phản đối Nhà hát 1500 tỷ.
Điều quan trọng nhất có lẽ nên quan tâm đó là, công trình mới liệu có xứng đáng với số tiền 1500 tỷ, nó sẽ được thiết kế ra sao, có đảm bảo tiêu chí về kiến trúc, mỹ thuật, có đáp ứng được nhu cầu trình diễn của các loại hình nghệ thuật đỉnh cao hay không?
Nếu cứ đụng đến xây dựng những công trình văn hóa lớn, quy mô và bề thế chúng ta lại phải dừng lại vì những ý kiến trái chiều thì chẳng biết đến bao giờ người Việt mới có những di sản thực sự cho hậu thế.
Chẳng lẽ, chúng ta cứ muốn mãi tự hào vì những dự án đã hoàn thành cách đây hàng thế kỷ?
LTS: Sáng 8/10, kỳ họp bất thường HĐND TP.HCM khoá IX đã thông qua dự án xây dựng nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch, có tổng mức đầu tư hơn 1.508 tỷ đồng từ nguồn thu bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn (quận 1). Nhà hát có quy mô 1.700 chỗ, đạt tiêu chuẩn quốc tế, đặt tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Thông tin này ngay lập tức gây ra những phản ứng trái chiều. Để rộng đường dư luận, Báo Giao thông xin giới thiệu một số ý kiến bạn đọc về dự án sẽ triển khai trong giai đoạn 2018-2022 này. |
*Bài viết trong chuyên mục thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả không nhất thiết trùng quan điểm tòa soạn
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận