Akademik Lomonosov, lò phản ứng hạt nhân trên biển đầu tiên của Nga |
Tập đoàn nguyên tử Rosatom của Nga vừa tuyên bố chiếc tàu khổng lồ mang theo lò phản ứng hạt nhân làm nhiệm vụ cung cấp năng lượng cho vùng Bắc Cực xa xôi là “bất khả chiến bại” đối với sóng thần và các loại thiên tai khác. Tuy nhiên, giới phân tích lại cảnh báo, đây có thể là một quả bom khổng lồ trên biển.
Lò phản ứng hạt nhân 70 megawatt
Tập đoàn Nhà nước Rosatom mới đây đã thông báo nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển Akademik Lomonosov sẽ được triển khai phục vụ 100.000 người ở thành phố cảng Pevek, thuộc vùng Bắc Cực xa xôi từ năm 2019.
Công ty Rosatom cho hay, Akademik Lomonosov là con tàu khổng lồ mang theo lò phản ứng hạt nhân sản xuất điện với công suất 70 megawatt, được trang bị tất cả linh kiện, thiết bị tốt nhất của một nhà máy truyền thống, đáp ứng mọi tiêu chuẩn an toàn mà Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế yêu cầu.
Bất chấp việc nhiều người lo ngại thời tiết xấu có nguy cơ gây ra thảm họa hạt nhân trong lúc tàu di chuyển đến Bắc Băng Dương, ông Vitaly Trunev, người đứng đầu Công ty Rosenergoatom (một công ty con của Nhà máy điện hạt nhân của Rosatom) khẳng định, đây là nhà máy điện hạt nhân nổi hoạt động cực kỳ an toàn và không thể bị đánh bại bởi sóng thần hay bất kỳ thảm họa tự nhiên nào khác.
Akademik Lomonosov, được đặt theo tên một nhà khoa học, nhà thơ Nga thế kỷ XVIII, hạ thủy ngày 28/3 và được tiếp nhiên liệu ngay giữa TP St. Petersburg với gần 5,3 triệu dân trước khi bắt đầu cho hành trình kéo dài một năm để tới được vùng đất cực Bắc của Trái đất.
Tuy nhiên, công trình của Nga đã khiến các nước láng giềng biển Baltic của Moscow lo ngại những sự cố có thể xảy ra nếu một lò phản ứng hạt nhân gặp phải thời tiết xấu hoặc các vấn đề kỹ thuật khi di chuyển qua vịnh hẹp này.
Vì vậy, tàu năng lượng hạt nhân sẽ rời biển Baltic, quay hướng về phía Bắc Na Uy tới Murmansk, một thành phố của Nga với hơn 300.000 cư dân, nơi tàu nó sẽ tiếp tục được nạp nhiên liệu.
Và cuối cùng, tàu Akademik Lomonosov sẽ được neo tại bán đảo Kamchatka ở Bắc Cực, phía Tây Bắc của Nga và ngoài khơi thành phố cảng Pevek, để thay thế một lò phản ứng hạt nhân đã hết hạn vào năm 2019.
Đối với Công ty Rosatom, Akademik Lomonosov là bằng chứng rõ ràng về việc lò phản ứng trên biển nổi có thể hoạt động hiệu quả và an toàn. Công ty này đang đàm phán với những đối tác mua tiềm năng ở Đông Nam Á, châu Mỹ La tinh và châu Phi. Theo tuyên bố của Nga, hiện nay đã có 15 quốc gia thể hiện sự quan tâm đến các nhà máy điện hạt nhân nổi kiểu này.
“Titanic hạt nhân”
Mặc dù vậy, các tổ chức bảo vệ môi trường đã bày tỏ lo ngại. Họ gọi tàu Akademik Lomonosov của Nga là “tàu Titanic hạt nhân” hay “Chernobyl nổi”, nhằm ám chỉ thảm họa nổ Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Ukraine năm 1986 và vụ chìm tàu Titanic năm 1912.
Theo ông Jan Haverkamp, chuyên gia hạt nhân của Trung tâm Hòa bình Xanh và Đông Âu, những đợt sóng cao và gió lớn của Bắc Băng Dương có thể làm ảnh hưởng tới con tàu và đây là mối đe dọa cực kỳ lớn cho môi trường Bắc Cực vốn đã rất mong manh.
Chuyên gia Haverkamp chỉ trích những hoạt động mạo hiểm trong quá khứ của Rosatom, đặc biệt dự án khoan điện thăm dò và khai thác nhiên liệu hóa thạch sâu trong lòng đất, cũng như thể hiện “sự liều lĩnh quá mức” trong dự án nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển. Tập đoàn năng lượng hạt nhân này đã cung cấp tới 20% sản lượng điện cho Nga. Ngoài ra, công ty này cũng khai thác cả uranium.
Khoảng 11.000 người cùng quan điểm với chuyên gia Haverkamp đã ký tên vào bản kiến nghị kêu gọi Chính phủ Nga từ bỏ kế hoạch triển khai nhà máy điện hạt nhân nổi.
“Đối với các nhà máy điện hạt nhân trên đất liền, có hàng nghìn biện pháp sẽ được thực hiện để ngăn chặn mọi sai sót”. “Trong khi đó, đối với một tàu thủy mang lò phản ứng hạt nhân thì khả năng này bị giới hạn hơn rất nhiều”, ông Haverkamp nói trên tờ SCMP ngày 3/5.
Phản bác lại ý kiến này, Công ty Rosatom chỉ ra rằng, có rất nhiều tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân trên biển trên thế giới. Theo Hiệp hội Hạt nhân thế giới, khoảng 140 chiếc tàu dùng động cơ nguyên tử, chủ yếu là tàu ngầm, tàu phá băng và tàu sân bay quân sự. Trong đó, tàu ngầm năng lượng hạt nhân đầu tiên được ra đưa vào vận hành từ năm 1955.
Tuy nhiên, cũng đã từng có một số tai nạn của tàu ngầm năng lượng hạt nhân, trong đó: Vụ tai nạn đối với tàu ngầm hạt nhân lớp Echo II năm 1985 khiến 10 người thiệt mạng và 49 người khác bị thương trên bờ biển Thái Bình Dương của Nga.
Sự cố này đã gây ra một khủng hoảng tệ hại cho môi trường - cần tới 2.000 người tham gia vào công tác khắc phục sự cố, trong đó 290 người phơi nhiễm phóng xạ bị rò rỉ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận