ĐBQH Huỳnh Thành Chung - Bình Phước tranh luận với Bộ trưởng Bộ công thương về ý kiến cho rằng dự án Ethanol gây lãng phí |
Sáng 3/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về nội dung Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017.
Trước nhiều ý kiến băn khoăn về các công trình nghìn tỷ đắp chiếu gây lãng phí, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã giải trình trước Quốc hội về việc này.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, 5 dự án gây lãng phí hàng ngàn tỉ vốn Nhà nước gồm có Đạm Ninh Bình, Giấy Phương Nam, Xơ sợi Đình Vũ, Gang thép Thái Nguyên và dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học (Ethanol) ở Phú Thọ.
Bộ Công thương đang cùng các bộ ngành tổng hợp, báo cáo, kiểm tra toàn diện 5 dự án để đánh giá thực trạng, quá trình điều hành thực hiện, trách nhiệm cấp quản lý, chủ đầu tư và sẽ có giải pháp để không thất thoát vốn Nhà nước.
Chưa hoàn toàn đồng tình với Bộ trưởng Bộ Công thương, ĐB Huỳnh Thành Chung (Bình Phước) xin tranh luận về Dự án Ethanol.
Là một người có kinh nghiệm trong nghiên cứu về năng lượng sạch, ĐB Huỳnh Thành Chung cho rằng, vào thời điểm nghiên cứu đầu tư Dự án Ethanol của Chính phủ cũng như của các Bộ, ngành, giá dầu cao nên hiệu quả của dự án Ethanol là có, nhưng sau đó do giá dầu thế giới giảm liên tiếp dẫn đến chi phí vận hành và chi phí kinh doanh của Dự án Ethanol không hiệu quả.
“Bản chất của dự án Ethanol là cồn sinh học, nếu pha trộn với xăng chỉ 5% thôi, chúng ta sẽ giảm được khí thải về ô nhiễm môi trường lên tới trên 20%. Vấn đề này chúng ta không thể không tính toán, không thể xem đó chỉ là đầu tư về kinh tế đơn thuần, mà phải xem cả về tác động xã hội cũng như thực trạng môi trường của quốc gia chúng ta hiện nay” – ĐB tỉnh Bình Phước phân tích.
Ông Chung lấy dẫn chứng cụ thể ở TP.HCM và Hà Nội, hiện nay khí thải do các phương tiện giao thông thải ra đã vượt ngưỡng và có mức độ ảnh hưởng tới cộng đồng dân cư ở các đô thị lớn. Trước tình trạng đó, đại biểu này kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ cần có “lăng kính” xem xét kỹ lưỡng các nhà máy loại này.
“Cần xem xét theo khía cạnh các dự án như dự án Ethanol có hiệu quả nhất định, không hiệu quả về mặt kinh tế nhưng lại có hiệu quả về mặt môi trường, xã hội” – ông Chung cho rằng cần có chính sách khuyến khích người dân tăng tỷ lệ sử dụng xăng pha Ethanol 5% tại các thành phố lớn để giảm ô nhiễm. Như vậy sẽ tránh lãng phí tài sản, vì hiện nay tài sản nhà máy đã đầu tư rồi, chúng ta không thể đập bỏ đi, ông Chung phân tích.
“Vì thế, tôi kiến nghị Quốc hội và Chính phủ cần có chính sách đưa các nhà máy Ethanol này hoạt động trở lại, và chúng ta phải có chính sách truyền thông để nhân dân ủng hộ, sử dụng sản phẩm có lợi cho môi trường để tránh lãng phí nguồn lực của xã hội” – ĐB tỉnh Bình Phước kiến nghị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận