Doanh nghiệp

Nhà máy kẽm TKV dang dở đầu tư, dân khổ vì ô nhiễm

23/03/2017, 09:25

Nhà máy Kẽm điện phân Thái Nguyên sử dụng công nghệ lạc hậu nên hiệu quả sản xuất phập phù, môi trường ô nhiễm.

23

Dự án nâng cao chất lượng Nhà máy Kẽm điện phân Thái Nguyên phải tạm dừng để định hướng lại đầu tư

Tạm dừng để định hướng lại đầu tư

Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp chất lượng Nhà máy Kẽm điện phân Thái Nguyên thuộc Công ty CP Kim loại màu Thái Nguyên, do Tổng công ty Khoáng sản TKV (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản VN (TKV) làm chủ đầu tư, đóng tại Khu công nghiệp Sông Công (phường Bách Quang, TX Sông Công, tỉnh Thái Nguyên). Theo phê duyệt, dự án có tổng mức đầu tư 313,6 tỷ đồng, dự kiến khởi công năm 2012 và hoàn thành năm 2015. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn chưa hoàn thành, giá trị nghiệm thu và thanh toán hơn 96 tỷ đồng. Hiện, dự án đang phải tạm dừng thi công, theo yêu cầu của HĐQT công ty nên khoản đầu tư ban đầu gần 100 tỷ đồng vẫn “treo”.

Sáng 21/3, ghi nhận của PV Báo Giao thông, bên trong nhà máy tương đối yên tĩnh. Khu nhà xưởng sản xuất nằm tách hẳn phía sau tòa nhà điều hành, song từ xa có thể thấy ống khói xả khí thải đang bốc lên màu xám đen. Ông Nguyễn Phú Hùng, Giám đốc Nhà máy Kẽm điện phân Thái Nguyên cho biết, hiện tượng khói đen là do quá trình vận hành cấp liệu cho nhà máy hoạt động gây ra, song chỉ xuất hiện trong một thời gian sẽ chấm dứt.

Cũng theo ông Hùng, quy mô tổng thể của nhà máy khoảng 10ha nhưng hiện nay mới sử dụng hết 70% tổng diện tích này. Kế hoạch nâng cấp nhà máy vẫn đang trong giai đoạn phê duyệt điều chỉnh và sắp tới sẽ họp hội đồng cổ đông để quyết định.

Ông Hùng giải thích, nguyên nhân khiến dự án bị chậm là do thời điểm xây dựng nhà máy, chủ đầu tư đánh giá sai về vùng nguyên liệu nên giờ phải định hướng lại đầu tư. “Nguyên nhân khách quan, nói thật là không có tiền để làm. Thời điểm trước năm 2013 lỗ đến mức tổng công ty phải hỗ trợ hàng chục tỉ đồng mỗi năm để trả lương công nhân. Lúc đó giá kẽm xuống sâu quá, tưởng không vực dậy nổi. Khi đó mà đóng cửa là nhà máy... chết luôn. Cũng may, gần đây giá kẽm phục hồi một chút nên thị trường cũng tương đối ổn định”, ông Hùng chia sẻ.

Về hoạt động của nhà máy, ông Hùng cho biết, nếu tính tổng chi phí cho sản xuất thì giá kẽm thành phẩm bán ra thị trường ít nhất phải đạt 1.500USD/tấn mới hòa vốn. Cũng may, hiện nay giá kẽm trên thị trường đang dao động trong khoảng trên 2.500USD/tấn nên việc kinh doanh của nhà máy đã đi vào ổn định. Ông Hùng nói: “Con số chính xác thì tôi không rõ nhưng năm qua (năm 2016 - PV), lợi nhuận của nhà máy cũng được vài chục tỷ đồng. Nói chung hiện nay có thể khẳng định chúng tôi đã thoát được giai đoạn khó khăn nhất. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh cũng phụ thuộc lớn vào giá kẽm thế giới, hiện còn không ít bất ổn”.

Dân “lĩnh đủ” ô nhiễm vì công nghệ lạc hậu

Trong khi hiệu quả kinh tế trồi sụt, hoạt động của nhà máy cũng gây phiền toái không ít cho người dân khu vực. Ông  Cao Văn Minh, tổ dân phố Chương Lương cho biết, khoảng những năm 2012 - 2013, tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng nhất: Diện tích lớn lúa, hoa màu và cây trồng của bà con nhân dân tại hai cánh đồng Tràng Ba và Kè đều bị hư hại, cháy ráp do khí thải từ nhà máy phả vào. Những hôm trời mưa hoặc nhiều mây, âm u, khí thải không thoát lên cao được mà bị hất ngược trở lại xuống thấp khiến từ con người đến cây cối ở xung quanh đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Rất nhiều người ở tổ dân phố Chương Lương phải đi khám bệnh vì phát hiện những bất ổn về đường hô hấp.

Điển hình như gia đình bà Nguyễn Thị Nụ, chỉ cách khu vực sản xuất của nhà máy hơn 100m nên “lĩnh đủ” lượng khói bụi thải ra. Bà Nụ cho biết, sau khi nhà máy đi vào hoạt động được một thời gian ngắn đến nay, sức khỏe cả 6 người trong gia đình bà đều gặp vấn đề liên quan đến đường hô hấp. Riêng bà và người cháu nội hầu như bị ho quanh năm suốt tháng. “Đặc biệt, là vào buổi tối, mùi khí vô cùng hắc và khó chịu. Chỉ cần hít vào là đã thấy cổ họng nóng ran, bỏng rát”, bà Nụ kể.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch UBND phường Bách Quang cho biết, nhà máy gây ảnh hưởng nặng nhất đến ba tổ dân phố: Chương Lương, Cầu Sắt và Dọc Dài. Trong đó, hai tổ dân phố Chương Lương và Cầu sắt bị ô nhiễm từ khí thải, còn tổ dân phố Dọc Dài bị ô nhiễm từ nước thải. Gần chục năm qua, ông Thắng từng rất nhiều lần đứng ra giải quyết những xung đột giữa người dân địa phương và nhà máy vì lí do ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân chính, theo ông Thắng là do công nghệ của nhà máy lạc hậu, lỗi thời. Đặc biệt, là hệ thống xử lý chất thải không được đầu tư nghiêm túc. Mỗi lần mưa to, bể chứa nước thải trong nhà máy tràn ra ngoài, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của các khu dân cư lân cận.

Được biết, từ tháng 11/2015, trước quá nhiều bức xúc liên quan đến tình trạng ô nhiễm, nhà máy đã đưa vào vận hành hệ thống xử lý khí thải hơn 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, những hộ dân sống gần nhà máy vẫn không tránh được ảnh hưởng bởi ô nhiễm. Do vậy, theo ông Thắng, để chấm dứt triệt để tình trạng sức khỏe người dân bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm từ nhà máy này, chính quyền địa phương đang lên phương án cho di dời dần những hộ đang ở quá gần nhà máy đi nơi khác. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.