Hiện, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đang cắt giảm công suất từ 105% xuống còn 80% vì thiếu nguồn tiền khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chưa thực hiện một số nghĩa vụ tài chính với nhà máy này, khiến việc nhập dầu thô cho sản xuất bị gián đoạn.
Được biết, nhà máy này đã phải tạm dừng nhập khẩu dầu thô phục vụ cho hoạt động, chỉ sử dụng hàng tồn kho để chế biến xăng, dầu sản phẩm.
Nhiều khả năng nhà máy này sẽ phải dừng hoạt động vào giữa tháng 2/2022 nếu vấn đề tài chính không được các bên liên quan khắc phục, tháo gỡ, nhà máy này không có nguồn dầu thô bổ sung để sản xuất.
Nhiều thương nhân kinh doanh xăng dầu lo lắng sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung xăng, dầu trong nước
Với thị phần nguồn cung khoảng hơn 35%, tình trạng hiện nay của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn khiến nhiều thương nhân kinh doanh xăng dầu lo lắng sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung xăng, dầu trong nước.
Theo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), năm nay, đơn vị nhập khoảng 235.000-265.000 m3 xăng dầu/tháng từ nhà máy này qua công ty bao tiêu sản phẩm thuộc PVN.
Do đó, với tình trạng hiện nay của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Petrolimex lo ngại về nguy cơ thiếu nghiêm trọng nguồn cung xăng dầu. Trong khi, đây là đơn vị chiếm tới 50% thị phần bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc.
Một số thương nhân kinh doanh xăng dầu cũng cho biết, tình trạng khan hiếm đã bắt đầu diễn ra. Đặc biệt, trong bối cảnh những ngày Tết Nguyên Đán đang cận kề, nhu cầu tăng cao, nên nguy cơ thiếu xăng dầu đang chực chờ.
Trong khi đó, việc dùng đột ngột của lọc dầu Nghi Sơn, trong bối cảnh giá dầu thô trên thế giới tăng cao, khiến việc đàm phán mua bán nhập khẩu không dễ dàng, thậm chí còn bị ép giá cao.
Trước mỗi lo thiếu nguồn cung xăng dầu, các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đề nghị, Bộ Công thương cần có giải pháp hỗ trợ để giảm thiểu rủi ro cho họ, khi phải nhập khẩu bổ sung nguồn xăng dầu không có thuế suất ưu đãi để đáp ứng khẩn cấp nhu cầu trong nước, vì có thể làm tăng chi phí, giá thành.
Bộ Công thương cũng cần có ý kiến chỉ đạo PVN, nhà máy lọc dầu Dung Quất tăng công suất, sản lượng cấp ngay trong tháng 1 để bù đắp lượng thiếu hụt theo hợp đồng đã ký từ Nghi Sơn.
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, Bộ Công thương đã yêu cầu nhà máy lọc dầu báo cáo tiến độ, kế hoạch và tiến độ giao hàng các hợp đồng đã ký với các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, tránh ngừng sản xuất mà không thực hiện hợp đồng, ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu trong nước.
Theo ông Đông, doanh nghiệp đang chịu áp lực về tài chính, nhưng họ phải tính cân đối chi phí giữa việc được - mất khi dừng sản xuất và vẫn vận hành.
Còn đối với các thương nhân đầu mối xăng dầu khác, ông Đông cho biết, Bộ Công thương yêu cầu họ có kế hoạch nhập khẩu, đảm bảo nguồn cung, duy trì xăng dầu trong hệ thống để bán hàng liên tục, phục vụ sản xuất, tiêu dùng theo quy định...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận