Một mỏ đá khai thác không an toàn bị đình chỉ tại Thanh Hóa |
“Tôi đi khắp thế giới thấy xu hướng chung là đóng cửa nhà máy xi măng trong khi ở Việt Nam, các nhà máy lại phát triển tưng bừng. Việc này với quốc gia có nên phấn khởi không? Mỗi lần về quê tôi lại thấy biến mất một quả núi, không còn rừng”, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên - thành viên Tổ công tác của Thủ tướng bày tỏ băn khoăn tại buổi làm việc giữa Tổ công tác và Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) sáng 3/4.
Phải tiết kiệm tài nguyên
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác truyền đạt ý kiến của Thủ tướng ghi nhận tổng công ty đã hoàn thành chỉ tiêu về sản lượng kinh doanh, hiệu quả sản xuất trong năm qua. Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu Vicem giải trình làm rõ thêm một số vấn đề. Thủ tướng lưu ý thị phần của ngành xi măng trong đóng góp tăng trưởng của nền kinh tế còn ở mức khiêm tốn. Cụ thể, trong khi công nghiệp xây dựng năm 2017 tăng trưởng 8,7% thì ngành xi măng tăng trưởng chỉ 2%, đóng góp 0,54% vào tăng trưởng GDP.
Thủ tướng yêu cầu Vicem quan tâm đến việc củng cố tốt bộ máy, trong đó có vấn đề quản trị, sắp xếp lao động hướng tới hiệu quả và tiết kiệm nhân lực, nhân công, tinh giản bộ máy. Người đứng đầu Chính phủ cũng đặt vấn đề, các sản phẩm xi măng phải có chất lượng, có thương hiệu và hướng tới xuất khẩu, đạt hiệu quả cao, chiếm lĩnh và ổn định thị trường. Đây là cuộc cạnh tranh rất quyết liệt với xi măng của tư nhân…
Thủ tướng lưu ý thêm với Vicem về công tác quản trị của doanh nghiệp, làm sao phải có chiến lược phát triển lâu dài, tiết kiệm nguyên liệu, tài nguyên cho đất nước, sử dụng hết các sản phẩm phụ. “Núi đá vôi cũng có hạn, nếu không bảo đảm được nguyên liệu cho sản xuất lâu dài thì rất tiếc. Làm sao có giải pháp báo cáo Thủ tướng về vấn đề này, vấn đề này không chỉ đặt ra với tổng công ty mà với cả ngành xi măng”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
“Cần cách nghĩ khác, tư duy khác”
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Nguyễn Đình Cung cho rằng, báo cáo của Vicem chưa thể đánh giá được sức khoẻ của DN, thiếu phân tích các chỉ số tài chính. “Nghe báo cáo thì dài, kết luận thành công nhưng thử xem chúng ta thành công so với cái gì, so với ai? Tại sao chúng ta tăng sản lượng khi cung đang thừa? Tăng sản lượng nhiều khi làm chúng ta mất tài nguyên chứ không phải giúp tăng trưởng. Nếu chúng ta muốn đóng góp vào tăng trưởng thì phải tăng hiệu quả chứ không phải tăng sản lượng”, ông Cung nêu quan điểm.
Ông cũng bày tỏ mong muốn các DNNN, trong đó có Vicem phải chịu áp lực nhiều hơn nữa. Bởi khi bị chịu áp lực thì người ta mới buộc phải nghĩ cách làm khác đột phá để đạt hiệu quả. Theo ông Cung, trong bối cảnh hiện nay ta rất cần cần những cách làm khác, nghĩ khác, tư duy khác.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cũng băn khoăn, nếu giá bán chỉ bằng 1/2 các nước, nghĩa là rất thấp, thì tại sao Việt Nam vẫn buộc phải bán? Ông cũng lưu ý với những ngành khai thác tài nguyên như xi măng thì sự đánh đổi càng lớn.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh trấn an, theo quy hoạch, các dây chuyền sản xuất xi măng sẽ được giữ ổn định, không tăng thêm, trừ khả năng mở rộng Nhà máy Xi măng Hoàng Mai, tức là đến năm 2025 dự kiến sẽ giữ nguyên số lượng 82-85 dây chuyền. Những dây chuyền có công suất dưới 1 triệu tấn xi măng/năm cũng sẽ dần chuyển đổi, không giữ lại. Giá thành xi măng của Vicem so với các nhà sản xuất trong nước tương đối hấp dẫn chứ không phải là giá bán xi măng thấp. Thực tế, giá bán xi măng của Việt Nam tương đương mặt bằng các nước trong khu vực.
Giải trình thêm, Chủ tịch HĐQT Vicem Lương Quang Khải nhấn mạnh, Vicem tự so sánh với các tập đoàn xi măng lớn trên thế giới như Holcim. Vicem không tăng sản lượng một cách tràn lan mà tăng giá trị và hiệu quả.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận