Ông Biểu “tố” khói bụi của nhà máy xi măng khiến cây trong vườn nhà ông không ra được quả |
Hồ sơ pháp lý "ngon lành" cả (!?)
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Dương Thanh Bình, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng và du lịch Bình Minh, phụ trách Nhà máy Xi măng Trung Sơn thừa nhận, hoạt động của nhà máy xi măng gây tiếng ồn, ảnh hưởng tới nhiều hộ dân liền kề ở thôn Lộc Môn (xã Trung Sơn). Tuy nhiên, ông Bình khẳng định, tiếng ồn là do các phương tiện chở nguyên vật liệu cho nhà máy gây ra chứ không phải hệ thống máy móc của dây chuyền sản xuất trong nhà máy.
Trước câu hỏi khi về khảo sát xây dựng nhà máy, phát hiện thấy khu dân cư ở quá gần, tại sao chủ đầu tư không đề xuất di dời? ông Bình cho biết đây không phải trách nhiệm của chủ đầu tư. “Việc của chúng tôi là xin đất để xây dựng nhà máy, còn việc di dời dân đi nơi khác là trách nhiệm của Ban Quản lý khu công nghiệp”, ông Bình cho hay.
Về tình trạng nhà dân bị nứt, vị đại diện Nhà máy Xi măng Trung Sơn cho biết, có thể đó là những vết nứt xuất hiện từ nhiều năm trước và nhà máy đã xử lý rồi nhưng một số hộ dân không chịu sửa. “Việc nổ mìn khai thác đá của nhà máy hiện nay hoàn toàn không gây dư chấn để ảnh hưởng tới nhà dân”, ông Bình khẳng định..
Về Nhà máy Xi măng Vĩnh Sơn, ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng ban An ninh, cho biết: “Khói bụi chỉ sinh ra trong quá trình cấp nhiên liệu lúc mới khởi động máy. Hiện tượng này chỉ diễn ra khoảng 30 phút đến một tiếng là cùng”, ông Hợp cho biết. Theo lý giải của ông Hợp, trong quá trình vận hành, hệ thống máy móc của Nhà máy xi măng Vĩnh Sơn thường xuyên xảy ra sự cố buộc phải dừng hoạt động để sửa chữa. Mỗi lần sửa chữa xong, khởi động lại máy móc thì tình trạng khói bụi phát tán ra môi trường lại xuất hiện.
Bổ sung thêm thông tin, ông Phạm Xuân Ước, Phó phòng Hành chính - Nhân sự giải thích: Lúc được chuyển giao, hệ thống máy móc đều hoạt động rất “ngon lành”, có như thế nhà máy mới được phê duyệt cho hoạt động. “Đây là thiết bị Trung Quốc mà tự động hóa nhiều nên có những cái nó chuyển giao không hết. Còn tất cả hồ sơ pháp lý của chúng tôi đều “ngon lành” cả”, ông Ước khẳng định.
Gần khu dân cư, sao nhà máy xi măng vẫn mọc lên?
Về bất cập trong quy hoạch, ông Nguyễn Khắc Yến, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lương Sơn cũng tỏ ra không hiểu tại sao với khoảng cách gần khu dân cư như thế mà các cơ quan chức năng vẫn cấp phép cho xây dựng hai nhà máy xi măng ở xã Trung Sơn. Ông Yến cho hay, đã có quy định rất rõ về khoảng cách tối thiểu từ điểm xây dựng nhà máy xi măng tới khu dân cư là 1000m.
Trong khi đó, ở xã Trung Sơn thậm chí có khu dân cư (xóm Lộc Môn và Bến Cuối) chỉ cách nhà máy xi măng có vài chục mét, thậm chí nhiều hộ ở xóm Lộc Môn nằm ngay sát nhà máy (chỉ cách một bức tường bao). “Tôi không hiểu tại sao với khoảng cách gần như thế mà các cơ quan chức năng vẫn cấp phép cho xây dựng nhà máy. Doanh nghiệp không phải ngẫu nhiên mà họ được làm ở đó. Phải có sự cho phép thì mới làm được chứ”, ông Yến nói.
Liên quan đến việc đại diện Nhà máy Xi măng Vĩnh Sơn đổ lỗi dây chuyền sản xuất, chưa được chuyển giao hết công nghệ, ông Yên cho rằng, đó là lời biện minh phi lý và vô trách nhiệm. “Không thể nói một câu do sự cố là xong. Cũng giống như việc anh lái xe ra đường gây tai nạn rồi bảo do xe gặp sự cố là coi như anh không có trách nhiệm gì à?”, ông Yên bức xúc.
Theo ông Yên, chỉ riêng việc đổ lỗi cho sự cố đã khó chấp nhận, đằng này Nhà máy Xi măng Vĩnh Sơn lại cho rằng, nếu sự cố do chưa được chuyển giao hết công nghệ của dây chuyền sản xuất thì các đơn vị kiểm định, cấp phép cho nhà máy này hoạt động cần phải kiểm tra lại ngay. “Phải xem lại ngay trách nhiệm của đơn vị kiểm định hệ thống máy móc của Nhà máy Xi măng Vĩnh Sơn trước đó. Tại sao dây chuyền công nghệ chưa được chuyển giao hết mà dám xác nhận đủ điều kiện để đưa vào sản xuất suốt mấy năm nay?”, vị Phó phòng TN-MT huyện đặt vấn đề.
Di dời hết dân ra khỏi phạm vi ảnh hưởng là bất khả thi Ông Yên cho biết, hiện nay UBND tỉnh Hòa Bình đã giao UBND huyện Lương Sơn phối hợp với doanh nghiệp và các sở, ngành liên quan nghiên cứu phương án di dời các hộ dân liền kề nhà máy xi măng ra nơi đảm bảo khoảng cách an toàn. Tuy nhiên, do gặp khó khăn về nguồn kinh phí nên chưa thể di dời hết những hộ dân trong phạm vi bán kính 1.000m gần nhà máy như quy chuẩn được mà trước tiên sẽ ưu tiên di dời những hộ dân gần nhà máy xi măng nhất (phạm vi bán kính 100m), thời gian hoàn thành việc di dời dự kiến là đến năm 2017. Như vậy, kể cả khi kế hoạch di dời này được thực hiện, vẫn có không ít hộ dân ở hai xã Trung Sơn và Thành Lập vẫn phải chờ đợi và chịu cảnh sống chung với ô nhiễm thêm một thời gian dài nữa. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận