Văn hóa - Giải Trí

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: Cần có chiến lược cho văn hóa

Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021 ở tầm cỡ quốc gia, đặt ra những vấn đề về văn hóa mới trong kinh tế thị trường và vấn đề con người.

Hội nghị văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 24/11 được nhiều người kỳ vọng sẽ tạo nên một bước ngoặt lịch sử, khơi dậy khát vọng dân tộc. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh đất nước thời kỳ mới, hội nhập quốc tế, với nhiều vấn đề về phát triển văn hóa.

Báo Giao thông trân trọng giới thiệu bài viết thể hiện quan điểm của nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, như một tiếng nói gửi gắm trước thềm Hội nghị lần này.

img

Nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng. Ảnh: Nguyễn Đức Bình

Văn hóa ngoại lai có đáng ngại?

Trong bối cảnh đất nước mở cửa, hội nhập, điều gì cũng có hai mặt. Hội nhập để làm ăn tốt hơn, thuận lợi hơn, nhưng văn hóa cũng dễ pha tạp, mất gốc hơn.

Quá trình này đòi hỏi bản lĩnh văn hóa trước tiên ở những người, những bộ phận có giao lưu với nước ngoài, sau đó đến những địa phương chịu tác động trực tiếp và gián tiếp. Với thanh niên, họ dễ đánh giá bên ngoài tốt hơn khi so sánh với một xã hội nông nghiệp truyền thống. Từ đó, cũng dễ từ bỏ văn hóa truyền thống.

Xã hội thị trường và hàng hóa có chiến lược quảng cáo hấp dẫn, có uy lực thực sự. Xem nhiều phim Hàn Quốc, sẽ thích hàng hóa Hàn Quốc, rồi dần dần tự cải biến văn hóa bên trong của mình.

Nền kinh tế mạnh và chất lượng hàng hóa có sức mạnh cụ thể. Nền sản xuất nội địa kém chất lượng lâu dài dẫn đến sự vọng ngoại. Ngay ở trong nước mà chỗ này, chỗ kia người ta quảng cáo nho Mỹ, táo Nhật, nước hoa Ý... dù chưa chắc hàng thật là như vậy. Đây là một tâm lý mang tính xã hội, làm mất lòng tự trọng mà người ta không rõ nguyên nhân.

img

Nền sản xuất nội địa kém chất lượng lâu dài dẫn đến sự vọng ngoại. Ảnh: MP

Tuy nhiên, nếu gọi các vấn đề gặp phải là xâm lăng văn hóa thì hơi to tát. Văn hóa vốn mang tính giao lưu, từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong. Cái nào yếu hơn dễ bị biến đổi. Ở đây, cần nhìn nhận thế nào là yếu, thế nào là mạnh.

Sức mạnh của các nền kinh tế Âu Mỹ không có nghĩa tương đồng với sự mạnh về văn hóa, và văn hóa về bản chất không có chỗ nào kém chỗ nào. Văn hóa của một bộ tộc trong hang động cũng chẳng thua kém văn hóa ở một quốc gia hùng mạnh. Chỉ khi hiểu sai cái này, mới dẫn đến sự xâm lăng văn hóa.

Về cơ bản, văn hóa ngoại lai không có gì là nguy cơ, hệ lụy, khi chúng ta nhận thức được. Vì kinh tế có tính toàn cầu hóa, không tránh khỏi du nhập văn hóa, nhất là trong thời đại Internet.

Con người mang tính chất quyết định

Trong sự giao thoa giữa các nền văn hóa, văn hóa dân tộc không cần nổi trội hay quan trọng. Dân tộc cũng như cha mẹ, ông bà trong gia đình, dù thế nào cũng là thiêng liêng, dù bên ngoài có hay hơn, giầu hơn.

Chỉ cần nghĩ được vậy, sẽ biết cách giao lưu mà không làm mất bản sắc.

img

Bản sắc văn hóa không phải là hình thức ăn, mặc, ở, mà nằm trong sự xác tín nội tâm, trong tâm thức con người.

Việc giữ gìn bản sắc văn hóa tộc người mang tính chất quyết định. Bản sắc ở đây không phải là hình thức ăn, mặc, ở, vì cái đó khó giữ được, mà là nằm trong sự xác tín nội tâm, trong tâm thức con người.

Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021 ở tầm cỡ quốc gia, đặt ra những vấn đề về văn hóa mới trong kinh tế thị trường và vấn đề con người.

Là một người dân, tôi có nhiều mong muốn, kỳ vọng vào những vấn đề được kết luận tại hội nghị. Tôi thấy văn hóa ta đang có nhiều vấn đề bất cập, đạo đức con người suy thoái, nền hành chính và nhiều hoạt động khác bị nạn tham nhũng làm khó dễ.

Tất nhiên sau Hội nghị không phải mọi thứ được giải quyết được ngay, mà cần có chiến lược cho văn hóa, đặc biệt khi nhiều ngành văn hóa nghệ thuật trở thành ngành kinh doanh.

Chỉ riêng điều đó thôi, cũng phải thay đổi nhiều thứ, chẳng hạn như về đánh giá nhân tài, nghệ sỹ, luật hoạt động nghệ thuật...

Phan Cẩm Thượng

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.