Thời sự

Nhà nước không bồi thường thay người cố ý làm sai

05/04/2017, 14:32

Đó là quan điểm của Phó viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hải Phong chiều 4/4.

22

Phó viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hải Phong phát biểu tại Hội nghị

Cá nhân làm sai mà Nhà nước bồi thường là phi lý

Về nguyên tắc bồi thường, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) dẫn chứng trường hợp người đi tố cáo việc làm giả hồ sơ để nhận chế độ chính sách từ Quốc hội khóa XI, quy trình từ huyện lên tỉnh, không nơi nào nhận giải quyết. Đến Quốc hội khóa XIII, vụ việc được Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường kiến nghị Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh giải quyết. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cử người đi xác minh và xác định tố cáo của người kia đúng sự thật. Từ ví dụ này, ĐB Phương đề nghị phải bồi thường cho người đi tố cáo đúng sự thật.

Về việc bồi thường, ông Phương cho rằng, cơ quan giải quyết bồi thường trong luật chủ yếu quy định cơ quan Nhà nước, còn chi phí cá nhân phải bồi thường không có. “Như vậy, lúc nào Nhà nước cũng bao hết, cho nên cán bộ cố ý làm sai còn Nhà nước đứng ra bồi thường. Ngoài trách nhiệm Nhà nước phải quy định cả trách nhiệm cá nhân, không để Nhà nước bố trí ngân sách bồi thường còn trách nhiệm của cá nhân liên quan bị bỏ lọt”, ông Phương kiến nghị.

Phó viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hải Phong cho rằng, trong những trường hợp cá nhân ra bản án trái pháp luật khi đã biết là sai thì Nhà nước không thể bồi thường cho cá nhân, vì nó phi lý. Tại sao Nhà nước lại đứng ra để bồi thường thay cho kẻ phạm tội? “Không luật nào mong làm oan cho dân, tuy nhiên, vẫn khó tránh khỏi làm oan. Ví dụ, vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), tòa tuyên do Viện Kiểm sát, kiểm sát viên điều tra sai. Như vậy, cá nhân làm sai thì phải chịu trách nhiệm. Tôi đồng tình với việc cấp nào đưa ra bản án sai thì cấp đó phải bồi thường”, ông Phong nói.

“Bắt thì hoành tráng, xin lỗi công khai chưa đầy 2 phút”

Về việc công khai xin lỗi người bị oan sai, ĐB Nguyễn Thị Thủy, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp chưa đồng tình với việc vẫn giữ nguyên quy định cũ, nghĩa là người bị oan phải có yêu cầu thì mới tổ chức xin lỗi công khai. “Ngay khi có văn bản xác định bị oan thì Nhà nước phải xin lỗi phục hồi nhân phẩm cho người bị oan. Bởi thực tế là người thực thi công vụ làm oan cho dân”, bà Thủy nói.

Góp ý về Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị, cần quy định bồi thường cho cả người thân của người bị oan. Hiện, chỉ quy định bồi thường cho người thân của người bị oan trong trường hợp người bị oan chết, nhưng thực tế người thân thích của người bị oan có bị tổn thất về tinh thần, tổn hại sức khỏe, nếu quy định người bị oan chết mới được bồi thường thì không thỏa đáng.  

Về quy định này, Ban soạn thảo giải thích là trong trường hợp người bị oan chưa có yêu cầu, nếu Nhà nước chủ động công khai xin lỗi thì có thể ảnh hưởng đến quyền nhân thân. Bà Thủy tranh luận lại quan điểm này và cho rằng, đó là điều “không thể hiểu được”. Dẫn chứng vụ ông Hàn Đức Long bị kết tội oan là giết người và hiếp dâm trẻ em, bà Thủy đặt câu hỏi: “Nếu ông ấy không yêu cầu xin lỗi công khai thì trong trường hợp này Nhà nước mà xin lỗi thì ảnh hưởng gì đến quyền nhân thân của ông ấy?”. Bà Thủy cũng đề nghị luật quy định kể từ khi có văn bản thừa nhận người bị oan, trong vòng 10 ngày cơ quan làm oan phải xin lỗi công khai người bị oan trừ trường hợp họ yêu cầu không cần xin lỗi.

Phó viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hải Phong cho rằng, cơ quan làm sai không dũng cảm nhận sai nên luật phải cụ thể, bắt phải công khai xin lỗi. “Bắt thì hoành tráng nhưng xin lỗi làm oan công khai chưa đầy 2 phút, ngay cả lời văn xin lỗi cũng không có văn hóa tố tụng. Do vậy, nên có thiết chế về lời xin lỗi”, ông Phong góp ý.

Đề xuất cấm nhận quà tặng là xe sang quá tiêu chuẩn

Sáng cùng ngày, góp ý vào Dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi), nhiều ý kiến đề nghị đổi tên luật này thành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Báo cáo giải trình tiếp thu về dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, vừa qua dư luận xã hội đã phản ánh về việc một số cơ quan, đơn vị sử dụng các tài sản cho, biếu, tặng (ô tô) không đúng tiêu chuẩn, quá định mức được quy định. Sau đó, một số cơ quan, địa phương phải trả lại các phương tiện này cho các tổ chức, cá nhân cho/biếu/tặng. Do đó, đề nghị cần quy định chặt chẽ, cụ thể việc tiếp nhận các tài sản cho/biếu/tặng ngay trong Luật.

Đồng tình, ĐB Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cũng cho rằng, nên quy định chặt chẽ tài sản cho, biếu, tặng và làm rõ mục đích của việc này. ĐB Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội nhận định, việc nhận quà của DN có nhiều vấn đề đáng bàn, bởi trên cùng một địa bàn mà DN này tặng quà, DN khác không tặng quà, có thể dẫn đến bất bình đẳng trong đối xử. ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cũng đánh giá việc biếu, tặng tài sản đang bị lợi dụng. Vì thế cần quy định các nguyên tắc loại trừ cho cả 2 bên cho và nhận.

Nhắc lại thực trạng vừa qua có một số đơn vị được nhận quà tặng có giá trị lớn như xe sang song đã phải trả lại, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý những tài sản này cũng phải được điều chỉnh bởi luật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.