Trước ý kiến đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính thừa ủy quyền Chính phủ vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
Sách giáo khoa sẽ được vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá. Ảnh minh hoạ: NLD
Hiện nay, sách giáo khoa không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, bình ổn giá, mà thuộc danh mục mặt hàng do doanh nghiệp kê khai giá theo quy định của Luật Giá.
Cụ thể, các nhà xuất bản tự xây dựng, xác định giá và kê khai giá với cơ quan quản lý nhà nước. Các nhà xuất bản này cũng tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá sách giáo khoa đã kê khai, cơ quan quản lý nhà nước không thẩm định, phê duyệt, không định giá sách giáo khoa.
Theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính đã đánh giá việc thi hành Luật Giá và đang trình Chính phủ dự kiến các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Giá, trong đó đưa thêm sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá.
Bộ Tài chính cũng cho biết, trong thời gian chờ đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá, mặt hàng này vẫn được áp dụng biện pháp kê khai giá như hiện hành.
Trước đó, báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp ngày 20/10/2020 là thời điểm khi năm học 2020-2021 vừa bắt đầu, Bí thư Trung ương Đảng Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết: “Cử tri và nhân dân bức xúc vì giá sách giáo khoa tăng cao so với năm học trước, có dấu hiệu lợi ích nhóm; Thiếu hướng dẫn và thông tin chưa rõ ràng việc sử dụng sách giáo khoa trong các nhà trường. Đặc biệt, việc phát hành và đưa vào sử dụng bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 (Bộ Cánh Diều) gây ra nhiều phản ứng trong nhân dân”.
Sang năm học 2021-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục cho phép phát hành 3 bộ sách lớp 2 và 3 bộ sách lớp 6. Các nhà xuất bản được phép phát hành sách giáo khoa đã kê khai giá sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6 mới về Bộ Tài chính.
Sau đó, Bộ Tài chính đã có các công văn đề nghị các nhà xuất bản thực hiện kiểm soát, tiết giảm các chi phí trong cơ cấu giá thành sách giáo khoa để giảm giá sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6 mới. Đến nay, các nhà xuất bản đã nhiều lần kê khai và kê khai lại điều chỉnh giảm giá các cuốn sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6 mới.
Trước đó, trước tình trạng “loạn” giá kit test và dịch vụ xét nghiệm Covid-19, bất cập trong quản lý giá khiến cùng một trang thiết bị y tế nhưng có nhiều mức giá, giá trúng thầu giữa các cơ sở y tế có sự khác biệt đáng kể, không có mức giá tham khảo để xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu... ngày 8/11/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị định 98/2021/NĐ-CP.
Theo đó, Nghị định đã quy định trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm là mặt hàng phải kê khai giá; Quy định cụ thể nội dung kê khai giá gồm giá vốn nhập khẩu hoặc giá vốn sản xuất, chi phí quản lý, chi phí đào tạo, bồi dưỡng, chi phí bảo hành, lợi nhuận dự kiến và giá bán cuối cùng.
Nghị định cũng cho phép cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (không chỉ Bộ Y tế) được quyền yêu cầu doanh nghiệp giải trình về các yếu tố cấu thành giá khi cần thiết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận