Nhà ở xã hội tìm chủ đầu tư
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Bình vừa có Thông báo về việc mời quan tâm Dự án đầu tư khu nhà ở xã hội, phục vụ Khu công nghiệp Gián Khẩu (huyện Gia Viễn) và người lao động khu vực lân cận.
Theo đó, Dự án đầu tư khu nhà ở xã hội phục vụ Khu công nghiệp Gián Khẩu và người lao động khu vực lân cận được xây dựng tại 2 xã Gia Tân và xã Gia Trấn, (huyện Gia Viễn) với tổng mức đầu tư hơn 2.300 tỉ đồng. Dự án có quy mô 49.622m2, trong đó, diện tích đất xây dựng là hơn 20.000m2, diện tích sàn xây dựng là 208.998m2, quy mô dân số (dự kiến) khoảng 7.532 người.
Gỡ vướng trong phát triển nhà ở xã hội (ảnh minh hoạ)
Hiện một phần khu đất trên đã được giải phóng mặt bằng thuộc phạm vi cơ sở hạ tầng khu nhà ở và dịch vụ công nhân phục vụ Khu công nghiệp Gián Khẩu và địa bàn lân cận đã được Nhà nước đầu tư.
Theo Bộ Xây dựng, tính đến hết năm 2021, nhà ở giá thấp (trong đó có NƠXH) chiếm khoảng 70 - 80% nhu cầu của người dân thì lại đang thiếu hụt trầm trọng.
Tính đến hết tháng 6/2022, cả nước đã hoàn thành 279 dự án NƠXH, quy mô xây dựng khoảng 148.000 căn, với tổng diện tích hơn 7,4 triệu m2 sàn nhà ở.
Số liệu thống kê đã chỉ rõ nhu cầu 12,5 triệu m2 sàn NƠXH giai đoạn 2010 - 2020, đến tận giữa năm 2022 mới chỉ hoàn thành được xấp xỉ 60%.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thẳng thắn nhìn nhận, kết quả phát triển các dự án NƠXH, nhà ở công nhân năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 còn hạn chế so với nhu cầu về nhà ở của đối tượng thu nhập thấp, trung bình, công nhân KCN.
Trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào thời gian tới; Bộ Xây dựng chỉ ra nhiều hạn chế của luật Nhà ở 2014 như việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân còn nhiều quy định chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ; quy định về điều kiện lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội còn chưa thống nhất với quy định của pháp luật về đầu tư công, đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đất đai, kinh doanh bất động sản...
Tương tự, tỉnh Bình Phước cũng đã công khai kêu gọi đầu tư nhà ở xã hội. Theo đó, đơn vị này mời gọi đầu tư nhà ở xã hội đối với 9 dự án, gồm 6 dự án nhà ở cho công nhân tại thành phố Đồng Xoài, các huyện Đồng Phú, Chơn Thành và 3 dự án nhà ở xã hội thuộc quỹ đất 20%. Các dự án xây dựng nhà ở xã hội được quy hoạch tại những vị trí thuận lợi, gần khu, cụm công nghiệp và các trục giao thông trong khu vực.
UBND TP Hà Nội cũng đã có văn bản giao các nhà đầu tư nghiên cứu lập quy hoạch 5 khu NƠXH tập trung với tổng quy mô khoảng 272ha đất. Đến nay, đã có 2 khu được phê duyệt quy hoạch chi tiết là khu NƠXH tập trung tại xã Tiên Dương và khu NƠXH thành phố kết nối xanh - Green Link City tại xã Tiên Dương (huyện Đông Anh).
Ngoài ra còn nhiều tỉnh khác như Hải Phòng, Hưng Yên...
Những tín hiệu này, nhiều chuyên gia bất động sản tin tưởng rằng, thời gian tới, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp cho công nhân dồi dào hơn.
Thủ tục phát triển nhà ở xã hội rườm rà
Tuy nhiên, chuyên gia bất động sản cũng cho rằng, ngoài việc mời quan tâm đầu tư, cũng cần đơn giản thủ tục đầu tư, giúp nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận dự án.
Bởi theo họ, hiện nay, số lượng thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội nhiều hơn so với dự án nhà thương mại, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện, chưa thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia.
Đại diện Công ty Lê Thành, một đơn vị phát triển nhà ở xã hội cho biết, một dự án nhà ở xã hội do đơn vị này làm chủ đầu tư đã mất 3 năm chưa xong thủ tục đầu tư.
Vị này cho hay, theo quy định hiện nay, hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư được nộp một cửa tại Sở Kế hoạch - đầu tư. Nghe thì mừng nhưng khi làm doanh nghiệp phải chuẩn bị 11 hồ sơ để Sở Kế hoạch - đầu tư gửi cho 11 cơ quan có ý kiến, và chỉ một cơ quan không đồng thuận là “dự án chết”.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho hay, trước đây UBND TPHCM có công văn chỉ đạo thủ trưởng các sở ngành, quận huyện, nếu quá 15 ngày đơn vị được xin ý kiến nhưng không trả lời thì coi như đồng ý với ý kiến của đơn vị xin ý kiến. Tuy nhiên, các sở ngành, quận huyện “không dám thực hiện” việc này và vẫn ngồi chờ trả lời, trong khi doanh nghiệp nóng ruột vì “mỗi ngày chờ là một ngày phải trả lãi ngân hàng, gánh nặng đầu tư càng đè nặng”.
Hay việc miễn tiền sử dụng đất, cũng là “câu chuyện đau đầu, mất nhiều thời gian của doanh nghiệp”. Theo đó, luật quy định miễn 100% tiền sử dụng đất cho dự án nhà ở xã hội. Thay vì áp dụng ngay quy định để miễn tiền cho doanh nghiệp, hiện nay cơ quan chức năng lại mất một thời gian dài làm các thủ tục tính ra số tiền sử dụng đất doanh nghiệp phải đóng, sau đó mới ra quyết định miễn tiền sử dụng đất. "Chưa kể, DN bỏ tiền mua đất theo giá thị trường nhưng tiền sử dụng đất lại được hoàn trả theo bảng giá đất. Luật quy định DN được giảm thuế nếu cho thuê nhà ở xã hội, nhưng luật về thuế lại không có điều này", ông Châu cho hay.
Điều kiện mua nhà ở xã hội chưa sát thực tế
Bên cạnh những kiến nghị, đơn giản hoá thủ tục đối với nhà đầu tư, ông Lê Hoàng Châu cũng đã có kiến nghị, hỗ trợ người mua nhà.
Theo ông Châu, Luật Nhà ở 2014 quy định, đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội “phải thuộc diện không phải chịu thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân”.
Tuy nhiên, hiện nay quy định mức thu nhập không phải chịu thuế và mức giảm trừ gia cảnh khá thấp so với chi phí thực tế, nên nhiều người có thu nhập thấp đô thị lại không đủ điều kiện được hưởng chính sách nhà ở xã hội.
Theo đó, theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân, đối tượng có mức thu nhập không vượt quá 11 triệu đồng/tháng (nếu có người phụ thuộc thì được cộng thêm mức giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng/người/tháng đối với cha, mẹ, con cái…) thì không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Chủ tịch HoREA cho rằng, mức thu nhập này là khá thấp. Trong lúc mức chi thực tế cho 1 cháu độ tuổi mẫu giáo, tiểu học tại đô thị không dưới 6 triệu đồng/tháng, dẫn đến nhiều cán bộ công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang và một số đối tượng công nhân lao động nặng nhọc, độc hại tuy có mức thu nhập thuộc diện phải nộp thuế thu nhập thường xuyên, nhưng thực chất vẫn là người có thu nhập thấp đô thị lại không đủ điều kiện được thuê, mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, Luật Thuế thu nhập cá nhân cũng có “bất cập” là quy định chỉ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi chỉ số tăng giá CPI tăng từ 20% trở lên mà liên tục trong 5 năm gần đây, Chính phủ điều hành chỉ số CPI chỉ tăng dưới 4%.
Do vậy, Chủ tịch HoREA cho rằng, rất cần thiết phải xem xét điều chỉnh tăng mức thu nhập tối thiểu và tăng mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với thực tiễn.
Ông Lê Hoàng Châu kiến nghị, nhà nước xem xét tăng mức thu nhập tối thiểu không phải chịu thuế thu nhập cá nhân từ 11 triệu đồng lên khoảng 13 triệu đồng (hoặc mức cao hơn) và tăng mức giảm trừ gia cảnh từ mức 4,4 triệu đồng lên khoảng 5,5 triệu đồng (hoặc mức cao hơn) để phù hợp hơn với thu nhập thực tế sau 7 năm thực hiện Luật Nhà ở 2014 và tạo điều kiện có thêm một số đối tượng thu nhập thấp đô thị cũng được hưởng chính sách nhà ở xã hội.
Xem xét quy định đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội là “Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân” không áp dụng điều kiện “phải thuộc diện không phải chịu thuế thu nhập thường xuyên” đối với các đối tượng này do tính chất lao động đặc biệt của các lực lượng vũ trang.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận