Cải tiến công nghệ để giảm tác động môi trường
Những ngày này, trên công trường cầu Rạch Miễu 2, nhà thầu đang tất bật thi công các đốt dầm từ hai trụ dây văng P19, P20 về hai hướng. Tiến độ đang kiểm soát tốt, vượt 5% so với kế hoạch. Dự án sẽ hoàn thành toàn bộ để thông xe dịp 2/9/2026.
Nhà thầu đổ bê tông đốt dầm K0 trụ chính dây văng cầu Rạch Miễu 2, sử dụng công nghệ mới giúp giảm phát thải.
Những mẻ bê tông tươi từ sà lan cặp ngay dưới trụ cầu được bơm trực tiếp lên hệ khuôn. Các công nhân hì hục điều khiển thiết bị máy rung để lèn chặt bê tông vào cốt thép.
Ông Cấn Mạnh Hùng, Chỉ huy trưởng nhà thầu Trung Nam E&C, cho biết để thi công các đốt dầm, nhà thầu áp dụng công nghệ mới là xe đúc chạy dưới mặt cầu. Công nghệ này khác với dùng xe đúc chạy trên mặt cầu như với các cầu đúc hẫng đã dùng 30 năm nay.
Trước đó, để đúc trụ tháp chính dây văng, nhà thầu đã sử dụng bộ ván khuôn tự leo, một trong những công nghệ mới trong thi công trụ cầu lớn hiện nay. Theo ông Hùng, cả hai hệ thống ván khuôn tự leo và xe đúc chạy dưới mặt cầu đều sử dụng cơ cấu kích thủy lực, vận hành bằng điện. Điều này giúp giảm phát thải CO2 trong quá trình thi công. Hệ thống này cũng tiết giảm tối đa sử dụng các loại cần cẩu chạy bằng dầu để di chuyển thiết bị. Môi trường trên công trình vì vậy cũng hạn chế bị tác động tiêu cực từ phát thải xăng dầu.
Là một trong những nhà thầu chính thi công đường cất/hạ cánh sân bay Long Thành, ông Nguyễn Văn Dương, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án 1, nhà thầu Vinaconex cho biết, ngay từ đầu đã xác định không những đảm bảo chất lượng, tiến độ dự án mà còn hướng đến chuẩn của công trình xanh, bền vững.
Để thực hiện, nhà thầu đã đầu tư máy rải bê tông xi măng Wirtgen SP64. Loại máy này tự cắm thanh thép truyền lực và hệ ván khuôn trượt. Với cơ cấu này, quá trình thi công không cần dùng đến hệ ván khuôn thép như những thiết bị thông thường nhằm tối ưu chi phí, hạn chế sử dụng vật liệu không tái sinh.
Thu gom, quản lý chặt nguồn thải
Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đi qua địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TP.HCM với tổng chiều dài 76,3km. Ngay từ đầu, các địa phương xác định đây là dự án kiểu mẫu, từ GPMB đến thi công, chất lượng, tiến độ. Nhà thầu cũng hướng đến xây dựng công trường xanh, bền vững.
Quá trình đúc trụ tháp chính dây văng cầu Rạch Miễu 2, nhà thầu đã sử dụng bộ ván khuôn tự leo, vận hành hoàn toàn bằng điện.
Tại gói thầu LX03 - thi công đường trên cao, đường song hành qua quận 9 cũ, Tập đoàn Định An đã huy động tối đa thiết bị, máy móc để đẩy nhanh phần cầu cạn trong lúc chờ cát.
Dự án băng qua khu vực dân cư đông đúc, Tập đoàn Định An rào chắn toàn bộ công trường, các thiết bị chủ yếu lưu thông bên trong. Những phương tiện chở vật liệu từ bên ngoài vào, trước khi đi ra đường đều được xịt rửa bánh xe.
Ông Mai Việt Cường, Chỉ huy trưởng gói thầu XL03 cho biết, nhà thầu đầu tư các thiết bị máy móc đời mới, có kiểm định chặt chẽ, giảm thiểu tối đa lượng khí thải. Bên cạnh đó, nhà thầu áp dụng biện pháp thu gom, quản lý chặt chẽ các nguồn thải khác như dầu, mỡ, tránh tác động đến môi trường.
Theo đại diện nhà thầu Trung Nam, với những thiết bị được đầu tư mới hiện nay, khí thải đạt tiêu chuẩn Euro 5, đảm bảo môi trường cho công nhân trong quá trình vận hành. Các loại cần cẩu đời mới như cần cẩu 350T, 50T, máy móc thi công đường… tiêu hao ít nhiên liệu nhưng công suất lớn hơn, tiếng ồn nhỏ, giảm thiểu ảnh hưởng đến việc phát thải CO2. Chẳng hạn, loại cần cẩu 50 tấn loại cũ trước đây tiêu hao 8,5 lít dầu/giờ, với những loại mới chỉ tiêu hao khoảng 7 lít/giờ.
Cần quy định bắt buộc
Phát triển xanh, bền vững đã trở thành xu thế trên thế giới, nhằm giảm phát thải khí carbon.
Ý thức được điều này, song theo các nhà thầu, hiện chưa có khung tiêu chuẩn bắt buộc cho các công trình từ thiết kế, thi công, quản lý vận hành theo hướng phát triển xanh, bền vững. Do đó, việc ứng dụng tiêu chuẩn vào trong quản lý xây dựng chủ yếu phụ thuộc ý thức doanh nghiệp. Các nguyên vật liệu phục vụ thi công hướng đến xanh, bền vững chưa nhiều, chi phí còn cao hơn vật liệu thông thường.
Vì vậy, theo ông Nguyễn Văn Dương, Phó giám đốc Ban quản lý dự án 1, nhà thầu Vinaconex, cần luật hóa và có lộ trình cho các dự án mới/chuẩn bị đầu tư theo hướng phát triển xanh bền vững. Trong đó, xây dựng quy chuẩn và tiêu chuẩn cho các công trình xanh.
"Lúc đầu có thể khuyến khích, nhưng sau đó là bắt buộc áp dụng theo lộ trình cụ thể", ông Dương đề xuất.
Để thực hiện được, ông Dương cho rằng Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế VAT đối với các đơn vị tham gia thi công những công trình đạt chứng nhận xanh. Các chủ đầu tư cần có các yêu cầu bắt buộc và ưu đãi trong hồ sơ mời thầu cho các nhà thầu có áp dụng quy trình quản lý cho việc phát triển bền vững, đặc biệt là các sáng kiến cải tiến giảm phát thải.
Ông Ngọ Trường Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, tại dự án cao tốc Hoài Nhơn - Quảng Ngãi, Đèo Cả áp dụng phương pháp đào hầm "hệ Đèo Cả", tăng số lượng mũi thi công từ 4 lên 6 mũi, rút ngắn thời gian thi công, tiết kiệm chi phí thực hiện. Bên cạnh đó, Đèo Cả đã nghiên cứu và áp dụng sáng kiến tuần hoàn nước thi công, tiết kiệm tới 95% lượng nước sử dụng trong đào hầm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận