Nhà thầu nước ngoài khó "chen chân" vào thị trường đường sắt Trung Quốc |
“Siết chặt” tiêu chí
Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu của Ngân hàng Thụy Sỹ (UBS) cho biết, đầu tư vào đường sắt Trung Quốc giai đoạn 2016-2020 sẽ duy trì ở mức khoảng 850 tỷ NDT (tương đương 133,6 tỷ USD) mỗi năm. Từ năm 2008 tới nay, đường sắt cao tốc ở Trung Quốc phát triển với một tốc độ chưa từng có. Chỉ tính riêng năm 2015, đã đầu tư 823,8 tỷ NDT để xây dựng 9.531km đường sắt mới, trong đó có 3.306km đường sắt cao tốc. Chưa thỏa mãn, Trung Quốc vẫn lên kế hoạch xây dựng thêm đường sắt cao tốc, nâng tổng chiều dài lên 30.000km vào năm 2020.
Những tưởng ngành Đường sắt có nhiều “công ăn việc làm” là vậy, nhưng đối với các doanh nghiệp có vốn nước ngoài, việc trúng thầu một dự án đường sắt ở Trung Quốc không hề đơn giản. Các doanh nghiệp nước ngoài cho rằng, Chính phủ Trung Quốc đang cố tình “chơi không đẹp” khi siết chặt các tiêu chí đấu thầu, tìm cách “bọc lót” cho các tập đoàn và công ty đường sắt nội địa.
Reuters dẫn lời các doanh nghiệp có vốn nước ngoài cho biết, họ đã thực sự khó khăn để giành các hợp đồng đường sắt. “Trong vòng 1-2 năm trở lại đây, Trung Quốc có xu hướng gạt bỏ các công ty nước ngoài đầu tư và ưu tiên các công ty trong nước”, Ansgar Brockmeyer - người phụ trách thị trường châu Á - Thái Bình Dương của Công ty Sản xuất phanh tay Đức Knorr-Bremse cho hay.
Cụ thể, Knorr-Bremse nhận hồ sơ mời thầu từ 11 thành phố năm 2015 về việc cung cấp hệ thống phanh cho hệ thống tàu điện ngầm trong 25 năm. Thế nhưng, các quy tắc đấu thầu mới của Chính phủ Trung Quốc khiến cho Knorr-Bremse mất tới ít nhất ba dự án. 11 thành phố của Trung Quốc, trong đó có Côn Minh, Quảng Châu và khu tự trị Duy Ngô Nhĩ bắt đầu cho rà soát lại các công ty có vốn đầu tư nước ngoài và 100% vốn địa phương cho các dự án tàu điện ngầm. Trước đây, các công ty muốn tham gia thầu chỉ cần chứng minh rằng họ đáp ứng được 70% các chuỗi cung ứng ở Trung Quốc.
Nhưng giờ đây, nhà thầu sẽ được xét duyệt dựa trên tiêu chí giá cả. “Chúng tôi lo ngại rằng, điều này có thể trở thành một “xu hướng” trong tương lai, song mặt khác, đây là sự vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và chúng tôi đang thảo luận với chính quyền địa phương về vấn đề này”, ông Brockmeyer nói.
Liên doanh và chuyển giao công nghệ
Sự tham gia của các công ty nước ngoài vào thị trường đường sắt Trung Quốc luôn bị giới hạn bằng các hình thức như liên doanh với các công ty trong nước hoặc cung cấp phụ liệu cho các công ty trong nước, kèm theo điều kiện là họ phải chuyển giao công nghệ cho các đối tác địa phương.
Nhiều công ty như Siemens AG của Đức hay Bombardier của Canada, bằng cách đó đã giúp Trung Quốc chạm tay vào giấc mơ xây dựng mạng lưới đường sắt lớn nhất thế giới, cả về chiều dài và doanh thu. Thế nhưng, giờ đây, Bắc Kinh lại quay lưng với những nhà đầu tư nước ngoài và ưu tiên mọi mặt cho các công ty “cây nhà lá vườn” như Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (CRRC Corp) chẳng hạn. Kế hoạch tới năm 2025, tối đa hóa mọi thứ “Made in China”, trong đó, ngành Đường sắt là mục tiêu số 1.
Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc nhận định, một môi trường cạnh tranh “ngày càng thù địch” giữa các công ty nước ngoài và trong nước đang được tạo ra ở Trung Quốc trong lĩnh vực đường sắt đô thị. “Đối với đường sắt đô thị, hệ thống quản lý hạn chế các công ty nước ngoài đấu thầu trực tiếp, thậm chí các công ty liên doanh nước ngoài và Trung Quốc cũng sẽ gặp khó khăn để được cấp giấy phép tham gia đấu thầu”, Phòng Thương mại châu Âu cho hay.
Lv Yachen, Giám đốc công ty điện tử liên doanh của Pháp với Shanghai Electric Group cho biết: “Chúng tôi đang phải đối mặt với các đối thủ cạnh tranh mới, là các công ty 100% vốn Nhà nước Trung Quốc. Trước đây, chỉ có khoảng 4-5 nhà cung cấp hệ thống tín hiệu cho dự án tàu điện ngầm như chúng tôi; Bây giờ, con số này là 9”. Còn một nhà cung cấp phụ tùng đường sắt lớn ở châu Âu, giấu tên cho biết: “Bây giờ, mọi ưu tiên đã thuộc về các công ty Trung Quốc. Chúng tôi trở nên chật vật để kinh doanh ở đây”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận