Với nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, âm nhạc của ông là một dòng sông quê hương, dòng sông đời người. |
Tùng Dương cũng nhắn tin “Cháu tiếc quá”
Ông nói: “Khúc hát sông quê” là liveshow đầu tiên, cũng có thể là liveshow cuối cùng của nhạc sĩ. Tôi thấy ông vẫn làm việc phong độ lắm!
Vì chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ làm riêng một liveshow của mình thế này, nếu không có bạn bè và những người hâm mộ khuyến khích. Tôi biết làm một liveshow tác giả không dễ chút nào. Anh có đủ tài không? Khán giả có hâm mộ anh không? Và tiền có bộ mặt của một nhà hiền triết không?
Ông có thể tiết lộ điểm đặc biệt để lại dấu ấn trong liveshow lần này?
Đó là tình yêu. Tôi đã yêu người và tôi yêu cái đẹp.
Ông có đặt ra yêu cầu đặc biệt nào đối với liveshow của mình?
Có chứ. Tất cả mọi dòng sông đều chảy. Êm đêm, réo rắt, rú gào để đến với biển cả mênh mông khát vọng.
Có ca sĩ nào trong liveshow mà ông phải mời bằng được để thể hiện ca khúc của mình?
Những ca sĩ tôi thích mời “bằng được” thì đều xuất hiện trong liveshow này như Anh Thơ, Trọng Tấn, Phạm Phương Thảo, Lê Anh Dũng, Phương Anh,... Tôi chỉ tiếc là Tùng Dương bận đi lưu diễn xa khi liveshow của tôi diễn ra. Tùng Dương cũng nhắn tin cho tôi là “Cháu tiếc quá”.
Trong thơ của của ông luôn có nhiều bóng hồng, nhưng trong âm nhạc dường như ít hơn hẳn. Tại sao lại như vậy?
Với âm nhạc, tôi thường sáng tác ngẫu hứng trên thơ người khác. Tôi yêu thơ họ. Còn thơ họ yêu ai, tôi làm sao biết được. Điều này hoàn toàn khác với lúc tôi làm thơ. Cho dù nhiều lúc, nhân vật “em” trong thơ tình của tôi cũng chỉ là một nhân vật tượng trưng, nhưng tôi đã gửi tình yêu của tôi vào đó. Quan trọng hơn cả là mỗi người sẽ nhận ra một chút mình trong đó. Lý luận văn học gọi đó là nhân vật điển hình, khái quát… còn tôi thì chỉ biết là mình đang nói đúng lòng mình. Tôi cũng đã từng viết riêng một tập thơ tình cho một người, đó là tập thơ “Em đàn bà”.
Và phần lớn những bài hát của ông đều phổ nhạc dựa trên thơ. Có phải vì là nhà thơ nên âm nhạc cũng phải gắn liền với thơ không, thưa nhạc sĩ?
Những ca khúc của nhạc sĩ Phú Quang, chủ yếu là phổ thơ. Ca khúc kinh điển châu Âu cũng chủ yếu là phổ thơ. Vậy tôi làm ca khúc phổ thơ cũng là chuyện bình thường. Có khác chăng, tôi vừa là nhà thơ, vừa là nhạc sĩ nên người ta hay nghĩ: sao nhà thơ lại không làm được lời ca mà phải mượn thơ người khác. Thú thực có nhiều bài hát của tôi là tôi tự làm lời, như “Đôi mắt đò ngang”, “Chèo thuyền trên sông Bùng”, “Nghe biển ru đêm”, “Tình ca hoa cúc biển”, “Tình ca hạt giống vàng…
Không muốn thất tình thì đừng yêu
Những bài hát của ông đa số về quê hương đất nước, phải chăng chủ đề này dễ tạo hứng cho ông hơn là tình yêu?
Chủ đề không phải là vấn đề dễ hay khó trong sáng tác. Mà cái quan trọng, tôi thấy đời âm nhạc của tôi là một dòng sông. Dòng sông quê hương, dòng sông đời người. Và âm nhạc của tôi luôn soi bóng tuổi thơ và những khát vọng của làng quê…
Nhưng có bao giờ ông nghĩ, nếu Nguyễn Trọng Tạo viết nhạc về tình yêu thì sẽ khiến nhiều trái tim thổn thức hơn?
Thực ra tôi chưa bao giờ nghĩ thế. Cái gì hay là hay. Trên đời này làm người ta thổn thức đâu chỉ chuyện tình yêu trai gái. Một bài hát hay về mẹ hay về cha đều găm xoáy vào trái tim ta. Một dòng sông quê xinh đẹp cũng mãi mãi cuộn sóng trong lòng người.
Ông nhiều “bóng hồng” trong thơ như thế, còn ngoài đời thực thì thế nào?
Văn học giàu tưởng tượng. Nếu không giàu tưởng tượng thì đừng làm nhà văn, đặc biệt là nhà thơ. Văn học thường hư cấu (bịa đặt). Nếu không biết hư cấu, bịa đặt thì chỉ nên đi làm nhà báo. Bóng hồng nhiều trong thơ, còn bóng hồng đời thực, tôi nói giống như nhà báo nói. Vậy thôi.
Thực ra, với một người nghệ sĩ tài hoa như nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, phụ nữ theo đuổi nhiều không phải là điều khó hiểu. Nhưng đã có bao giờ nhạc sĩ bị… thất tình?
Gái ham tài, trai ham sắc. Các cụ nói bao giờ cũng đúng không nhỉ? Còn thất tình thì ai mà chả một lần, và hơn thế nữa. Đó là vì yêu mà chẳng được yêu. Đó là vì yêu mà bị đá. Đó là vì yêu mà tan vỡ… Muốn không bị thất tình thì tốt nhất, đừng yêu.
Xin cảm ơn nhạc sĩ!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận