Văn hóa - Giải Trí

Nhà thơ Thanh Tùng đã đi hết những ngày đắm say

15/09/2017, 15:13

Nhà thơ Thanh Tùng đã ra đi vĩnh viễn đêm 12/9/2017, ông đã đi trọn những ngày gian khó và đắm say.

24

Nhà thơ Thanh Tùng, tác giả bài thơ “Thời hoa đỏ”

Những ngày xưa cũ

Theo một người bạn chí thân của cố nhà thơ Thanh Tùng - nhà thơ Thi Hoàng thì mọi kỉ niệm đều gắn liền với một thời nghèo khổ: “Hoàn cảnh khi ấy và thực chất cả đời anh ấy triền miên trong sự khó khăn vật chất”. Thanh Tùng tên thật là Doãn Tùng, con của một trí thức tiểu tư sản là Doãn An. Gia đình sa sút dần. Thành ra, dù xuất thân không phải dân lao động, nhưng anh thanh niên Doãn Tùng cũng phải lao vào làm việc tay chân, từ khuân vác tại bến cảng, đến làm thợ đóng tàu ở Xí nghiệp cơ khí Mồng 6 tháng Giêng.

Sau thành nhà thơ vẫn bị cực nhọc đeo bám, chứ không hề được thanh thản gì cho cam. Bộ dạng của Doãn Tùng thời ấy trong mắt anh em thường là kiểu tuềnh toàng với bộ quần áo lao động dính đầy dầu máy đặc trưng.

Cũng theo nhà thơ Thi Hoàng lý giải, bút danh Thanh Tùng có điểm éo le. Dưới Doãn Tùng có một người em tên Doãn Thanh. Thời trẻ, cậu này có chất nghệ sĩ còn hơn ông anh. Thanh đi học đại học Tổng hợp ngoài Hà Nội, theo Văn khoa, làm thơ câu cú cũng ghê gớm kiểu: “Ta nhai thời gian như nhai vỏ đồng hồ”.

Chỉ là không biết vì mất mát điều gì mà mắc chứng bệnh thần kinh. Cứ nổi xung lên là đánh hàng xóm, người qua đường. Doãn Tùng lại phải thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với em để can, vừa đánh vừa xót. “Năm 1966, Hải Phòng bị chiến tranh phá hoại dữ dội. Một lần còi báo động kêu lớn quá, Thanh bỏ nhà ra đi từ đó tới giờ mất tăm. Nhớ em, Doãn Tùng sau này làm thơ ghép chữ Thanh vào tên. Bút danh Thanh Tùng ra đời từ đó”, nhà thơ Thi Hoàng xác nhận.

Đời sống kham khổ lại tạo nên một đặc trưng, đó là thân phận văn sĩ công nhân của Thanh Tùng. Thời trước, Chi hội Văn học nghệ thuật Hải Phòng đề cao tiếng nói giai cấp Công - Nông - Binh. Như vậy là Thanh Tùng cùng kết giao với một nhóm những người công nhân làm thơ khác như: Đào Cảng, Trần Lưu, Lê Điệp. Sau đó, kết hợp thêm với nhiều thành phần đa dạng, từ Thi Hoàng là cán bộ kỹ thuật ở Sở GTVT, tới nhà thơ Hoàng Hưng là giáo viên cấp 3. Tổ hợp này cứ cuối tuần lại gặp gỡ nhau ở căn nhà cuối phố Cát Dài, quận Lê Chân. “Gọi là họp hội thơ, thực chất cũng giản dị theo kiểu anh nào có thơ là hùng hục đem tới đọc cho bạn bè”, nhà thơ Thi Hoàng hóm hỉnh nhắc lại.

Tình đầu thời hoa đỏ

Bài thơ Thời hoa đỏ được coi như điếu văn cho mối tình đầu với người phụ nữ tên Thanh Nhàn, điều ai yêu văn thơ cũng biết. Nhưng theo nhà thơ Thi Hoàng, giai thoại đằng sau còn đặc biệt hơn.

Độ năm 1967, Thanh Tùng xấp xỉ đầu ba nhưng vẫn chưa có vợ. Một lần lên chơi Hà Nội cùng nhà thơ Vân Long, cả hai ghé thăm cụ Xuân Diệu. Cụ đọc nửa cuốn sổ chép thơ của Thanh Tùng, rồi biết tác giả chưa lập gia đình thì phán thẳng một câu: “Thế thì về lấy vợ đi”. Mãi đến giờ, cả anh Thanh Tùng lẫn bạn bè nghe kể không ai hiểu ý vị tiền bối ấy.

Là vì thơ Tùng khô quá, thiếu tình cảm nên phải có vợ như kiểu dầu máy bôi trơn? Hay vì cụ Xuân Diệu ghét cảnh bị dí thơ vô danh vào mũi nên đáp bừa đuổi khách? Riêng, Thanh Tùng phản ứng đúng như con người anh: Đơn giản, gọn gàng là… lấy vợ trong năm ấy.

Nhà thơ Thi Hoàng cũng nhấn mạnh: “Hai người họ đến với nhau chớp nhoáng không ai ngờ. Bà Thanh Nhàn ở tận Vĩnh Bảo, Thanh Tùng ở thành phố. Được nghỉ dịp nào là anh chạy bộ hơn 20km về thăm người tình, chỉ để hỏi han vài câu. Chẳng lấy đâu ra xe đạp để mà thơ mộng tìm nhau. Thời ấy, xe đạp là tài sản ghê gớm, bao nhiêu năm làm cán bộ viên chức mới được phân cho phiếu mua xe. Đi hàng chục cây số để gặp gỡ, tìm hiểu nhau là thứ động lực không ai hiểu nổi”.

Bà Thanh Nhàn là người đặc biệt. Từng qua hai đời chồng, có ba người con, nhưng tính cách rất lạ kỳ. Mềm mỏng, nhẹ nhàng, tính ra còn có khí chất thanh cảnh hơn cả ông chồng nhà thơ. Và bản thân bà cũng yêu thơ và có làm thơ. Vợ chồng cãi nhau trong bữa ăn vì thơ là chuyện thường tình. Một đằng là phụ nữ, thích câu trên vần với câu dưới cho nó điệu đà. Một đằng thích tự do, thơ biểu ý là đủ. Tranh luận nhiều mà cũng có bài 2 vợ chồng cùng làm. Anh em thân thiết có một tồn nghi rằng, có thể trong nhiều bài thơ hiện giờ của Tùng là có thơ của Nhàn trong đó.

Mối tình sau đó tan vỡ vì nhiều lý do. Bà Thanh Nhàn là người có hương sắc, lắm đàn ông ve vãn. Thậm chí, có cả một tay viết văn cũng nhảy xổ vào, đôi bên tâm trạng bị dồn nén vào góc nọ góc kia, gặp nhau thì vặn xoắn lại.

Có người bảo Thanh Tùng đánh vợ vũ phu nên bị vợ bỏ, nhưng điều này là khó xảy ra. “Bản chất của Thanh Tùng là người thật thà, chân chất. Cô vợ Thanh Nhàn lại từ tốn, dịu dàng, làm sao có điều kiện để xuất hiện tâm lý, hành động bạo lực”, nhà thơ Thi Hoàng phân tích. Sau này, bà Thanh Nhàn bỏ về Quảng Ninh với con chồng trước, mở quán nước sống heo hắt bên vách núi. Lúc mất vì trụy tim năm 1972, Thanh Tùng không về kịp do đang dự Đại hội Hội Nhà văn khóa IV, một lần cuối nhìn mặt cũng không được.

Nhà thơ Thi Hoàng chỉ ra rằng: “Bài thơ Thời hoa đỏ vì thế là một thứ dồn tụ trong lòng Thanh Tùng chứ không phải bình thường. Nó đại diện cho một tình yêu lên đến đỉnh cao nhất, rồi tụt xuống đáy thấp nhất. Khoảnh khắc chạm đáy, tức là thất tình cùng cực thì mới ra thơ”. Nhà thơ Thanh Tùng là người làm thơ rất bản năng. Trong đầu không có chút lý thuyết nào làm cọc tiêu dẫn lối, câu chữ cứ thế bật ra một cách xuất thần. Và bản năng sâu thẳm nhất trong ông khi nhìn lại mối tình đầu là sự tiếc nuối chứ không hề oán giận.

Có lẽ vì vậy, mà giữa những câu chữ tả sắc hoa phượng rực lửa như máu, sâu lắng, ám ảnh nhất của Thời hoa đỏ vẫn là đôi câu: “Anh đâu buồn mà chỉ tiếc/Em không đi hết những ngày đắm say”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.