Theo thông tin từ gia đình, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã ra đi nhẹ nhàng vào ngày 24/7. Ông hưởng thọ 87 tuổi.
Gia đình nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sẽ tổ chức lễ tưởng niệm cho ông và vợ là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ (qua đời ngày 6/7) tại Huế vào lúc 14h ngày 30/7 đến hết ngày 31/7 tại Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế, thành phố Huế.
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh năm 1937, quê gốc làng Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, Quảng Trị.
Ông tốt nghiệp ban Việt Hán trường Đại học Sư phạm Sài Gòn, tốt nghiệp cử nhân triết học Đại học Văn khoa Huế.
Từ năm 1966 Hoàng Phủ Ngọc Tường tham gia hoạt động cách mạng trên mặt trận văn nghệ. Ông từng là Tổng thư ký, chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên cũ, tổng biên tập Tạp chí Cửa Việt. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1978.
Hoàng Phủ Ngọc Tường là tác giả của rất nhiều tác phẩm văn học ở nhiều thể loại khác nhau như bút ký, thơ được bạn đọc đón nhận như: "Rất nhiều ánh lửa" (giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1980-1981), "Ngọn núi ảo ảnh", "Rượu hồng đào chưa uống đã say", "Miền cỏ thơm" (tặng thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam (1999, 2002, 2007).
Trong đó, "Ai đã đặt tên cho dòng sông" là tập bút ký nổi tiếng nhất của Hoàng Phủ Ngọc Tường viết đúng vào lúc Huế đang tiết cốc vũ, tháng 1/1981.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã ra đi sau thời gian dài lâm bạo bệnh
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá như: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 1980; Tặng thưởng Văn học Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, 1999, 2008; Giải A giải thưởng Văn học nghệ thuật Cố đô (1998 - 2003); Giải thưởng nhà nước về Văn học nghệ thuật, 2007.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận