Xã hội

Nhà văn Kim Lân về Làng

03/08/2017, 09:45

Nhà lưu niệm Kim Lân vừa được khánh thành trên chính quê hương nhà văn.

20

Trước cửa nhà lưu niệm Kim Lân có treo hai chữ “Vô cầu” - như chính tính cách của nhà văn là không bao giờ cầu cạnh điều gì

Đón người con ưu tú trở về Làng

Nhà lưu niệm nằm trên mảnh đất khoảng 40m2 trong Khu di tích Văn Chỉ, Hiền Hương Từ của làng Phù Lưu, quê hương của cố nhà văn Kim Lân và là địa danh đã được ông dành riêng để viết nên Làng, một tác phẩm văn học nổi tiếng đã đi vào lòng biết bao thế hệ học sinh trên ghế nhà trường và những độc giả yêu mến văn chương nhiều năm qua.

Căn nhà nhỏ được thiết kế theo phong cách nhà cổ truyền thống của vùng quê Bắc bộ. Con trai nhà văn Kim Lân là họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức đã cất công tìm mua lại các cột gỗ lim cũ để làm nhà. Nhà lưu niệm được chia thành 3 gian với gian giữa là bàn tiếp khách, hai gian còn lại trưng bày những kỷ vật của cố nhà văn Kim Lân. Toàn bộ kỷ vật này được chuyển từ nhà lưu niệm cũ tại số 35, ngõ 424, đường Trần Khát Chân (Hà Nội) sang. Có khoảng hơn 300 kỷ vật, từ chiếc áo khoác, mũ, tẩu hút thuốc, kính, sách vở, cặp táp, bản thảo… của ông đều được trưng bày và lưu giữ cẩn thận.  

Nhà lưu niệm do 6 người con của nhà văn Kim Lân (trừ họa sĩ Thành Chương -trưởng nam) chung tay xây dựng, sau đó bàn giao lại cho làng quản lý. Bà Nguyễn Thị Thái, Trưởng ban Văn hóa làng Phù Lưu, một trong những người được địa phương giao quản lý nhà lưu niệm cho biết, khu Văn Chỉ được xây dựng để vinh danh những người hiền triết của làng Phù Lưu và đã được tỉnh Bắc Ninh công nhận là Khu di tích cấp tỉnh. Trong quá trình xây dựng khu di tích văn hóa này, các con của nhà văn Kim Lân rất nhiệt tình đóng góp tinh thần và vật chất, hỗ trợ trong việc thiết kế, xây dựng. Bởi vậy, dân làng đã bàn bạc và quyết định dành phần đất còn trống trong khu di tích để các con của cố nhà văn xây dựng nhà lưu niệm. Đưa ông về khu di tích cũng là một cách Làng đón một người con ưu tú trở về.

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, trưởng nữ của nhà văn Kim Lân tâm sự, trước lúc qua đời, bố chị luôn có tâm nguyện muốn về quê. Ông cũng dặn dò con cháu rằng, sau khi ông mất, hãy đưa ông về làng vì ông là nhà văn của những người làng quê nghèo khổ. Bản thân ông cũng chưa từng nghĩ tới nhà lưu niệm mà chỉ muốn về làng để ở cạnh mộ của vợ mình.

Theo bà Thái, mỗi buổi chiều, trẻ con tụ tập chơi trò chơi trong khuôn viên khu di tích văn hóa đều có thể vào nhà lưu niệm để đọc sách, đọc các tác phẩm văn học của nhà văn Kim Lân hoặc tìm hiểu về ông thông qua các kỷ vật. Ngoài ra, trong nhà còn có những cuốn sổ lưu niệm để khách đến tham quan có thể viết suy nghĩ của mình về căn nhà hoặc về nhà văn...

21

Cố Nhà văn Kim Lân 

Mong muốn được công nhận là Nhà Lưu niệm của hội nhà văn

“Đây là một địa điểm (Khu di tích Văn Chỉ, làng Phù Lưu - PV) quá hợp lý, một vị trí đắc địa vì nằm trong khu di tích văn hóa. Hơn nữa, nó lại mang giá trị khác hẳn với cá nhân làm. Vẫn con cháu bỏ tiền xây dựng nhưng có sự ủng hộ, giúp đỡ của dân làng sẽ mang tính cộng đồng. Khi bố tôi còn sống cũng chỉ ở trong căn nhà 38m2, giờ mảnh đất được giúp đỡ cũng khoảng 40m2. Dường như có sự sắp đặt để bố có thể có căn nhà như vậy. Đây là cái duyên không phải lúc nào cũng có được”, chị Hiền bộc bạch.

Dù vậy, điều gia đình từng mong là Hội Nhà văn Việt Nam sẽ đưa Nhà lưu niệm Kim Lân vào làm một địa điểm tham quan văn hóa của hội. Tuy nhiên, từ khi Nhà lưu niệm Kim Lân ở Hà Nội đi vào hoạt động vào năm 2012, theo anh Nguyễn Tiến Dũng - con trai nhà văn Kim Lân, hội vẫn chưa bao giờ cấp giấy chứng nhận đây là một Nhà lưu niệm của Hội Nhà văn. “Bên hội hứa cấp giấy chứng nhận mà 5-6 năm nay vẫn không thấy đâu”, anh Dũng bức xúc.

Thậm chí, trong ngày khánh thành Nhà lưu niệm Kim Lân tại Bắc Ninh ngày 22/7 vừa qua, bên Hội Nhà văn Việt Nam (cơ quan nhà văn Kim Lân công tác và là một trong những người thành lập nên hội này cùng thời của các nhà văn như: Ngô Tất Tố, Nam Cao, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng…) cũng không có đại diện tham dự, cũng như không gửi một lẵng hoa nào để chúc mừng. Trong khi đó, các văn nghệ sĩ, Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Ninh, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam… đều có đại diện đến chúc mừng. Điều này đã khiến các con của nhà văn Kim Lân cảm thấy không vui.

Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam nói gì?

Hôm qua (2/8), trao đổi với PV Báo Giao thông, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, hôm khánh thành nhà lưu niệm Kim Lân tại làng Phù Lưu, ông chuẩn bị đi thì bị tăng huyết áp đột ngột, không thể đi được. “Lúc đó, gấp quá tôi cũng không kịp chuẩn bị lẵng hoa để gửi đến, những thành viên trong Ban chấp hành đều bận cả. Tôi thừa nhận đây là sai sót của hội. Hội đã lên kế hoạch sắp tới sẽ lập đoàn tới thăm nhà lưu niệm”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho hay.

Về việc cấp giấy chứng nhận cho nhà lưu niệm thành một chi nhánh của Bảo tàng Văn học Việt Nam theo nguyện vọng của gia đình, theo nhà thơ Hữu Thỉnh, đến giờ này hội chưa nhận được một văn bản nào từ phía gia đình đề nghị làm giấy chứng nhận. “Có văn bản đề nghị thì hội sẽ lập tức công nhận ngay, không khó khăn gì cả mà còn vui mừng nữa. Vì khi nhà lưu niệm nằm trong chi nhánh của Bảo tàng Văn học Việt Nam, khách đến thăm sẽ được hướng dẫn, giới thiệu đến thăm nhà lưu niệm”, ông Hữu Thỉnh nói và cho rằng, nếu chị Hiền (con gái nhà văn Kim Lân - PV) có nguyện vọng muốn nhà lưu niệm trở thành bảo tàng tư nhân thì phải làm thủ tục gửi Bộ VH,TT&DL, Hội Nhà văn sẽ đỡ lời. “Chúng tôi đâu hẹp hòi với bác Kim Lân làm gì, vì bác là một trong những người thành lập Hội Nhà văn, công tác ở đây nhiều năm trời”, nhà thơ Hữu Thỉnh nói. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.