Thông tin nhà văn Sơn Tùng qua đời vào tối 22/7 khiến nhiều người bàng hoàng và tiếc thương. Sinh thời, ông là một trong những nhà văn hiếm hoi được phong Anh hùng lao động (2011).
Được biết, lễ viếng nhà văn sẽ diễn ra từ hồi 7h30 - 8h30 ngày 26/7 (tức 17/6 âm lịch) tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Sau đó, linh cữu của ông sẽ được gia đình đưa về miền quê biển làng Kim (xã Diễn Kim, Diễn Châu, Nghệ An), nơi đã sinh và hun đúc nên một hình tượng đẹp trong văn học nghệ thuật nước nhà.
Nhà văn Sơn Tùng (Ảnh: TL)
Luôn nỗ lực và kiên định
Sinh và Tử vốn dĩ là quy luật tự nhiên của đất trời, vũ trụ. Tuy nhiên, sự ra đi của một hình tượng đẹp, một cốt cách văn nhân khiến ai cũng nuối tiếc và lưu luyến.
Theo nhà văn Thiên Sơn (người gọi nhà văn Sơn Tùng là bác) chia sẻ: Trên con đường văn chương của mình, tôi nhớ mãi lời đề tặng của bác trên cuốn sách “Con người con đường”: “Vạn biến lôi phong nhất tâm văn đạo”. Đó là lời dặn dò của bác dành cho tôi trên con đường cầm bút tải đạo.
“Năm tháng qua đi qua, tôi hiểu rằng đường đời gian nan, sự đời biết bao bão tố, nhưng hãy kiên định đi trên con đường sáng tạo chân chính cho đến ngày thành công. Bác Sơn Tùng đã nghĩ vậy và suốt cuộc đời bác đã làm như vậy!", anh chia sẻ.
Nhà văn Thiên Sơn bùi ngùi chia sẻ, nhà văn Sơn Tùng trải qua tuổi thơ không mấy êm đềm. Mới hơn mười tuổi, ông đã mồ côi cha. Trước khi ông cụ mất, gia đình ông nhiều phen vất vả vì bị giặc Pháp truy lùng. Sau ngày cha ông mất, cảnh khó khăn còn nhân lên gấp bội vì mẹ góa con côi, cái buồn, cái nghèo đổ ập xuống.
Nhưng trong những ngày khổ đau, cả làng, cả họ hàng đùm bọc nhau, giúp nhau từng củ sắn, củ khoai vượt qua những ngày đói khổ. Ân tình sâu nặng đó, nhà văn Sơn Tùng vẫn mang theo trong lòng sau bao nhiêu năm.
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho nhà văn Sơn Tùng năm 2011 (Ảnh: VNN)
Anh cũng cho biết, có một câu nói được nhà văn Sơn Tùng nhấn mạnh trong tiểu thuyết “Búp sen xanh”: “Mắt mù không đáng sợ bằng mắt sáng tim mù”. Đây có lẽ đó là thông điệp quan trọng trong đời cầm bút của ông. Có lẽ với nhà văn Sơn Tùng, thiên chức của văn chương là chống lại sự mù lòa của trái tim con người.
“Nói cách khác, văn chương chống lại sự bất nhân, độc ác, lầm lạc, bội phản của con người. Sơn Tùng lặng lẽ làm việc trong nghèo khó, trong cảnh vết thương hành hạ hàng ngày. Như một người leo núi, ông lặng lẽ nhích từng chút, từng chút về cái đích mà ông hướng tới”, anh nhận định.
Với lòng đam mê và sống cả đời với văn chương, sau khi tham gia cách mạng trở về, nhà văn Sơn Tùng dù là thương binh hạng nặng 1/4 nhưng ông vẫn kiên trì theo nghiệp cầm bút. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ngợi ca ông: “Nhà văn chỉ còn ba ngón tay mà vẫn bám được vào đời bằng nghề viết.”
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp nhà văn Sơn Tùng (Ảnh: TL)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng gọi nhà văn Sơn Tùng là "một con người có trí mệnh": “Nghị lực của ông, tâm hồn trong sáng, cương nghị và khát vọng cống hiến của ông mãi là một tấm gương sáng ngời”.
Với những điều ấy, biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cũng dành lời tri ân và ca ngợi nhà văn: “Anh đã sống kiên cường như cây Tùng trên núi thật theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng của từ này. Anh là một nhà văn giản dị, liêm khiết, mạnh mẽ, kiên cường, chính trực trong cuộc sống (dù rất nghèo) nhưng ý chí và nghị lực thì khó ai sánh nổi”.
Đối với bà, ông là một nhà văn đã vượt qua rất nhiều bệnh tật để sống và viết. "Một anh hùng thật sự trong đời thường mà tôi từng chứng kiến".
Cả đời viết về Hồ Chí Minh
Nhà văn Sơn Tùng được biết đến với nhiều tiểu thuyết, văn xuôi viết về các danh nhân cách mạng của Việt Nam như Trần Phú, Nguyễn Hữu Tiến… Nhưng gây ấn tượng nhất là những tác phẩm viết về Hồ Chí Minh với hàng loạt tác phẩm như “Bông sen vàng”, “Trái tim quả đất và truyện ký Bác về”, “Từ làng Sen”, “Cuộc chia ly trên bến nhà Rồng”, “Ánh sáng tâm đăng Hồ Chí Minh”… Trong đó, tác phẩm nổi bật là “Búp sen xanh”. Tác phẩm đã được tái bản hơn 30 lần, dịch ra nhiều thứ tiếng.
Nhà văn Sơn Tùng dành cả đời để viết về Bác Hồ
Ông từng cho biết, mọi tình cảm của mình đều bắt đầu từ sự kính trọng. “Nhưng nếu chỉ kính trọng và có nhiều tư liệu thì vẫn chưa đủ, mà phải thật sự yêu quý một tài năng, một nhân cách”, ông giải thích về hành trình viết ra tác phẩm “Búp sen xanh” của mình. Có thể nói, Sơn Tùng viết về Hồ Chí Minh bằng lòng ngưỡng mộ, say mê và tôn thờ.
Soạn giả Mai Văn Lạng chia sẻ, từ năm lên 10 tuổi, anh đã luôn mê mẩn, ôm tiểu thuyết "Búp sen xanh" đọc cả tuần. Trong mắt anh, những trang văn viết về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc rất nhẹ nhàng, gần gũi và đời thường. Chỉ có nhà văn Sơn Tùng mới viết được những trang viết về Hồ Chủ Tịch mà người đọc thấy được sự vĩ đại trong điều giản dị.
“Nhà văn Sơn Tùng là một thương binh nặng, vậy mà vẫn rất nghị lực, kiên cường, vừa chiến đấu với bệnh tật, vừa viết. Tấm gương lao động của nhà văn cũng tác động tới tôi khá nhiều trong những lúc khó khăn, cam go, thử thách”, anh bày tỏ sự ngầm ngùi trước tin nhà văn Sơn Tùng qua đời.
"Búp sen xanh" là tác phẩm nổi bật viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Theo đánh giá của nhà văn Thiên Sơn, trong việc sáng tác về Hồ Chí Minh, nhà văn Sơn Tùng là một trong những người có công đầu trong việc tạo ra một hệ thống tư liệu gốc về gia đình, quê hương, về tuổi thơ, về những mối quan hệ của Hồ Chí Minh thời trẻ.
"Hệ thống tư liệu ấy cùng ngòi bút khắc tạc nghiêm cẩn và tài tình của ông đã làm sống lại không chỉ hình tượng vĩ nhân mà còn gợi mở thêm những tự liệu quý về những thời khắc lịch sử đầu thế kỷ 20. Trong các trang sách của ông cũng làm sống dậy những tinh hoa văn hóa cổ truyền, những truyền thống tốt đẹp của tổ tiên ta”, nhà văn này nhận định.
Thậm chí, trong những năm tháng bị tai biến nằm một chỗ, ông vẫn một lòng cầm bút. Ông đang thực hiện dở cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh và ấp ủ viết một cuốn nữa về quê hương Nghệ An. Anh Sơn Định - con trai thứ của nhà văn - là người thay cha tập hợp bản thảo từ những tư liệu ông lưu giữ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận