Mái tóc xoăn dài chấm vai, vầng trán cao rộng cùng với gương mặt có phần "hầm hố" của nhà văn Văn Giá, khiến nhiều người liên tưởng đến nhân vật Sa Tăng trong bộ phim "Tây du ký" của đạo diễn Dương Khiết.
Nhìn vậy song ít ai ngờ rằng, người đàn ông xù xì, trầm lắng ấy lại có những trang viết rất tình về phụ nữ. Ông nói, hình ảnh phụ nữ đi vào trong trang viết của mình như một lẽ tự nhiên, không khiên cưỡng hay xuất phát từ chủ đích cá nhân.
Nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình - Văn Giá
Thấp thoáng dáng mẹ
Có bao nhiêu phần trăm người phụ nữ là nguyên mẫu trong tác phẩm của ông, thưa nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình - Văn Giá?
Phụ nữ phần lớn là nhân vật chính trong các tác phẩm của tôi. Hình ảnh về người phụ nữ đi vào trang viết của tôi một cách rất tự nhiên. Điều đó xuất phát từ những ám ảnh của tôi về phụ nữ - những người tôi luôn yêu thương, chịu ơn.
Họ phần lớn là những người buồn khổ, chịu thương, chịu khó, hy sinh, nhẫn lại... và chịu thiệt thòi.
Những người phụ nữ ấy, có bao giờ là mẹ, là vợ của ông?
Nhiều tác phẩm, tôi có lấy từ hình ảnh của người mẹ sinh ra mình. Tiêu biểu có truyện "Làm u". Truyện viết về một người đàn bà đông con, khi bị những kẻ xấu rắp tâm làm hại, người mẹ như một con gà mẹ xù lông chống trả quyết liệt lũ quạ, diều hâu để bảo vệ tổ ấm của mình.
Ngoài ra cũng thấp thoáng đây đó những hình ảnh của người mẹ trong các truyện ngắn khác như: "Bến Mom", "Đêm ở làng", "Hạt gạo" viết về người mẹ tần tảo sớm hôm nuôi con khôn lớn.
Ở quê tôi Bắc Giang, ngày xưa mẹ thường được gọi là "u". Mẹ tôi là người nông dân thuần túy, cả đời bà sống thầm lặng, nhẫn lại hy sinh vì chồng, con. Gia đình tôi ngày xưa rất nghèo khổ, đông con cháu.
Hồi nhỏ tôi cũng khá bướng bỉnh, mải chơi, nếu không có mẹ thì chắc chắn sẽ không được học hành đến nơi đến chốn. Đến những năm 80 của thế kỷ trước, lúc đó tôi đang học đại học, thấy mẹ ở nhà khổ quá, không giúp gì được, cảm giác thấy mình có lỗi, còn định bỏ học.
Mẹ là người hiểu tôi hơn ai hết, bà có nói một câu khiến tôi nhớ mãi: “Con phải đi học tiếp. Nếu bố mày không nuôi được chúng mày ăn học thì u sẽ nuôi. Dù u có chết đói cũng sẽ nuôi được chúng mày. Không được bỏ con nhé!”. Tôi thút thít bảo con thấy u khổ quá… Nói rồi, ba mẹ con ôm nhau khóc.
Thậm chí, đến khi ra trường, tôi cũng chưa giúp gì được cho mẹ. Mãi sau này, sau khi lập gia đình, cuộc sống khá hơn, tôi cũng cố gắng báo hiếu, làm mẹ vui. Nhưng rồi cũng chẳng được bao nhiêu năm mà cụ cũng đi xa.
Mẹ đã tác động đến lối sống và nhân sinh quan của tôi quá nhiều. Trong lúc họ buồn khổ, tuyệt vọng luôn có mẹ nâng đỡ. Mẹ dạy tôi cách sống có đạo đức và giàu tình thương yêu.
Hình ảnh người mẹ tảo tần được nhà văn Văn Giá chia sẻ
Còn vợ tôi thì quá hay rồi (cười). Hình ảnh của cô ấy trái ngược hoàn toàn với hình ảnh những người vợ chua ngoa, đanh đá trong các tác phẩm của tôi.
Bà xã tôi là giáo viên. Cô ấy rất thấu hiểu chia sẻ, ủng hộ công việc của tôi, bỏ qua nhiều khiếm khuyết, thậm chí thói tật của một nhà văn. Tôi thì bạn bè nhiều, đi chơi nhiều, ăn nhậu nhiều, giờ giấc viết lách cũng không ngăn nắp, việc nhà không được chu đáo. Nhiều khi cô ấy cũng không thèm chấp (cười lớn).
Đặc biệt, trong vai trò nuôi dạy, định hướng các con nên người, vai trò của bà xã tôi cũng như rất nhiều người mẹ, người vợ vô cùng quan trọng.
Người ta nói một câu muôn thuở: "Đằng sau một người đàn ông thành công luôn có bóng dáng người phụ nữ", quả không sai!
Phụ nữ đẹp không chỉ ở vẻ bề ngoài
Ông thường nhận được những chia sẻ như thế nào từ những người phụ nữ từng là độc giả của mình?
Bà xã tôi luôn là bạn đọc đầu tiên các tác phẩm của tôi. Nhiều truyện bà xã góp ý rất xuất sắc, buộc tôi phải sửa lại.
Vợ tôi thường đùa rằng: “Không thấy hình ảnh người vợ nào trong các tác phẩm của anh tử tế, nhân hậu cả. Toàn thấy đáo để, đanh đá, ghê gớm. Hóa ra toàn là đổ tiếng xấu cho vợ” (cười).
Đứng trước một tác phẩm hay và một người phụ nữ đẹp, ông thường có xu hướng chọn gì?
Ôi, chọn cả hai chứ! Đây là một khao khát chính đáng, là sự hướng tới một cái đẹp tròn đầy. Tất nhiên, để đạt được thì phải cố gắng.
Một tác phẩm hay, một người phụ nữ đẹp không chỉ ở vẻ bề ngoài mà cái đẹp còn ở phẩm chất, con người họ.
Phụ nữ hôm nay không chỉ công dung ngôn hạnh, họ thông minh. Thông minh để thấy mình không khờ khạo, lạc hậu giữa đời sống. Thông minh để không chỉ sống cho mình, cho gia đình mà còn sống hướng thiện, sống vì cộng đồng.
Phụ nữ dần được tôn trọng, nhưng vẫn ở thế yếu
Đúng là phụ nữ ngày nay đã khác, nhưng đâu đó họ vẫn chưa thật sự bước ra khỏi những nhẫn nhịn, chịu đựng và thế yếu, những vụ bạo lực gia đình với phụ nữ vẫn diễn ra mỗi ngày đấy thôi, thưa nhà văn?
Phụ nữ phần nhiều đúng là nạn nhân của bạo lực gia đình. Họ bị trấn áp, tổn thương và đôi khi không có cơ hội được thanh minh, gìn giữ, bảo toàn thân thể, danh dự và nhân phẩm.
Tuy nhiên, tình trạng một số phụ nữ quay ngược trở lại bạo hành đàn ông cũng đã xuất hiện không phải là hiếm. Vì thế, câu chuyện bình đẳng không có nghĩa phần lỗi hoàn toàn thuộc về nam giới.
Tôi đồng ý rằng, hiện nay, phụ nữ đang dần được tôn trọng hơn. Nhưng chúng ta xuất phát điểm là xã hội dưới chế độ phụ quyền. Phụ nữ hiện đại thành đạt, thậm chí trở thành các nhà lãnh đạo, nhưng vẫn chưa nhiều, họ vẫn phải chịu yếu thế.
Họ yếu thế từ cái nhìn, quan niệm đến cách được đối xử. Họ bị coi sinh ra để phục tùng, để tôn vinh đàn ông.
Phải chăng, đó là lý do, ở nước ta, một năm có 2 ngày phụ nữ được tôn vinh đó là Quốc tế Phụ nữ (8/3) và kỷ niệm thành lập Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam (20/10). Nhưng, dường như đây mới dừng lại như một sự đặc ân của xã hội dành cho nữ giới?
Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 bắt đầu từ phong trào nữ công nhân nước Mỹ vào cuối thế kỷ 19, sau này được du nhập và ảnh hưởng vào Việt Nam.
Điều này quá tốt, thậm chí tôn vinh người phụ nữ thêm vài ngày nữa cũng chưa đủ. Những người phụ nữ sinh con đẻ cái đã là công cuộc vĩ đại của tạo hóa, họ đã rất vất vả rồi. Bên cạnh đó, họ còn phải đảm nhiệm nhiều công việc khác.
Những ngày này là dịp đàn ông thể hiện ý thích, trách nhiệm, sự tôn trọng, thậm chí là sự biết ơn với những người phụ nữ xung quanh mình. Gần nhất là bà, mẹ, dì, vợ, chị, em... trong gia đình, rộng ra là những người phụ nữ là đồng nghiệp, đối tác, bạn bè...
Tuy nhiên, nếu chỉ chạy theo phong trào một cách sáo rỗng, hay chỉ dừng lại ở những món quà, bó hoa như một sự cầu cạnh, khiên cưỡng thì điều đó, cùng như những ngày kỷ niệm sẽ không nghĩa lý gì với sự hy sinh của phụ nữ.
Điều quan trọng nhất là phải có một ý thức thường trực, một quan niệm đúng đắn với người phụ nữ. Đó là cái nhìn bình đẳng, sự trân trọng, yêu thương họ.
Xin cảm ơn ông về những chia sẻ!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận