Nhà văn Việt Nam nói gì về giải Nobel Văn học 2017 |
Đêm 5/10, Viện hàn lâm khoa học Hoàng gia Thuỵ Điển đã chính thức gọi tên nhà văn Anh gốc Nhật Kazuo Ishiguro là chủ nhân giải Nobel Văn học 2017.
Giải thưởng tạo ra làn sóng bất ngờ, khi thêm một lần nữa tác gia Murakami Haruki trượt giải dù được đánh giá cao.
Một số nhà văn Việt Nam đã bày tỏ quan điểm về kết quả này.
Nhà phê bình, dịch giả Phạm Xuân Nguyên |
Theo nhà phê bình, dịch giả Phạm Xuân Nguyên giải Nobel năm nay vừa hợp lý vừa bất ngờ. "Điểm đầu tiên là sau một năm 2017 sững sờ với giải trao cho nhạc sĩ Bob Dylan, năm nay Nobel đã quay trở lại quỹ đạo thông thường khi gọi tên một nhà văn.
Kazuo Ishiguro là nhà văn xuất sắc, có tên tuổi trong nền văn học hiện tại, từng đạt giải thưởng danh giá Booker. Văn chương của Ishiguro bằng cách đào sâu, vật lộn với quá khứ đã đề cập tới những vấn đề quan trọng của con người hiện tại.
Rời xa quê hương từ năm 5 tuổi, ông vẫn dựng lên được hình ảnh thành phố quê hương (Nagasaki) và quá khứ dân tộc trong chiến tranh".
Dù vậy, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cũng đánh giá cao yếu tố bất ngờ ở Nobel năm nay, khi nhà văn Haruki Murakami tiếp tục trượt giải dù vẫn nhận được sự kì vọng lớn lao từ độc giả.
PGS.TS Văn Giá |
Lý giải về điều này, PGS.TS Văn Giá, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa Hà Nội cho rằng: " Bản thân Murakami đã công khai nói rằng mình chịu ảnh hưởng của lối viết phương Tây. Thực tế, bạn đọc cũng có thể thấy chất liệu phương Tây rất rõ trong văn của Murakami. Trong khi đó, giải Nobel lại đề cao tính độc đáo dân tộc. Tài năng mấy mà không nói lên được sự độc đáo dân tộc thì rất khó. Những tác giả đoạt giải như Garcia Marquez, Cao Hành Kiện, Mạc Ngôn... thể hiện tính dân tộc rất rõ. Murakami là một tài năng lớn đấy, nhưng tính dân tộc thì chưa nhiều".
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều |
Bên cạnh đó, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam lại nhìn nhận rằng: "Cách đây rất lâu, chúng ta có một tác giả là Milan Kundera rất xuất sắc, tưởng chừng đoạt giải đến nơi những vẫn không thành. Việc trao giải thuộc về hội đồng Nobel, chính kiến của họ rất ghê gớm và dư luận chưa chắc đã áp đặt được. Vậy nên tôi cho rằng kết quả này là bình thường.
Thậm chí, tôi nghi ngờ rằng Murakami rồi sẽ vẫn tiếp tục như vậy. Bởi hình như giải Nobel có cách nhìn khác chăng. Như năm trước, họ trao cho một nhạc sĩ là Bob Dylan chẳng hạn. Có thể họ tìm kiếm một thứ văn chương bình dị, lặng lẽ nhưng có thể tạo ra sự thay đổi điều gì đó rất lớn bên trong".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận