Xã hội

Nhà vệ sinh công cộng xuống cấp thành nơi... chứa đồ, nuôi gà

09/04/2020, 07:02

Hàng loạt nhà vệ sinh công cộng “tiêu chuẩn châu Âu” đã xuống cấp nghiêm trọng sau thời gian ngắn được bàn giao.

img
Nhà vệ sinh công cộng “cửa đóng, then cài” người dân không sử dụng được gần Nhà hàng Long Vỹ, đường Đào Duy Anh (quận Đống Đa, Hà Nội)

Sau gần 4 năm triển khai, dự án đổi quảng cáo lấy 1.000 nhà vệ sinh công cộng (VSCC) do Công ty CP Thương mại và Truyền thông Vinasing làm chủ đầu tư chỉ bàn giao được 79 nhà. Đáng nói, chỉ sau khi được bàn giao chưa lâu, các nhà vệ sinh “tiêu chuẩn châu Âu” này đều nhanh chóng xuống cấp.

Đồng loạt xuống cấp, có nơi được tận dụng để… nuôi gà

Sáng 6/4, ghi nhận của PV Báo Giao thông, nhà vệ sinh công cộng trước cổng Công viên Thống Nhất khá nhếch nhác, được tập kết đủ thứ, từ thực phẩm, bếp núc đến đồ dùng bán hàng nước của nhân viên trông coi. Bên trong nhà vệ sinh được công nhân thuộc Chi nhánh Cầu Diễn, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội dọn dẹp tương đối sạch sẽ, song quá trình sử dụng thử, PV phát hiện vòi nước tại một buồng vệ sinh không thể sử dụng, núm vặn bị rơi hẳn ra ngoài.

Bà Nguyễn Thị G., nhân viên trông giữ nhà vệ sinh (thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội, chi nhánh Cầu Diễn - URENCO 7) cho biết, nhà vệ sinh này được bàn giao cuối năm 2016. Đến nay, cửa bị rơi bi bánh xe, bóng điện bị cháy, vòi nước thường xuyên tắc nghẽn, chữ “nhà vệ sinh công cộng” bị bong hết ra, công ty thường xuyên phải sửa chữa. “Vậy mà, ban đầu nhiều người quảng cáo là nhà vệ sinh chuẩn quốc tế này được bảo hành 50 năm”, bà G. nói.

Tại khuôn viên cạnh tòa nhà Bắc Á Bank trên đường Đào Duy Anh (quận Đống Đa, Hà Nội), PV chứng kiến hình ảnh nhà vệ sinh tại đây xuống cấp nghiêm trọng, nền móng, gạch lát phía ngoài cửa bị bật tung. Trong khi đó, nóc buồng vệ sinh phía trong xuất hiện tình trạng cong vênh, thiếu thẩm mỹ.

Tại khu vực này, người được giao trông coi không chỉ bày bán hàng nước tận dụng thời gian ca trực để tăng thêm thu nhập mà còn vô tư làm chuồng nuôi gà sát vách khiến không gian nhà VSCC nồng nặc mùi hôi thối và mất vệ sinh, bởi chất thải từ khu vực chuồng gà.

Cách đó không xa, một nhà VSCC “thương hiệu Vinashing” khác trong khuôn viên gần Nhà hàng Long Vỹ, đường Đào Duy Anh cũng tồn tại khá nhiều “lỗi” kỹ thuật khiến một buồng vệ sinh nam không thể vận hành do hỏng khóa và chốt cửa. Phía nóc của nhà VSCC nữ còn bị thấm nước mỗi khi trời mưa.

Nhân viên trông coi tên Hảo cho biết, trước khi bị “tê liệt” hoàn toàn, buồng vệ sinh nam đã một lần hỏng chốt chính. Sau đó, nhân viên của Vinashing đến thay thế bằng khóa cài then phía ngoài, buộc dây phía trong (mỗi khi có người vào). “Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian ngắn, khóa thay thế cũng gặp trục trặc, người dân lo ngại trước sự chắp vá không đảm bảo an ninh, an toàn nên không ai muốn sử dụng”, người này nói.

Chất lượng không như cam kết

img
Nhà vệ sinh công cộng trên đường Đào Duy Anh xuống cấp nghiêm trọng với nền móng, gạch lát phía ngoài cửa bị bật tung

Tìm hiểu của PV, tháng 8/2016, trước đề xuất của Công ty CP Thương mại và Truyền thông Vinasing, UBND TP Hà Nội đồng ý để công ty này tài trợ hệ thống 1.000 nhà VSCC, 10 xe bồn chuyên dụng, 50 cây lọc nước công cộng uống trực tiếp, 200 ghế gang đúc phục vụ công ích cho thành phố. Đổi lại, Vinasing được khai thác quảng cáo trong phạm vi cho phép, theo đúng các quy định của pháp luật trên các cầu vượt bộ hành và cầu vượt cơ giới trong thời gian 10 năm, đồng thời, chịu trách nhiệm duy tu, duy trì các cầu vượt theo quy định.

Theo cam kết của công ty này, nhà VSCC được xây dựng chuẩn châu Âu, có độ bền 50 năm, kinh phí khoảng 150-200 triệu đồng/nhà vệ sinh. Tuy nhiên, đến nay sau gần 4 năm, mới có 79 nhà vệ sinh được bàn giao.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội, chi nhánh Cầu Diễn - URENCO 7 (đơn vị tiếp nhận toàn bộ nhà vệ sinh của Vinasing đánh giá, 79 nhà vệ sinh bàn giao thiết bị quá kém không như cam kết ban đầu. Khi chủ đầu tư bàn giao còn nhiều lỗi kỹ thuật như: Không bơm được nước, thiết bị rò rỉ, công tắc điện, hệ thống dẫn nước thải có trục trặc.

“Chúng tôi yêu cầu công ty này bàn giao hồ sơ kỹ thuật để sửa chữa nhưng họ không cung cấp. Còn hệ thống điện nước không có hồ sơ nên không dám sửa chữa. Toàn bộ lỗi, chúng thông tin hàng tuần, tháng đến Vinasing, tuy nhiên không được sửa chữa khắc phục kịp thời”, ông Hoàng Anh nói và thông tin, do nhà vệ sinh bàn giao chất lượng kém nên để duy trì, công ty phải bỏ kinh phí 300 triệu đồng/năm để sửa chữa.

Liên quan việc quản lý, kiểm soát nhân viên, ông Hoàng Anh cho biết: “Chúng tôi nghiêm cấm bán hàng quán cách khu vực nhà vệ sinh 5m. Việc nhân viên tận dụng để mở quán nước sát nhà vệ sinh là không đúng. Chúng tôi sẽ yêu cầu báo cáo, xử lý ngay nếu vi phạm”.

Trao đổi với PV, PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Thủy, Giảng viên Trường Đại học GTVT cho rằng, đề xuất đổi quảng cáo lấy nhà VSCC thời điểm năm 2016 được đánh giá cao, bởi chủ đầu tư cam kết xây nhà vệ sinh hiện đại, chuẩn châu Âu. “Khi đó, người dân đều kỳ vọng sẽ mang lại diện mạo mới cho Thủ đô, tránh được tình trạng phóng uế bừa bãi. Tuy nhiên sau vài năm, các nhà vệ sinh này đã xuống cấp, nhếch nhác, làm người dân mất niềm tin”.

Hà Nội vẫn chưa cho Vinasing khai thác quảng cáo

Trao đổi với PV, đại diện của Vinasing cho biết, UBND TP Hà Nội cam kết nếu Vinasing đầu tư 1.000 nhà vệ sinh xã hội hóa sẽ cho phép chủ đầu tư lắp biển quảng cáo trên 48 cầu vượt. “Thế nhưng, đến giờ TP Hà Nội vẫn chưa có quyết định được khai thác quảng cáo nên chủ đầu tư không có gì để bù đắp. Nếu Hà Nội ký quyết định cho phép khai thác quảng cáo trên 48 cầu vượt, chúng tôi khẳng định sẽ hoàn thiện 1.000 nhà vệ sinh cùng 10 xe bồn, 50 cây lọc nước và 200 ghế đúc gang để đưa vào sử dụng”, vị này nói và cho biết, quá trình lắp đặt nhà vệ sinh cũng gặp trở ngại, bởi tại nhiều địa điểm, người dân không cho thi công lắp đặt do lo ngại ô nhiễm môi trường.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.