Hậu trường sao

Nhà vô địch boxing châu Á ở trọ, đi xe cà tàng

26/03/2022, 06:30

Dù vừa giành ngôi vô địch quyền Anh chuyên nghiệp châu Á (WBA châu Á) nhưng ít người biết Lê Hữu Toàn vẫn ở phòng trọ và đi chiếc xe máy cà tàng

“Nhà cũng chỉ để ngủ, xe cũng chỉ để đi!”

Cuối tuần trước, làng boxing rộn ràng với việc võ sĩ Lê Hữu Toàn đánh bại đối thủ Thái Lan Kitidech Hirunsuk để giành ngôi vô địch WBA châu Á, hạng cân dưới 48kg. Anh trở thành tay đấm Việt Nam thứ ba đạt thành tích này sau Trần Văn Thảo và Trương Đình Hoàng, nhưng lại là người đầu tiên đoạt vinh quang ở hạng cân dưới 48kg.

img

Lê Hữu Toàn ăn mừng chức vô địch WBA châu Á. Ảnh: Nam Trung

Thực tế, tên tuổi của anh không được biết tới quá nhiều trước trận thắng tối 20/3. Bởi vậy, vài ngày qua, thông tin về chàng võ sĩ sinh năm 1993 được tìm kiếm khá nhiều.

Dù từng giành 2 chức vô địch quốc gia liên tiếp năm 2020, 2021 và vừa vô địch châu Á nhưng ít người biết anh vẫn đang ở trong một căn nhà trọ nhỏ tại TP.HCM, đi chiếc xe máy cũ mèm bố mua cho từ chục năm trước!

“Nhà to hay nhỏ cũng chỉ để ngủ, xe xấu hay đẹp cũng chỉ để di chuyển nên tôi không quá để ý những điều này, miễn sao đủ phục vụ cho mình. Còn lại tôi dành tâm huyết để phát triển sự nghiệp”, Toàn bày tỏ.

Bố mẹ Toàn đều là người Thanh Hóa, đi vùng kinh tế mới ở Đắk Lắk. Anh sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tây Nguyên đại ngàn. Chính cái nắng, cái gió nơi đây đã tạo nên một chàng trai can trường.

Tâm sự về tinh thần không sợ hãi, “chưa bao giờ e ngại đối thủ, đã lên sàn là chỉ biết chiến đấu tới giọt sức cuối cùng”, Toàn cho hay đây chính là thứ giúp anh vượt qua áp lực, đánh bại đối thủ Thái Lan vốn ở cửa trên.

Thành tài nhờ khổ luyện

img

Toàn trên chiếc xe máy cũ sau khi vừa giành ngôi vô địch WBA châu Á. Ảnh: NVCC

Toàn chia sẻ, khi HLV thông báo anh sẽ đánh với Kitidech Hirunsuk để tranh ngôi vô địch châu Á, anh cảm thấy vui vì có cơ hội khẳng định bản thân, song vẫn có một chút lo lắng khi thấy mọi người đặt nhiều kỳ vọng.

“Đối thủ vừa nhanh vừa khéo, kỹ thuật tốt và tràn đầy sức trẻ nhưng tôi kiên trì với chiến thuật được HLV đề ra để giành chiến thắng. Đây chắc chắn là đối thủ khó nhằn nhất từ trước tới nay tôi từng đối đầu”, anh kể.

Mọi người chỉ nhìn thấy hình ảnh thi đấu vững vàng trên sàn của Toàn nhưng để có được giây phút đó, tay đấm gốc Thanh Hóa đã phải trải qua nhiều tháng khổ luyện.

“HLV đưa ra giáo án tập luyện rất nặng, thậm chí gấp đôi giai đoạn trước đó với mục tiêu giúp tôi tích lũy thể lực đủ tốt để thi đấu được hết 12 hiệp.

Nhiều bữa tôi tập mệt đến phờ cả người, tay chân run lẩy bẩy nhưng thấy thầy vẫn hò hét, chỉnh sửa nên tôi lại cố gắng đứng dậy tập tiếp”, tay đấm trẻ nhớ lại.

Rồi nhà tân vô địch boxing châu Á kể thêm, ban đầu anh theo môn Vovinam nhưng sau đó dần chuyển hướng sang boxing từ năm 2019 vì thấy phù hợp.

Nền tảng Vovinam giúp anh chuyển qua tập luyện boxing dễ thích nghi hơn. Dù vậy, vẫn có những khác biệt khiến anh gặp khó khăn, nhất là về mặt kỹ thuật. Vovinam dùng cả tay lẫn chân còn boxing chỉ dùng tay. Vovinam khi đối kháng đứng khá xa nhau còn boxing lại áp sát. Vovinam tấn công bằng đòn lao cả thân mình còn boxing chỉ tấn công phần thân trên….

Tay đấm 29 tuổi cũng chia sẻ, dù vừa có được thành tựu mà nhiều võ sĩ mơ ước nhưng bản thân anh vẫn còn nhiều khiếm khuyết cần cải thiện, chẳng hạn như nền tảng thể lực, khả năng phòng thủ còn hạn chế và di chuyển kém linh hoạt. Đây là thứ mà anh sẽ cố gắng hoàn thiện, hướng tới mục tiêu bảo vệ ngôi vô địch WBA châu Á, trước khi nghĩ tới ngôi WBA thế giới.

Chuyện ba người thày

Ngược dòng thời gian, Toàn kể, ngày bé anh gầy và nhỏ nên thường bị các bạn bắt nạt, vì thế bố mẹ cho anh đi tập võ để tự vệ và nâng cao sức khỏe.

“Tôi bắt đầu tập Vovinam từ năm 2007, khi còn là học sinh cấp 2. Khi tập võ, tôi cảm thấy mình tự tin hơn, tôi không còn cảm thấy sợ hãi những kẻ cao lớn bắt nạt mình ngoài kia nữa”, Toàn nhớ lại.

Nhà Toàn ở huyện Cư Kuin, cách xa trung tâm, thày dạy võ khi đó phải vượt quãng đường 20km để đến với các học trò. “Thầy Chí Hưng đưa tôi tới võ thuật, đặt cho tôi viên gạch đầu tiên trong sự nghiệp và truyền cho tôi đam mê”, anh kể.

Năm 2012, anh vào TP.HCM học đại học. Thời gian này, anh có tới tập cùng đội Vovinam của quận Tân Bình, nơi anh nhận được nhiều chỉ bảo của HLV Nguyễn Đức Dũng.

“Thầy Đức Dũng rất giỏi chuyên môn, thầy chỉnh cho tôi từng ly từng tý kỹ thuật thi đấu, giúp tôi thực sự làm chủ mình chứ không phải tập theo kiểu hoang dã như hồi còn ở nhà. Những bài học của thày là nền tảng giúp tôi có được ngày hôm nay. Ngoài ra, thầy còn chỉ bảo cho tôi rất nhiều trong cuộc sống”, Toàn chia sẻ.

Cũng trong thời gian gắn bó tại Trung tâm Thể thao Tân Bình, chàng trai gốc Thanh Hóa dần làm quen boxing, tán thủ, kickboxing. Sau đó anh nhận ra mình hợp nhất với boxing nên đã quyết định tập luyện, thi đấu bộ môn này. Tới năm 2019, anh chính thức bước chân vào làng quyền Anh chuyên nghiệp khi gia nhập CLB SSC.

“Tại SSC, HLV Dodong giúp tôi hoàn thiện dần kỹ năng boxing, thầy luôn theo sát tôi, chỉnh sửa cho tôi những hạn chế và truyền dạy các kỹ thuật, miếng đánh mới cùng chiến thuật khi thượng đài.

Ba người thầy, ba giai đoạn khác nhau nhưng đều có ảnh hưởng lớn tới sự nghiệp của tôi”, nhà vô địch boxing châu Á nói.

Hiến tạng, đạp xe xuyên Việt truyền cảm hứng

Năm 2016, Lê Hữu Toàn chủ động đăng ký hiến tạng, sau đó anh đạp xe xuyên Việt để truyền cảm hứng, vận động các bạn trẻ tham gia hiến tạng. Anh bảo muốn làm được điều gì đó tốt đẹp cho cuộc sống trong khả năng của mình. Bởi theo suy nghĩ của tay đấm 29 tuổi, cho đi là còn mãi, nếu một ngày không còn trên đời, anh hy vọng một phần cơ thể mình sẽ giúp được ai đó duy trì sự sống.

Kiếm được tiền là gửi về cho bố mẹ

img

Căn nhà mới của gia đình Toàn ở Đắk Lắk. Ảnh: NVCC

Bố mẹ Toàn vào làm ăn tại Đắk Lắk từ năm 1989, nghề chính là trồng cafe nhưng diện tích nhỏ, nhà lại đông con nên cuộc sống rất khó khăn. “Hồi còn nhỏ, bốn chị em tôi chủ yếu phải chăm sóc lẫn nhau bởi bố mẹ đi rẫy cafe cả ngày. Nhà tôi nghèo nên tôi ít khi được mặc quần áo mới, ít có những bữa ăn ngon. Bù lại, tôi cảm nhận tình yêu lớn lao bố mẹ dành cho chị em tôi”, anh chia sẻ.

Nhận thức được xuất thân khó khăn, Toàn luôn có ý chí vươn lên và không bao giờ phung phí tiền bạc. Từ khi theo boxing chuyên nghiệp, thu nhập của anh khá ổn định. Anh dành một phần để thuê nhà, chi tiêu cá nhân, còn lại dành dụm gửi về cho bố mẹ.

Ông Lê Hữu Khang, bố của võ sĩ Lê Hữu Toàn kể, từ nhỏ Toàn đã mê võ, vợ chồng ông rất ủng hộ, ngay cả khi Toàn muốn thi đấu chuyên nghiệp. “Hôm rồi em nó vô địch, bà nhà tôi mừng phát khóc. Chúng tôi nông dân, chẳng biết làm gì cho con, chỉ biết động viên con phải giữ sức khỏe, thi đấu cẩn trọng và lượng sức mình”, ông Nghĩa tâm sự.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.