Vốn là một tay kiếm có hạng, Vũ Thành An từng giành rất nhiều HCV ở các giải đấu trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, đến với kinh doanh anh lại chỉ là một gã tay mơ.
Màn startup của nhà vô địch đấu kiếm
Nhắc tới Vũ Thành An, những ai quan tâm tới bộ môn đấu kiếm đều có thể kể vanh vách thành tích xuất sắc của vận động viên này. Thành An tới với thể thao từ khá sớm nhưng anh học bóng đá chứ không phải đấu kiếm. Mãi tới năm 2007, chàng trai Hà Nội mới chuyển sang đấu kiếm vì thấy phù hợp hơn. “Tôi thích hình ảnh các hiệp sĩ châu Âu tung hoành ngang dọc với kiếm và ngựa nên khi hay tin ngành Thể thao Hà Nội tuyển VĐV đấu kiếm liền đăng ký. Nhưng khi đó cũng chỉ là muốn thay đổi, muốn thử sức chứ chẳng thể ngờ lại gắn bó với đấu kiếm tới tận ngày hôm nay”, Thành An kể lại.
Với năng khiếu sẵn có, cộng thêm đức tính chịu thương chịu khó, ham học hỏi, anh tiến bộ rất nhanh. Dù nhập môn muộn so với đa phần đồng nghiệp nhưng anh đã giành vô số thành tích ở đủ các cấp độ từ trong nước tới Đông Nam Á, châu Á. Năm 2016, Vũ Thành An còn xuất sắc đoạt vé dự Olympic 2016, lọt top 15 VĐV kiếm chém xuất sắc nhất. Thi đấu thể thao đạt thành tích cao, toàn bộ số tiền thưởng gần như được chàng trai sinh năm 1992 tiết kiệm. Để rồi khi đã có số vốn nhất định, An bắt đầu khởi nghiệp. “Ngay từ thời điểm mới tập thể thao tôi đã có suy nghĩ: Phải làm gì đó để kiếm thêm thu nhập, bởi nếu chỉ trông vào thể thao, cuộc sống sau này rất bấp bênh”, nhà vô địch chia sẻ.
Năm 2015, với 300 triệu đồng trong tay, Vũ Thành An đầu tư vào chứng khoán. Được hơn một năm, An rút toàn bộ vốn lẫn lãi để mua một mảnh đất rồi bán đi lấy chênh lệch. Cứ như vậy, đến năm 2017, tay kiếm chém số 1 Việt Nam đã có tổng tài sản khoảng hơn 1,5 tỷ đồng. Tiếp đó, An cùng 3 người bạn góp vốn mở một công ty dịch vụ, An là cổ đông chính với 53% cổ phần trong tổng số 3 tỷ đồng vốn điều lệ. Lĩnh vực hoạt động chính của công ty là cho thuê máy pha cà phê tự động.
“Tôi có 15 máy cho thuê ở các địa điểm khác nhau, trong đó có Văn phòng Chính phủ, Bộ TT&TT, Viettel… nhưng doanh thu không đáng kể. Hàng tháng, trừ mọi chi phí công ty chỉ lãi khoảng 50 triệu đồng. Chính bởi vậy, tôi đang chạy một dự án khác cũng liên quan tới cà phê và nếu thành công sẽ tạo được đột phá về mặt doanh thu. Tuy nhiên, do vẫn đang triển khai nên tôi chưa muốn tiết lộ cụ thể”, Vũ Thành An chia sẻ.
Anh cho biết: “Tôi kinh doanh từ hai bàn tay trắng nên gặp vô vàn khó khăn, nhất là tìm địa điểm, setup hệ thống quản lý, thanh toán và cuối cùng là nguồn vốn. Ban đầu nghĩ đơn giản là thuê một cái nhà làm trụ sở là được. Nhưng bắt tay vào làm mới biết thuê được địa điểm tốt, giá phù hợp, đáp ứng được những yêu cầu không hề đơn giản. Về vốn, mình chỉ có như vậy, muốn mở rộng kinh doanh đương nhiên phải huy động thêm. Dùng vốn đi vay rất áp lực bởi bạn ngừng trệ dù chỉ một ngày, tiền lãi cũng sẽ đè chết bạn”. An quan niệm: “Trong kinh doanh, triết lý của tôi là phải giữ được chữ tín với các cổ đông, với nhân viên và với đối tác. Nếu mất chữ tín, sớm muộn mọi thứ sẽ sụp đổ và ngược lại, khi còn chữ tín, mọi khó khăn đều có thể vượt qua”. An lạc quan và đặt mục tiêu trong năm 2019, số máy hiện có phải chạy hết công suất và hoàn thành dự án đang chạy.
Kinh doanh cũng như đấu kiếm
Thêm một khó khăn nữa, đó là Vũ Thành An phải sắp xếp công việc để hài hòa giữa tập luyện thể thao và kinh doanh. Rất may anh nhận được sự hỗ trợ đắc lực từ bạn gái Tú Anh, từng là vận động viên bắn súng nhưng nay đã giải nghệ: “Mỗi tuần, tôi chỉ tới công ty 3 ngày. Mọi công việc đều do bạn gái tôi trông nom, quán xuyến. Trước đây, cô ấy có mở một hiệu thuốc nhưng từ ngày tôi thành lập công ty, cô ấy đã nhượng lại cửa hàng để về phụ giúp tôi. Nhờ vậy, tôi mới yên tâm tập luyện, thi đấu”.
Khi được hỏi giữa đấu kiếm và kinh doanh có những điểm gì tương đồng và khác biệt, An trả lời: “Cả hai đều không biết trước được tương lai. Kinh doanh chẳng ai nắm chắc sẽ có lời. Còn đấu kiếm, mình tập luyện thì họ cũng tập nên rất khó nắm chắc phần thắng. Điểm giống nữa là cả hai đều phải chịu áp lực. Với thể thao là áp lực thành tích, với kinh doanh là áp lực doanh số. Mình mở công ty, thuê nhân viên thì hàng tháng phải có tiền trả lương cho nhân viên. Khác biệt là đấu kiếm nói chung, thể thao nói riêng nỗ lực của bản thân chiếm tới 80% thành công nhưng kinh doanh thì chỉ có khoảng 20% thành công là nhờ nỗ lực bản thân và phụ thuộc nhiều yếu tố như thời điểm, thị trường, may mắn”.
Nói là vậy nhưng theo kiếm thủ Vũ Thành An, tất cả những thách thức trong công việc kinh doanh nếu nhìn nhận tích cực đều đem đến niềm vui. “Nếu bạn coi chúng là vật cản, bạn sẽ thấy khó chịu. Nhưng nếu bạn coi đó là động lực, bạn sẽ thấy phấn khởi. Với tôi, khó khăn trong kinh doanh cũng chính là những niềm vui, vui vì được kiểm nghiệm khả năng chịu đựng của bản thân, vui vì được nỗ lực hết mình và nếu không có thách thức, thành công của bạn sẽ không mang nhiều ý nghĩa”, tay kiếm Hà Nội bày tỏ quan điểm.
Thừa nhận muốn dành nhiều thời gian cho công việc kinh doanh nhưng Vũ Thành An cũng khẳng định, anh chưa bao giờ suy nghĩ sẽ bỏ đấu kiếm bởi anh nợ đấu kiếm quá nhiều. “Sau này, kể cả thành công hay thất bại trong kinh doanh, tôi vẫn gắn bó với đấu kiếm trong vai trò huấn luyện. Tôi cảm thấy mình nợ đấu kiếm và cần phải trả món nợ này. Gia đình tôi không lấy gì làm khá giả, nếu không có đấu kiếm, tôi đâu có tiền để lo cho bố mẹ, để kinh doanh. Ngoài vật chất, đấu kiếm còn mang lại cho tôi sự cân bằng trong suy nghĩ, giúp tôi trưởng thành hơn”.
Bảng thành tích của Vũ Thành An
- 2012: HCB cá nhân, HCV đồng đội giải Vô địch Đông Nam Á
- 2013: HCB SEA Games 26 lần đầu tham dự, HCV U23 năm 2013
- 2014: 2 HCV cá nhân và đồng đội giải Vô địch Đông Nam Á
- 2015: HCV SEA Games 28 cá nhân và đồng đội, HCV giải Vô địch U23 châu Á, Huân chương Lao động hạng Ba.
- 2016: 2 HCV cá nhân và đồng đội giải Vô địch Đông Nam Á (Singapore), HCĐ giải Vô địch châu Á. Đánh bại Á quân Olympic 2012, trở thành 1 trong 15 tay kiếm xuất sắc nhất trong lần đầu tham dự Olympic tại Rio 2016.
- 2017: HCV SEA Games 29.
4 lần cầm cờ cho đoàn Thể thao Việt Nam
Với chiều cao 1,87m, khuôn mặt điển trai, Vũ Thành An luôn là lựa chọn ưu tiên của ngành Thể thao cho vị trí cầm cờ ở các kỳ Đại hội. Thành An vinh dự được cầm cờ cho đoàn Thể thao Việt Nam tại hai kỳ SEA Games 2015, 2017; ASIAD 2018 và Olympic Rio 2016.
Cuối năm đưa nàng về dinh
Thành An và Tú Anh quen nhau khi Tú Anh còn thuộc biên chế đội tuyển bắn súng. Cả hai tập luyện cùng trung tâm nên thường gặp mặt, lâu dần nảy sinh tình cảm qua những lần nói chuyện. Cặp đôi chính thức yêu nhau cách đây hai năm và có ý định tiến tới hôn nhân vào cuối năm nay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận