Trong cuộc trò chuyện với Báo Giao thông chị cho biết, THACO Marathon vì ATGT là hành trình đầy tự hào.
Nhiều cảm xúc
Cảm xúc của chị thế nào khi tham gia hành trình chạy tiếp sức Quảng Bình - Điện Biên, sự kiện nằm trong khuôn khổ Giải THACO Marathon vì ATGT - Điện Biên Phủ 2024?
Là người con Quảng Bình, quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nên tôi cảm thấy rất may mắn khi được tham gia hành trình. Tôi tham gia không phải vì muốn nổi tiếng mà chỉ muốn một lần đến nơi Đại tướng từng chỉ huy quân đội ta đánh bại quân xâm lược, làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Lê Thị Hằng (người mang ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp) khi đoàn VĐV chạy tiếp sức Quảng Bình - Điện Biên về đích tại Mường Phăng, nơi có đền thờ Đại tướng. Ảnh: Tạ Hải.
Càng đến gần ngày chạy tôi càng háo hức, xen lẫn hồi hộp. Khi làm lễ xuất quân, anh Thanh Bình - cũng là một người con Quảng Bình nói: "Chúng con nhận lệnh của Đại tướng". Rồi lúc hát quốc ca, ai nấy đều tự hào.
Giải THACO Marathon vì ATGT - Điện Biên Phủ 2024 do Ủy ban ATGT Quốc gia, UBND tỉnh Điện Biên và Báo Giao thông phối hợp tổ chức, diễn ra tại Điện Biên Phủ vào ngày 14/4.
Giải thu hút hơn 2.000 VĐV trong và ngoài nước tham dự, được giới chuyên môn cũng như cộng đồng chạy bộ đánh giá cao. Ban Tổ chức trao giải 5 vị trí dẫn đầu 5 cự ly, cả nội dung nam và nữ.
Trước đó, trong khuôn khổ giải, 10 VĐV ưu tú đã thực hiện hành trình chạy tiếp sức từ Quảng Bình ra Điện Biên. Đoàn xuất phát tại nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Vũng Chùa, Đảo Yến) ngày 10/4, vượt qua hành trình gần 900km trong vòng 70 giờ để về đích tại xã Mường Phăng ngày 13/4.
Tại đây, đoàn đã cùng Ban Tổ chức trao tặng lá cờ Quyết chiến - Quyết thắng và bức tranh Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho nơi thờ tự Đại tướng.
Quá trình chạy, đoàn gặp nhiều khó khăn, nhưng cuối cùng vẫn về đích an toàn, đúng mục tiêu 70 giờ. Khoảnh khắc bà con, các chiến sĩ, các cháu nhỏ chào đón chúng tôi ở Mường Phăng khiến nhiều thành viên trong đoàn bật khóc. Chúng tôi như những người con đi xa trở về vậy.
Suốt chặng đường 900km từ Quảng Bình tới Điện Biên, chị và đồng đội gặp những khó khăn gì?
Khó khăn thì nhiều lắm, vì chạy qua nhiều loại địa hình, nhiều hình thái thời tiết khác nhau. Một số anh em bị ốm, tôi cũng bị cảm nhưng không ai nói về việc dừng lại. Anh em bảo nhau, nếu người nào "gãy" thì số còn lại sẽ gánh thay, làm sao để về đích đúng hẹn.
Trong ba ngày chạy, gần như chúng tôi không được ngủ, chỉ tranh thủ chợp mắt trên xe. Trên đường lúc nào cũng có hai anh em một chặng, 8 người còn lại phải di chuyển trước để đón. Đoàn có thuê khách sạn nhưng chỉ vào tắm rửa, thay trang phục rồi lại lên đường.
Bản thân tôi bị sốc nhiệt ngay ngày đầu, tưởng chừng phải bỏ cuộc nhưng trong thời khắc đó, tôi nghĩ đến Đại tướng, nghĩ đến tới các anh hùng liệt sỹ đã xả thân vì Tổ quốc và tự hứa phải đứng dậy chạy tiếp.
Như một lời tri ân
Chiều 13/4 kết thúc hành trình chạy tiếp sức, sáng 14/4 giành chức vô địch chặng 70km giải THACO Marathon vì ATGT - Điện Biên Phủ 2024. Nhờ đâu chị làm được điều đáng kinh ngạc này?
Tôi đăng ký chạy cự ly dài nhất - 70km bởi mình đã đi một hành trình dài để tới Điện Biên thì muốn viết tiếp hành trình đó thật trọn vẹn, như một lời tri ân tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các anh hùng liệt sỹ. Ngày 13/4, Ban Tổ chức hỏi tôi có muốn đổi cự ly ngắn hơn, nhưng tôi nói dù có phải đi bộ tôi cũng sẽ hoàn thành 70km.
Lê Thị Hằng trên đường chạy THACO Marathon vì ATGT 2024. Ảnh: Tạ Hải.
Thực sự khi về Điện Biên, hai chân tôi mỏi rã rời. Lúc cả đoàn dâng hương, tôi đã xin Bác Hồ, xin Đại tướng và các bác các chú phù hộ tôi có đôi chân khỏe mạnh để chạy vào sáng hôm sau.
Trước khi chạy tôi không hề đặt mục tiêu gì, chỉ muốn trải nghiệm những địa danh, những cung đường đã đi vào sử sách. Suốt chặng đua, tôi vừa chạy vừa thầm cảm ơn các bác, các chú đã ngã xuống vì đồng bào. Lạ nhất là lúc qua một cánh rừng, tôi bị rất nhiều kiến leo lên người, đốt vào tay, vào chân dù mình không nhìn thấy chúng.
Bất giác lúc đó tôi nghĩ, có thể nơi mình đi qua có một phần máu thịt của cha anh khi chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ. Tôi xin rằng "con băng qua nếu có gì mạo phạm xin các bác, các chú bỏ qua để con được tiếp tục chạy". Tôi vừa ngắt lời thì kiến cũng tự rơi khỏi người, xúc động vô cùng.
Thích một mình
Với người chạy đường trường, kinh nghiệm của chị cho thấy đâu là những yếu tố quan trọng?
Chạy đường trường không thể cắm đầu cắm cổ chạy mà phải phân bổ sức lực, phải biết lắng nghe cơ thể. Lắng nghe để biết khi nào cần bổ sung năng lượng, khi nào cần thả lỏng. Chạy càng dài thì thử thách phía sau càng lớn bởi khi đó cơ thể đã mệt mỏi, nếu không phân phối sức hợp lý sẽ không thể hoàn thành.
Bên cạnh đó, yếu tố dinh dưỡng cũng cần đặc biệt quan tâm. Người chạy phải chuẩn bị dinh dưỡng theo thói quen và nhu cầu. Nói cách khác, quá trình tập luyện hằng ngày, người chạy cần dựa trên khối lượng chạy để nạp năng lượng và cân đối sao cho phù hợp. Ví dụ như chạy 21km thì ăn thức ăn gì, chạy 42km thì ăn gì. Lượng thức ăn mang theo cũng nên ở mức vừa đủ, mang nhiều sẽ nặng.
Với cá nhân tôi, tôi rất hiếm khi dùng thức ăn do ban tổ chức chuẩn bị, có chăng là chút hoa quả. Thường tôi chỉ dùng thanh hạt mang theo và một loại thực phẩm chức năng của hãng nước ngoài có thể chuyển hóa thành năng lượng nhanh. Đặc biệt, trong 50km đầu gần như tôi không ăn.
Chị từng chạy 365 lần FM trong 1 năm, động lực nào giúp chị có được sự bền bỉ như vậy?
Năm 2023, tôi "nuốt" mỗi ngày 42km dù năm 2022 tôi mới đến với chạy bộ. Tuy nhiên, trên thực tế không phải mỗi ngày tôi đều chạy đủ quãng đường đó, tôi dành quá nửa để đi bộ. Mục đích của tôi đơn giản là muốn khám phá bản thân.
Thông thường mọi người khi chạy dài đều muốn có bạn đồng hành nhưng tôi thì không. Tôi không muốn kéo ai đó, cũng không muốn ai phải kéo mình, tôi luôn hoàn thành mục tiêu bằng nỗ lực của chính mình. Cũng bởi vậy, tôi không hề cảm thấy nhàm chán khi chạy.
Với một cô gái chỉ chạy và chạy như chị thì cuộc sống riêng tư ra sao?
Tôi hiện tại độc thân nên có nhiều thời gian để chạy. Công việc của tôi tự do nên càng dễ sắp xếp tham gia các giải đấu. Nhiều người hỏi cuộc sống như vậy có chán không? Tôi bảo không hề chán mà còn rất thú vị.
Khi chạy tôi thấy cuộc sống như nở hoa, nhìn mọi thứ tích cực hơn và dễ dàng kết nối với cộng đồng. Ví như hành trình Quảng Bình - Điện Biên, nhiều nơi chúng tôi đi qua các anh chị đam mê chạy bộ tại địa phương đều đón và giao lưu, dù trước đó chúng tôi không biết nhau.
Chị có bạn trai chưa, nếu chưa thì chị muốn một người bạn trai mình theo hình mẫu nào?
Tôi chưa có bạn trai. Tuổi của tôi lớn thì chưa quá lớn nhưng nhỏ cũng không quá nhỏ. Tôi luôn suy nghĩ là tìm một người bạn đồng hành, có thể là bạn trai, là tri kỷ, không nhất thiết phải lập gia đình, miễn sao tôi cảm thấy hạnh phúc.
Cảm ơn chị!
Lê Thị Hằng sinh ngày 22/3/1987 tại Quảng Bình. Cô là một runner nổi tiếng khi từng đoạt thành tích cao ở hàng loạt cuộc thi khắc nghiệt như: Top 1 giải Ultra Trail Đà Lạt 2022 cự ly 70km; Top 1 giải Ultra Trail Đà Lạt 2023 cự ly 100km; Top 2 giải Ultra Trail Bình Dương cự ly 100km; Top 2 Vietnam Mountain Marathon Sapa 2023 cự ly 100km; Top 2 giải Ultra Trail Đà Lạt 2024 cự ly 112km…
Giải đấu khắc nghiệt nhất Lê Thị Hằng từng tham gia là Doi Inthanon Thailand cự ly 172km. Năm 2023, Lê Thị Hằng chạy 15.300km, lớn hơn 1,2 lần đường kính trái đất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận