Văn hóa - Giải Trí

Nhạc kịch 10 tỉ đồng có là bước ngoặt phá “ao tù”?

10/10/2016, 17:27
image

Giữa tháng 10 tới đây, vở nhạc kịch Chuyện tình nàng Giáng Hương sẽ chính thức ra mắt khán giả.

Chuyện tình nàng Giáng Hương
Giáng Hương - Từ Thức với phong cách hiện đại

Bỏ 10 tỷ đồng tiền túi làm vở nhạc kịch mang phong cách broadway (một thể loại nhạc kịch hiện đại gồm ca, vũ, kịch) và không có nhu cầu tìm nhà tài trợ. Đây là một sự mạo hiểm của nhà sản xuất hay chỉ là một cuộc chơi sang chảnh?

Truyện cổ tích mang triết lý hiện đại

Giữa tháng 10 tới đây, vở nhạc kịch Chuyện tình nàng Giáng Hương sẽ chính thức ra mắt khán giả tại Nhà hát Hòa Bình, TP HCM. Vở diễn được sáng tác từ một trong những giai thoại về tình yêu đ ẹp trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam. Câu chuyện xúc động kể về chàng Từ Thức lên tiên cảnh gặp nàng Giáng Hương, khi chàng trở về trần gian thì 300 năm đã trôi qua.

Được biết, 120 bộ trang phục của vở diễn với kinh phí gần 1 tỷ đồng đều được thiết kế riêng với nhiều bộ trang phục dát vàng. Sân khấu được thiết kế với màn hình cong để tăng hiệu ứng và chiều sâu của vở diễn. Đích thân đạo diễn người Pháp Sylvain Merille - người từng có kinh nghiệm nhiều năm làm việc cho Disney tại Pháp trong vai trò sản xuất các live show sẽ làm đạo diễn sân khấu của Chuyện tình nàng Giáng Hương.

Nhà báo Thiên Hương, nhà sản xuất, biên kịch kiêm tổng đạo diễn của vở diễn tiết lộ, vở nhạc kịch đi theo phong cách truyền thống của âm nhạc Việt Nam. Khoảng 20 ca khúc sẽ được đưa vào nhạc kịch với nhiều sáng tác vượt thời gian của nhạc sĩ Văn Cao, Phạm Duy, Ngô Thụy Miên... Vai chính Từ Thức và Giáng Hương là 2 cặp ca sĩ được đào tạo bài bản là Nam Khánh - Thanh Nguyên và Tấn Đạt - Hoàng Kim. Theo đó, những bài hát, hình ảnh quê hương, vũ đạo và cốt truyện sẽ giúp khán giả cảm thấy đây là Việt Nam và vở nhạc kịch dành cho người Việt.

Lý giải cho việc chọn truyện cổ tích để đưa lên sân khấu kịch, nữ nhà báo cho rằng, cổ tích là văn hóa dân gian nên chị không muốn dựng vở nhạc kịch đầu tiên ở Việt Nam mà lại không nói về văn hóa của người Việt Nam. Vở diễn phải đặt yếu tố chất lượng và nội dung lên hàng đầu, thương mại chỉ là yếu tố thứ hai.

Bên cạnh đó, nhà báo Thiên Hương tiết lộ, nội dung vở nhạc kịch tuy là câu chuyện cổ tích nhưng lại mang những triết lý và thông điệp hiện đại. “Tôi gửi gắm những cảm xúc, hình dung của mình về người phụ nữ Việt Nam. Phụ nữ Việt dám nghĩ dám làm, nhưng có sự hy sinh vô bờ bến. Một khi đã thương yêu ai, họ sẽ hết lòng hy sinh, trao tặng những gì quý giá nhất cho những người mình thương yêu”, nhà báo Thiên Hương nói.

Gắn mác broadway để câu khách?

Chuyện tình nàng Giáng Hương được dựng theo phong cách broadway với những vũ đạo, âm nhạc và hiệu ứng sân khấu hiện đại. Khi được hỏi với một vở nhạc kịch thuần Việt như đã nói thì phải chăng, việc gắn mác broadway chỉ là một chiêu để câu khách? Nhà báo Thiên Hương phủ nhận điều này và cho hay, sở dĩ vở diễn nói theo phong cách broadway để khán giả - những người chưa hiểu nhạc kịch là gì có thể hiểu rằng, đó là những nhạc kịch sử dụng âm nhạc hiện đại chứ không phải dân ca hay opera, cải lương.

“Chúng tôi chỉ nói đây là vở nhạc kịch thuần Việt đầu tiên và được đi theo phong cách broadway. Còn sau này, khi khán giả hiểu rồi thì chúng tôi mong muốn có thể bỏ đi chữ broadway. Vì là vở nhạc kịch thuần Việt thì không có lý do gì phải mang chữ nước ngoài broadway về để quảng bá cho sản phẩm của mình”, Chủ tịch của Sun Flower Media khẳng định.

Vé bán cho vở nhạc kịch Chuyện tình nàng Giáng Hương dao động trong khoảng 250 nghìn - 2 triệu đồng/vé cho 9 đêm diễn. Mức vé khá thấp so với chi phí đầu tư nên có thể nói, việc chi hơn 10 tỷ đồng để dựng một vở nhạc kịch là một quyết định đầy mạo hiểm với nhà sản xuất, nhất là trong thời buổi sân khấu Việt ảm đạm như hiện nay. Số tiền này được đầu tư vào âm thanh, ánh sáng, sân khấu và công tác đào tạo các diễn viên. Và toàn bộ kinh phí đều do nhà sản xuất tự bỏ tiền túi chứ không có sự góp mặt của bất cứ nhà tài trợ nào.

Theo nhà báo Thiên Hương, nhà tài trợ chỉ bỏ tiền đầu tư cho một sản phẩm nào đó nếu nó mang lại hiệu quả quảng cáo, tiếp thị cho sản phẩm hay thương hiệu của họ. Các nhà tài trợ luôn mong muốn chắc chắn về hiệu quả đầu tư của mình trong khi những vở nhạc kịch mới xuất hiện tại Việt Nam nên khó có thể xin tài trợ vì không thể biết chương trình sẽ mang lại hiệu quả như thế nào với thương hiệu của các nhà tài trợ. Đó cũng là lý do Nhà sản xuất của Chuyện tình nàng Giáng Hương không muốn dành thời gian cho việc thuyết phục các nhà tài trợ vì “điều này mệt mỏi hơn nhiều so với việc tập trung cho sự sáng tạo, đầu tư để sản phẩm của mình được tròn trịa và được mọi người hưởng ứng”.

“Bỏ 10 tỷ đồng để thực hiện vở nhạc kịch là rất mạo hiểm nhưng nếu không có những người chấp nhận rủi ro và đi tìm con đường mới thì lúc nào thị trường cũng như những ao tù. Chúng ta muốn phá những ao tù, tạo dòng chảy mới thì phải có những người đi tiên phong”, nhà báo Thiên Hương chia sẻ.

>>> Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.