Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong cho rằng, nổi tiếng không khó, cuộc đời có thể thay đổi chỉ sau một đêm. |
Thực tế hiện nay, nhiều khán giả nghi ngờ các quán quân trong gameshow âm nhạc. Cá nhân anh nhìn nhận vấn đề này ra sao?
Tôi khẳng định là khán giả họ không sai, vì họ chỉ cảm nhận, phán xét và bình chọn thôi. Vấn đề nằm ở chỗ: Họ được trao quyền quá nhiều, quá dễ nên họ nghi ngờ cũng là điều dễ hiểu. Một khi còn cảm giác dễ dãi thì sự nhầm lẫn rất dễ xuất hiện. Nếu tôi có một chàng trai thu hút về ngoại hình, giọng hát tầm trung, tôi chỉ cần cho cậu ấy nhảy đẹp một
chút, dàn dựng lạ mắt một chút, chủ đề thú vị một chút, thêm dáng vẻ tự tin. Với những điều đó, tôi tin rằng khán giả sẽ mê và chọn không cần phải suy nghĩ. Nhưng một thời gian sau, chàng trai này không thực sự quá tài như họ nghĩ thì lúc đó họ sẽ nghi ngờ về tài năng của chàng trai kia.
Bây giờ, nổi tiếng không còn khó, cuộc đời có thể thay đổi chỉ sau một đêm. Mọi thứ đến dễ dàng như thế thì khó tìm kiếm tài năng thật sự là điều đương nhiên.
Có người cho rằng, tài chính mới là yếu tố quyết định sự thành công của một thí sinh sau khi bước ra khỏi một cuộc thi âm nhạc. Anh nghĩ sao với ý kiến này?
Nói đến sự thành công thì phải xem thế nào là khái niệm thành công, nếu thành công là được nhiều người biết tới thì ngày nay có rất nhiều cách mà không nhất thiết phải tham gia cuộc thi. Còn nếu xem ngôi vị quán quân là thành công thì cũng tuỳ từng trường hợp.
Cá nhân tôi đánh giá dựa vào quá trình chứ không đánh giá dựa vào kết quả của các giả thưởng. Nếu quá tập trung vào chuyện ngôi vị, danh xưng quán quân, thì rất dễ bỏ qua chuyện trau dồi kỹ năng. Ngược lại, người có tư duy vào quá trình thì họ chỉ thập trung vào việc học tập trau dồi, họ đi đường dài tốt hơn, giải không cao nhưng lại có tài hơn.
Trước tình trạng gameshow bão hòa, liệu có là nơi lý tưởng cho các tài năng âm nhạc tỏa sáng không?
Có chứ! Gameshow vẫn là nơi để các tài năng trau dồi học hỏi. Tôi chưa bao giờ nói rằng gameshow là không tốt, không hay. Có những điều rất hay ở các chương trình truyền hình, ví dụ như: áp lực thi đấu theo từng tuần, sự sáng tạo, tư duy làm việc tập thể, ý chí vươn lên.
Không ở đâu mà được học hỏi nhiều như ở TV Gameshow. Có nơi để vừa chơi vừa khám phá bản thân vừa được thăm dò ý kiến, vừa được giới thiệu mình, còn gì hơn thế? Quan trọng là thái độ của từng cá nhân khi tham gia như thế nào, chứ không quan trọng nội dung chương trình đó thế nào.
Nhiều cuộc thi nở rộ, việc giúp một quán quân/á quân có một vị trí khi bước ra thị trường âm nhạc có là khó khăn?
Toả sáng ở một cuộc thi chỉ mới là bước khởi đầu cho sự nghiệp, nếu các thí sinh hiểu rằng đó là khởi đầu thì tốt, họ sẽ tiếp tục với những khởi đầu mới, bước đi mới. Tai hại nhất là việc xem chiến thắng này là tất cả mọi thứ. Gameshow là nơi để chơi, chơi hết mình thì mới chơi vui, nhưng suy cho cùng thì nó cũng chỉ là cuộc chơi, điều quan trọng nhất vẫn là những trải nghiệm thật sự trong quá trình chơi. Có thể ứng dụng những bài học cho cả sự nghiệp thì quá tuyệt vời.
Tôi chưa từng giúp một quán quân nào như thế nên tôi không rõ, nhưng tôi chắc chắn đã đang và sẽ giúp những người trẻ có thái độ và phẩm chất của một tài năng.
Cảm ơn anh!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận