Trưa 19/9, nhạc sĩ Phó Đức Phương qua đời sau một thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư tụy. Sự ra đi của ông khiến nhiều người xót xa, thương tiếc. Sinh thời, ông là nhạc sĩ có nhiều cống hiến lớn cho nền nghệ thuật nước nhà.
Không chỉ là những bản nhạc bất hủ như “Hồ trên núi”, “Trên đỉnh Phù Vân”, “Chảy đi sông ơi”… mà còn là việc ông là nhạc sĩ đầu tiên tại Việt Nam tiên phong trong vấn đề bảo vệ quyền tác giả âm nhạc cho các nhạc sĩ Việt. Ông là người lập nên Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), bảo vệ quyền lợi cho nhiều nhạc sĩ.
Theo nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, nhạc sĩ Phó Đức Phương là người có sáng tác từ rất sớm ở lứa tuổi rất trẻ. Những năm 66, ông đã có bài “Những cô gái trên quê hương quan họ” được nhiều người yêu thích. Ở những thập kỷ sau đó, người nhạc sĩ viết nhạc ở rất nhiều đề tài và nổi tiếng với nhiều ca khúc, trong đó chủ yếu là những bài về tình yêu quê hương đất nước.
Ông còn là một nhạc sĩ “mát tay” khi viết nhạc cho các vở kịch. Các ca khúc tồn tại mãi thậm chí khi các vở kịch không còn diễn nữa. Điều đặc biệt ở Phó Đức Phương là tên tuổi ông luôn gắn liền với sông hồ bởi hầu hết những ca khúc nổi tiếng của ông đều liên quan tới sông hồ như "Chảy đi sông ơi", "Hồ trên núi", "Hồ Ba Bể", "Huyền thoại hồ Núi Cốc", "Một thoáng Tây Hồ"...
"Các sáng tác của Phó Đức Phương đều hết sức độc đáo. Ông ấy có một kho tàng bài hát nổi tiếng, đó là thành công rất lớn của một đời nhạc sĩ. Chỉ tiếc trong nhiều năm, ông ấy làm công tác bản quyền nên phải dừng lại việc sáng tác một thời gian và mới quay lại khoảng 2 năm nay nhưng lại bị bệnh. Đó là điều thực sự tiếc nuối nhưng mỗi người một số phận", nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh chia sẻ.
Ông cũng nói thêm, vị nhạc sĩ họ Phó là người yêu nền tảng âm nhạc dân ca. Điều đó thể hiện qua các tác phẩm âm nhạc bao giờ cũng dựa trên những làn điệu dân ca, hoặc phả hơi thở dân ca, dân gian vào các bài hát. Gần đây, nhiều bài mang tính dân gian đương đại được yêu thích nên không ít người thường chọn nhạc của Phó Đức Phương để đi thi.
Không chỉ có sự nghiệp âm nhạc hoành tráng mà nhạc sĩ Phó Đức Phương còn được yêu mến bởi tính cách chan hòa, quan tâm tới lớp trẻ. Ông dìu dắt, cho các ca sĩ trẻ cơ hội. Minh Thu là một trong những ca sĩ thành công và tên tuổi bước lên một tầm mới sau album "Minh Thu hát Phó Đức Phương".
Đối với nữ ca sĩ, nhạc sĩ Phó Đức Phương như một người thầy, người anh, người chú đáng kính trong cuộc đời cô. Từ ông, cô đã học hỏi được rất nhiều, được ông chỉ bảo cho nhiều điều để chinh phục tới những đỉnh cao mới trong âm nhạc. Theo Minh Thu, cô bắt đầu có duyên gặp nhạc sĩ, đến nhà và tập ca khúc "Dòng sông ký ức" để đi thi "Tiếng hát trên sóng phát thanh toàn quốc" và đã giành giải thưởng. Cũng từ đây, Minh Thu bắt đầu đề nghị nhạc sĩ Phó Đức Phương tập cho cô những ca khúc cũ và mới.
Cô nhận định, vị nhạc sĩ nổi tiếng dạy ai cũng tỷ mẩn từng nốt nhạc của giai điệu chính cho tới "loạt" nốt phụ đi kèm nốt chính. Ông thẳng thắn và cương trực ,nghiêm túc, quyết liệt, cẩn thận đến tỷ mẩn trong công việc. Phó Đức Phương thường mang vào mỗi tác phẩm là âm hưởng dân gian của đồng bằng Bắc Bộ nào đó nên luyến láy thế nào, nhạc sĩ cũng viết đủ, không thừa, không thiếu. Ông tính toán rất kỹ vì đã đi học hát các thể loại dân gian từ các nghệ nhân. Trước sự ra đi của vị nhạc sĩ tài ba, Minh Thu không khỏi nghẹn ngào. Cô chỉ biết xót xa: “Vĩnh biệt người thầy tôi chịu ơn cả đời”.
Sự quan tâm của nhạc sĩ Phó Đức Phương tới thế hệ trẻ cũng được nhạc sĩ Nguyễn Quang Long tiết lộ. Anh kể kỷ niệm cách đây không lâu, khi anh cùng nhạc sĩ họ Phó là khách mời tham gia một chương trình do nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam dẫn dắt. Sau khi quay xong, ba chú cháu ngồi café và nhạc sĩ Phó Đức Phương thẳng thắn cho biết, ông thực sự hứng thú với âm nhạc của các bạn trẻ, trong đó có Hoàng Thuỳ Linh và Phùng Khánh Linh.
“Gió mùa Đông Bắc và mưa ở Hà Nội ngày hôm nay sẽ đưa Phó Đức Phương về chốn phiêu diêu đỉnh thiêng Yên Tử, sẽ đưa ông về chốn bình yên, rong ruổi khắp miền Kinh Bắc”, nam nhạc sĩ ngậm ngùi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận