Nhạc sĩ - ca sĩ Sỹ Luân hiện thực hóa ước mơ lớn của mình với sự ra đời của Viện âm nhạc và nghệ thuật Hutech (trực thuộc Trường Đại học Công nghệ TP.HCM - Hutech). Anh tâm sự, bản thân mong muốn thay đổi những khái niệm về thị trường âm nhạc tới nhiều người hiện nay.
Theo Sỹ Luân, ca sĩ là người phục vụ công chúng
Nổi tiếng phụ thuộc trình độ, may mắn
Trong sự phát triển của thị trường giải trí, các lò đào tạo ca sĩ cũng mọc “như nấm sau mưa”. Việc mở Viện âm nhạc hiện tại, anh nghĩ mức độ cạnh tranh sẽ thế nào?
Khi gọi là lò đào tạo, nơi đó chỉ chuyên đào tạo hoặc theo một bộ môn riêng. Còn của chúng tôi là Viện – tức là nghiên cứu về chiều sâu. Các bạn có thể làm những dự án âm nhạc khác chứ không chỉ đi hát.
Hiện nay, nhiều bạn trẻ chỉ mục tiêu đến các lò đào tạo với ước mong thành ca sĩ. Nhưng phải hiểu, 1000 ca sĩ mới có 100 người nổi tiếng, vậy số còn lại đi đâu, làm gì? Ai cũng mang hoài bão đi học hát để thành ca sĩ nổi tiếng. Nhưng lỡ không nổi tiếng được thì sao?
Các học trò của tôi sẽ là những người có tư duy, hiểu được vòng xoay và sự đào thải trong âm nhạc. Họ phải năm được bao lâu thì âm nhạc thay đổi, dự đoán những trend âm nhạc trong tương lai. Họ cũng có thể biết mình có thể thành ca sĩ hay không hay thành giám đốc âm nhạc, biên tập âm nhạc hoặc giáo viên dạy nhạc.
Tôi sẽ mang lại cho họ kiến thức tổng quan, cụ thể về ngành âm nhạc, tổ chức biểu diễn. Trong đó, ca sĩ là linh hồn của chương trình. Tôi mong các học trò của mình sẽ sống được với âm nhạc.
Nam nhạc sĩ khuyên mọi người phải nhìn rõ sự thật và bản chất của âm nhạc để không bị thất vọng
Ai cũng mong học trò của mình nổi tiếng, thành công, nhưng việc nổi tiếng còn phụ thuộc vào trình độ của mỗi người cùng yếu tố may mắn. Trong thị trường hiện nay, ca sĩ rất nhiều nên bỏ đống tiền vào đầu tư sản phẩm cũng chỉ như muối bỏ biển. Phải nhìn rõ sự thật và bản chất của âm nhạc để không bị thất vọng.
Thời tôi đi hát, trong những người bạn bè cùng học đến giờ, chỉ mình tôi nổi tiếng. Tôi không đẹp, không giỏi nhưng tôi nghĩ mình may mắn, hợp thời.
Tôi cũng có kinh nghiệm rằng một ca sĩ phải sáng tác được, hát và nhảy được, chơi nhạc cụ được. Nếu chỉ cầm micro hát thì không đủ khả năng tồn tại lâu trong thị trường này, nếu bạn không may mắn thành ngôi sao.
Vậy cụ thể, anh định làm những gì để khác các lò đào tạo khác?
Mong muốn lớn nhất của tôi là đào tạo các ca sĩ, nhạc sĩ, các đạo diễn, công nghệ điện ảnh và truyền hình. Tôi luôn muốn các bạn trẻ có cơ hội tiếp cận khoa học kỹ thuật, công nghệ về âm nhạc. Tôi muốn tập trung những điều đó và kiến thức thực tiễn.
Sỹ Luân quan điểm, ca sĩ phải có nền tảng về âm nhạc
Một người học thanh nhạc trong trường dạy nhạc, ra trường không làm gì được ngoài đi hát. Tôi nghĩ đây là thiếu sót. Do đó, chúng tôi muốn các học trò của mình phải tư duy nhiều hơn, là người tổ chức sản xuất biểu diễn về âm nhạc, làm trong ngành công nghiệp âm nhạc chứ không phải thợ hát.
Họ phải có kiến thức về thị trường, đón được trend, viết nhạc, chơi nhạc cụ được. Đó là những nền tảng cần có để trở thành một ca sĩ hiện nay.
Các yếu tố này giúp nghệ sĩ có đầy đủ kiến thức âm nhạc. Nếu may mắn thành ngôi sao thì tốt, còn không vẫn có thể làm các công việc khác liên quan tới âm nhạc. Tôi muốn thay đổi khái niệm rằng, học thanh nhạc không chỉ để ra làm ca sĩ mà còn làm được nhiều việc xung quanh âm nhạc, để tồn tại với âm nhạc một cách dễ dàng nhất.
Không học, đừng mơ có kết cục đẹp!
Thực tế hiện nay, không ít người đẹp lấn sân ca hát. Họ bị chê bai về giọng hát, không có những nền tảng âm nhạc như anh nói nhưng có ngoại hình, có tiền đầu tư sản phẩm vẫn nổi tiếng. Họ vẫn được gọi là ca sĩ đó thôi?
Không ai quy định thế nào là ca sĩ. Ca sĩ không phụ thuộc bằng cấp mà cứ lên sân khấu cầm micro, người ta đã gọi là ca sĩ. Một người hát có đầu tư, làm âm nhạc một cách nghiêm túc, cũng được gọi là ca sĩ.
Tôi thấy những bạn có ngoại hình đẹp, ra sản phẩm rồi nhận là ca sĩ là điều bình thường. Bởi trong ngành âm nhạc, ca sĩ hội tụ thanh và sắc. Bạn đẹp, hát hay sẽ tồn tại lâu. Nếu chỉ đẹp và hát không hay, khó tồn tại lâu.
Nhạc sĩ của "Mắt nai cha cha cha" theo đuổi con đường giáo dục, đào tạo âm nhạc nhiều năm qua
Chúng ta phải nhìn nhận, đây là ngành giải trí, mang tới niềm vui và giá trị tinh thần cho khán giả. Tôi quan niệm, âm nhạc giống người bồi bàn. Chúng ta hết lòng vì khán giả, họ sẽ cảm ơn chúng ta. Đừng nghĩ ca sĩ là cái gì ghê gớm, để chúng ta theo đuổi, tung hô rồi chạy theo hào quang.
Một ca sĩ thực thụ hãy đặt mình vào việc phục vụ và trân trọng công chúng. Trong 4-5 năm đào tạo, ngoài các kiến thức chuyên môn, tôi cũng sẽ dạy các học trò của mình đạo đức làm ca sĩ, cách làm nghề và cống hiến cho cộng đồng. Ca sĩ gắn liền với cộng đồng, bạn sẽ tồn tại mãi mãi.
Anh nói sẽ đào tạo 4-5 năm. Nhưng anh có nghĩ, nhiều người thích “đường tắt” là những chiêu trò hơn là đi học vài năm rồi không biết có nổi tiếng hay không?
Một số người cho rằng, học 4-5 năm ra trường chưa biết nổi tiếng hay không, chi bằng đầu tư sản phẩm rồi hên xui. Tôi nghĩ đây chỉ là nhìn nhận của những người không yêu nghề. Bản phải có thời gian thẩm thấu, yêu quý âm nhạc thì âm nhạc mới trả lại.
Còn nếu chỉ muốn nổi tiếng, thiếu kiến thức, sẽ khó có được thứ gì bền vững. Bạn chỉ có thể chỉ có thể làm ca sĩ hội chợ hoặc “bùng” lên rồi biến mất. Rất nhiều hình ảnh tương tự hiện nay, “vụt sáng” rồi “tắt” luôn, vì họ không có khả năng.
Nghệ sĩ phải có tri thức và nhìn nhận về âm nhạc. Học là việc cả đời. Tôi thấy ai yêu âm nhạc và muốn thành ca sĩ đều đi học hết. Không học, đừng mơ có kết cục đẹp.
Theo nam nhạc sĩ, ca sĩ phải gắn liền với cộng đồng mới tồn tại lâu dài
Có nhiều người học hành lại không nổi tiếng, còn những người “tay ngang” nhưng may mắn lại thành ngôi sao. Đây có phải sự bất công trong ngành?
Đó không gọi là bất công mà là yếu tố giải trí. Người nào bắt được trend hiện tại, hợp thời đại thì nổi tiếng thôi. Nhưng xu hướng cũng chỉ là xu hướng, không lâu dài. Phong độ là nhất thời, không theo bề dày của thời gian, còn đẳng cấp phải tôi luyện.
Trong giới nghệ thuật, hào quang rất lớn và ai cũng muốn hào quang chiếu vào mình. Nhưng phải hiểu hào quang đến từ đâu và bao giờ tắt. Nghề này phụ thuộc vào yếu tố may mắn và phước đức của nghệ sĩ.
Nhạc sĩ - ca sĩ Sỹ Luân và ca sĩ Lương Bích Hữu
Bà xã ủng hộ anh thế nào trong con đường mới này?
Trước giờ, bà xã đều đứng sau lưng cổ vũ ho tôi. Khi cả hai gặp nhau, tôi đã hoạt động khá lâu trong ngành rồi. Do đó, cô ấy không phải ủng hộ tôi như cổ vũ một người mới đi hát (Cười). Bà xã nhỏ hơn tôi nhiều tuổi, tôi coi cô ấy như con gái mình để chăm sóc, yêu thương, che chở và bỏ qua những thứ mình cảm thấy buồn cười. Do đó, cuộc sống của tôi rất vui vẻ, thoải mái.
Anh có định hướng con mình sau này sẽ theo ngành âm nhạc?
Con tôi mới 22 tháng nhưng đã thể hiện có tố chất âm nhạc. Bé hay trèo lên đàn nhảy nhót mỗi khi tôi đàn. Từ nhỏ, con đã vỗ tay không sai nhịp, thích cầm micro. Khả năng giao tiếp với âm nhạc rất tốt. Đương nhiên, tôi hy vọng con gái sẽ theo ngành của cha, nhưng sẽ không ép con nếu bé không muốn.
Cảm ơn anh!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận