Trấn Thành và Phương Trinh Jolie trong chương trình “Ơn giời, cậu đây rồi!”. |
Hành động “lả lơi” trên sân khấu
Hiếm có khi nào sân khấu hài lại gây tranh cãi như thời gian gần đây, không chỉ bởi chương trình xuất hiện quá nhiều dẫn tới chất lượng giảm, mà còn bởi những chiêu trò “câu khách” cũng được sử dụng triệt để.
Ơn giời, cậu đây rồi!, có lẽ là chương trình gây xôn xao nhất gần đây khi bị nhiều khán giả chỉ trích quá lạm dụng cảnh hôn, ôm trên sân khấu. Ngay từ tập 1, khán giả đã bất ngờ với những cảnh hôn táo bạo của trưởng phòng Việt Hương và khách mời Will (365 daband). Nếu những hành động này chỉ dừng ở mức vừa phải thì sẽ không có gì để bàn cãi.
Tuy nhiên, sau đó, hàng loạt các màn chạm môi, ôm ấp, “lả lơi” với tần suất “tăng dần đều” trong mỗi số phát sóng như tình huống của Trường Giang - Vân Trang, Trường Giang - Kim Tuyến… Các “cảnh nóng” này xuất hiện ngày một nhiều khiến khán giả “oải”, đặc biệt khi những khách mời nữ bước chân vào phòng của trưởng phòng Trấn Thành và Trường Giang.
Đỉnh điểm có lẽ là những nụ hôn bị đánh giá là phản cảm của trưởng phòng Trấn Thành với khách mời Phương Trinh Jolie. Trong vai đôi tình nhân Bella và Edward, Trấn Thành liên tục có những hành động thân mật, ôm ấp và hôn “Bella” Phương Trinh. Nam danh hài thậm chí còn đè khách mời xuống sàn và hôn tới tấp khiến Phương Trinh Jolie bất ngờ và đứng hình.
Nhiều người cho rằng, đối với các diễn viên, nghệ sỹ, việc có những hành động tình cảm khi diễn là chuyện bình thường. Chính diễn viên Phương Trinh Jolie cũng cho rằng, việc Trấn Thành có những hành động ôm hôn chỉ khiến cô hơi bất ngờ chứ không khó chịu bởi trong tiểu phẩm cô và nam danh hài vào vai một cặp tình nhân nên điều này tốt cho tình huống. Dẫu vậy, nhiều khán giả cho rằng, những hành động trên khá phản cảm, nhất là khi khán giả của chương trình có nhiều lứa tuổi, trong đó có cả trẻ nhỏ.
Giá trị nhân văn bị lãng quên
Bên cạnh những mặt tích cực như khai thác khả năng xử lý tình huống của nghệ sỹ, chương trình hài này vẫn tồn tại những mặt trái. Do đặc thù là những câu chuyện không đoán trước, những yếu tố bất ngờ, ngẫu hứng và hoàn toàn không có kịch bản để khai thác khả năng ứng biến tự nhiên của diễn viên, cùng với sức ép phải gây cười cho khán giả đã khiến các nghệ sỹ tự do “nhả chữ” với ngôn ngữ thiếu chọn lọc và mang tính “chợ búa”.
Cùng với đó, việc các nghệ sỹ phải tự xử lý tình huống bất ngờ không biết trước kịch bản nên các tiểu phẩm hài này đều không hướng tới một ý nghĩa hay nhằm truyền tải một thông điệp nào đó như những tiểu phẩm được lên kịch bản trước.
Nhiều nghệ sỹ hài cho rằng, một trong những lý do khiến nhiều chương trình hài trước đây bị “chết mòn” bởi thiếu kịch bản. Vì vậy, hài tình huống phát triển như một cứu cánh, bởi các tình huống tự phát sinh mà không cần kịch bản trước. Thế nhưng, chính điều này vô tình khiến tình trạng “ăn xổi” được dịp “lộng hành” trên các sân khấu truyền hình.
Theo anh Chu Văn Minh (Từ Sơn, Bắc Ninh), bất cứ chương trình nào lên truyền hình, dù là giải trí cũng nên có những tinh thần, bài học nhất định. “Nhiều người cho rằng, nghệ sỹ là những người mua vui cho khán giả, nhưng tôi không nghĩ vậy. Vì họ là người của công chúng, mỗi câu, mỗi chữ họ nói ra đều có tầm ảnh hưởng tới công chúng. Do đó, những tiết mục, nhất là các chương trình hài nếu gửi gắm những thông điệp nhân văn sẽ tạo hiệu ứng tốt cho số đông khán giả”.
Nghệ sỹ Trấn Thành thừa nhận, một sản phẩm muốn hay cần có chất lượng. Theo quy luật, khi lượng nhiều, chất tự nhiên sẽ giảm. “Ngày xưa phương tiện truyền thông và chương trình giải trí không nhiều như bây giờ nên một tiểu phẩm ra đời ở thời điểm đó có nội dung cô đọng, nghệ sỹ dành rất nhiều tâm huyết và chất xám cho đứa con tinh thần của mình. Nhưng hiện giờ cũng với lượng chất xám đó, người ta phải chia ra nhiều nơi, dàn trải ở nhiều chương trình hơn thì dĩ nhiên cái hay sẽ bị cạn dần, khó trọn vẹn được cho một bên”, Trấn Thành nhận định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận