Với 1,29 tỷ cổ phiếu niêm yết trên sàn HoSE vào tháng 4, Petrolimex sẽ trở thành một trong những doanh nghiệp có vốn hoá lớn nhất thị trường - Ảnh minh họa: N.T |
Dự kiến chính thức lên sàn HoSE (Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM ) đầu tháng 4 tới, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) sẽ góp mặt trong Top cổ phiếu vốn hoá lớn nhất thị trường. Vậy đâu là điểm cộng và trừ về cơ hội đầu tư cổ phiếu này?
Giá cổ phiếu trên OTC: 2 tháng tăng 40%
Kết quả kinh doanh năm 2016 khởi sắc, cộng với thông tin Petrolimex chuẩn bị lên sàn đã khiến cổ phiếu doanh nghiệp này (mã PLX) trên sàn OTC (thị trường chứng khoán phi tập trung) trở nên hấp dẫn. Theo khảo sát của Báo Giao thông, tính từ giữa tháng 1, cổ phiếu PLX đã tăng từ xấp xỉ 35.000 đồng lên xấp xỉ 40.000 đồng/cổ phiếu hồi giữa tháng 2 và hiện được rao bán xấp xỉ 50.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng 40% sau gần 2 tháng.
Đến thời điểm này, giá chào sàn của Petrolimex chưa được công bố chính thức, song theo Chủ tịch Tập đoàn Petrolimex Bùi Ngọc Bảo, dự kiến sẽ tương đương giá trên thị trường OTC. Dự kiến niêm yết 1,29 tỷ cổ phiếu, nếu giá chào sàn HoSE tương ứng giá giao dịch trên OTC thời điểm hiện nay, Petrolimex sẽ có giá trị vốn hoá trên 64.000 tỷ đồng và sẽ nằm trong top 5 doanh nghiệp lớn nhất thị trường.
Lợi thế lớn của Petrolimex là doanh nghiệp lớn nhất với 2.352 trạm xăng, 4.000 đại lý, chiếm hơn 50% thị phần xăng dầu – mặt hàng chiến lược, thiết yếu của nền kinh tế. Đặc thù này cũng giúp Petrolimex có dòng tiền dồi dào. Với doanh thu hơn 123.000 tỷ đồng tính đến cuối năm 2016, trung bình mỗi ngày, doanh nghiệp “có trong tay” hơn 337 tỷ đồng.
Petrolimex hiện đang có 41 công ty thành viên, góp vốn trong 23 công ty cổ phần và những doanh nghiệp này hoạt động đều có lợi nhuận. Năm 2016, mặc dù doanh thu giảm hơn 16%, song lợi nhuận sau thuế của tập đoàn vẫn tăng mạnh hơn 50%, lên 5.166 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản của Petrolimex đạt gần 22% và trên vốn chủ sở hữu là 33,86% - một mức được xếp hàng khá cao so với nhiều doanh nghiệp cùng ngành…
Theo ông Bùi Ngọc Bảo, năm 2017, Petrolimex đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 10% so với kế hoạch đặt ra năm 2016 và đặt mục tiêu đạt doanh thu 10 tỷ USD vào năm 2020…
Khó bứt phá mạnh?
Mặc dù chiếm tới trên 50% thị phần xăng dầu, song lợi nhuận từ kinh doanh xăng dầu chỉ đóng góp xấp xỉ 60% trong lợi nhuận hợp nhất của tập đoàn, còn lại đến từ các mảng kinh doanh khác. Cũng chính vì xăng dầu nằm trong nhóm sản phẩm Nhà nước quản lý về giá, nên Petrolimex không dễ để có lợi nhuận đột biến. Thậm chí, trước thời điểm doanh nghiệp được tự định giá bán lẻ xăng dầu trong nước, kết quả kinh doanh của Petrolimex thường xuyên trồi sụt do phải gánh nhiệm vụ ổn định giá mặt hàng chiến lược này. Chẳng hạn, năm 2009, Petrolimex thu lợi nhuận (sau thuế) 2.660 tỷ đồng, năm 2010 lại lỗ 172 tỷ đồng, sang đến năm 2011 số lỗ lên tới 1.423 tỷ đồng và năm 2014 vẫn tiếp tục lỗ với 350 tỷ đồng.
Petrolimex chính thức IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng) vào đầu năm 2012. Qua hơn 5 năm, tổng số vốn huy động của PLX tăng từ 7.800 tỷ đồng lên 17.500 tỷ đồng. Hiện, cơ cấu cổ đông của PLX gồm: Trong nước chiếm 80,08% (cá nhân: 3,14%; pháp nhân: 76,88%); nước ngoài chiếm 8% và cổ phiếu quỹ chiếm 11,98%. |
Hệ thống cồng kềnh cũng là “điểm trừ” của Tập đoàn lớn này. Mặc dù có tổng tài sản lớn, hệ thống phân phối trải rộng khắp cả nước, đội ngũ nhân sự đông (hơn 20.000 người), song lợi nhuận sau thuế cũng chỉ đạt hơn 5.000 tỷ đồng và đây là mức cao nhất kể từ khi thành lập tập đoàn đến nay! Cổ tức của Petrolimex từ khi cổ phần hoá (2012) tới nay chỉ 8%/năm, quá khiêm tốn so với giá trị, vị thế, thương hiệu của doanh nghiệp cũng như so với nhiều doanh nghiệp cùng ngành.
Cùng với kết quả lợi nhuận trồi sụt, Petrolimex cũng thường xuyên phải đối mặt với rủi ro về tỷ giá. Năm 2016, khoản lỗ tỷ giá của Petrolimex ở mức 276 tỷ đồng và được cho là “khiêm tốn” so với mức lỗ tới hơn 1.075 tỷ đồng trong năm 2015.
Cũng như nhiều tập đoàn Nhà nước, Petrolimex cũng có tình trạng đầu tư ngoài ngành, để thất thoát vốn. Dù Chủ tịch Petrolimex Bùi Ngọc Bảo cho rằng, các doanh nghiệp thành viên cũng như các đơn vị góp vốn hoạt động xoay quanh lĩnh vực cốt lõi là xăng dầu, song kết quả thanh tra tập đoàn này được công bố hồi giữa năm ngoái chỉ ra, công ty mẹ Petrolimex đã đầu tư tài chính ngoài ngành nghề kinh doanh chính như ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản với tổng số tiền 2.225 tỷ đồng, trong đó một số khoản đầu tư hiệu quả thấp; thậm chí có khoản đầu tư của công ty thành viên còn có nguy cơ mất vốn do kinh doanh thua lỗ.
Thanh tra Chính phủ cũng làm rõ không ít tồn tại, thiếu sót, sai phạm về cơ chế chính sách, quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Petrolimex, như tính chi phí bảo hiểm, vận tải chênh lệch nhiều so với thực tế; chưa điều chỉnh kịp thời mức hao hụt xăng dầu; thuê chở xăng dầu của công ty thành viên giá cao hơn so với các đơn vị khác là giảm hiệu quả kinh doanh, ảnh hưởng tới giá cơ sở….
Theo các chuyên gia kinh tế, những hạn chế về quản trị, điều hành theo mô hình của một doanh nghiệp Nhà nước sẽ được khắc phục khi Petrolimex lên sàn. Tuy nhiên, lợi nhuận từ hoạt động chính của Petrolimex cũng khó bứt phá bởi doanh nghiệp này sẽ vẫn phải “gánh” trách nhiệm bình ổn giá xăng dầu cho thị trường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận