Kinh tế

Nhận diện khó khăn, tìm giải pháp đưa ngành hàng tôm Cà Mau vươn xa

24/12/2023, 12:53

Tỉnh Cà Mau đã xác định được những khó khăn, thách thức đối với ngành hàng tôm, từ đó đưa ra giải pháp tháo gỡ phù hợp.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, tỉnh này có tiềm năng và thế mạnh về nuôi trồng thủy sản. Trong đó, diện tích nuôi tôm nước lợ khoảng 280.000ha, chiếm 45% diện tích nuôi tôm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và chiếm 40% diện tích nuôi tôm cả nước.

Nhận diện khó khăn, tìm giải pháp đưa ngành hàng tôm Cà Mau vươn xa - Ảnh 1.

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu tôm của Cà Mau đạt 1,2 tỷ USD.

Nhận diện khó khăn

Những năm qua, ngành tôm Cà Mau đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhiều năm liền Cà Mau dẫn đầu về diện tích, sản lượng, giá trị kim ngạch xuất khẩu.

Đến cuối năm 2023 sản lượng tôm nuôi ước đạt 233.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 1,2 tỷ USD.

Nhưng ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhìn nhận rằng, tình hình sản xuất nuôi trồng thủy sản của tỉnh Cà Mau vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, thách thức.

"Quy hoạch phát triển ngành tôm còn nhiều bất cập; hạ tầng nuôi trồng thủy sản chưa đáp ứng được yêu cầu. Dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào, chất lượng, giá cả giống, thức ăn, thuốc, các chế phẩm phục vụ cho nuôi trồng thủy sản không ổn định, cạnh tranh không lành mạnh, khó kiểm soát.

Bên cạnh đó, môi trường ngày càng suy thoái, ô nhiễm, dịch bệnh khó xử lý. Cơ chế, chính sách thu hút đầu tư còn nhiều bất cập; người dân, doanh nghiệp thiếu vốn, khó tiếp cận tín dụng. Tổ chức sản xuất theo liên kết chuỗi chậm phát triển, thiếu bền vững; các dịch vụ logistics còn hạn chế, chi phí cao… nên khả năng cạnh tranh thấp. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa cao, thiếu bền vững", ông Sử nêu khó khăn.

Nhận diện khó khăn, tìm giải pháp đưa ngành hàng tôm Cà Mau vươn xa - Ảnh 2.

Việc người dân, doanh nghiệp thiếu vốn, khó tiếp cận tín dụng cũng là một trong những khó khăn, thách thức cho ngành hàng tôm Cà Mau.

Giải pháp khắc phục

Giải pháp để khắc phục khó khăn trên, theo lãnh đạo tỉnh tỉnh Cà Mau là quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và theo thứ tự ưu tiên. Mục đích để đảm bảo sử dụng hiệu quả nhất nguồn vốn, đa dạng hóa hình thức đầu tư và thu hút nguồn vốn từ nhiều thành phần kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp vào phát triển ngành tôm của tỉnh.

Đồng thời, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao (tôm sinh thái, hữu cơ, có chứng nhận...) giảm giá thành sản xuất để tăng khả năng cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm, hướng tới không sử dụng hóa chất, kháng sinh ở tất cả các phương thức nuôi và các khâu trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

"Áp dụng công nghệ mới, tiên tiến trên thế giới vào chế biến, bảo quản sản phẩm để nâng cao giá trị, chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Tận dụng hiệu quả các phế phụ phẩm trong chế biến tôm để sản xuất các mặt hàng gia tăng, nâng cao giá trị sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Đồng thời, tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết để tạo vùng nguyên liệu lớn, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm tôm Cà Mau", ông Lê Văn Sử nêu trọng tâm.

Theo báo cáo đánh giá kết quả khảo sát ngành tôm toàn cầu năm 2023 của Liên minh Thủy sản toàn cầu cho thấy, sản lượng tôm nuôi của thế giới năm 2023 ước đạt khoảng 5,6 triệu tấn, giảm nhẹ 0,4% so với năm 2022.

Nhưng theo dự báo, sản lượng tôm sẽ tăng khoảng 4,8% vào năm 2024, đạt 5,88 triệu tấn. Trong đó, sản lượng tôm thẻ chân trắng vẫn tiếp tục chiếm ưu thế trong nuôi tôm toàn cầu.

Việt Nam là một trong năm quốc gia sản xuất tôm hàng đầu hiện nay, bên cạnh các nước, như: Ecuador, Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia, đã chiếm khoảng 74% sản lượng toàn cầu.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.