Đề Ngữ văn cấu trúc không thay đổi
Sau khi Bộ GD&ĐT công bố các đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, cô Trịnh Thu Tuyết, giáo viên môn Ngữ văn, Hệ thống Giáo dục Hocmai nhận định: Môn Ngữ văn, cấu trúc, tính chất kiểu loại các câu hỏi của đề thi không thay đổi. Gồm 2 phần là Đọc hiểu và Làm văn.
Đọc hiểu, ngữ liệu là đoạn thơ, 4 câu hỏi không chia đều 4 cấp độ mà tăng số lượng câu hỏi nhận biết, giảm độ khó của đề thi, điều này tạo thuận lợi cho thí sinh. Trong đó có câu hỏi cho thí sinh thể hiện quan điểm. Mức độ câu hỏi dễ hơn so với các năm trước.
Phần Làm văn có 2 câu theo cấu trúc như trước đây, quen thuộc và không làm khó lứa học sinh cuối cùng học và thi theo chương trình cũ.
"Với đề Ngữ văn này các em hoàn toàn yên tâm không bị đánh đố, chỉ cần các em ôn luyện thật nghiêm túc", cô Tuyết chia sẻ.
Đề Toán có tính ổn định
Nhận định về đề Toán tham khảo tốt nghiệp THPT năm 2024, thầy Lưu Huy Thưởng, giáo viên Toán, Hệ thống Giáo dục Hocmai cho biết: Đề thi Toán có tính ổn định, không quá gây khó hay khiến các em lo lắng, bất ngờ.
Đề có độ khó chỉ tương đương với đề năm 2023. Các câu hỏi phần lớn chỉ nằm ở mức độ Nhận biết thông hiểu (khoảng từ 1-câu 38), 5 câu cuối là vận dụng cao dùng để phân loại.
Với 5 câu cuối, thầy Thưởng lưu ý, đề thực tế có thể là dạng bài khác, đề tham khảo không thể nói hết dạng bài vận dụng cao. Do vậy, muốn đạt mục tiêu 9+ ngoài luyện kỹ năng thành thạo, nếu chỉ ôn tủ theo dạng đề tham khảo thì khó đạt điểm tối đa, do vậy cần ôn rộng các dạng bài vận dụng cao.
"Có thể nói đề tham khảo có tính ổn định về hình thức thi trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn; ổn định về phạm vi đề thi, chủ yếu chương trình lớp 12 với 90%, 10% là chương trình lớp 11 với các câu hỏi ở mức nhận biết; ổn định về độ khó 75% câu hỏi ở mức cơ bản, nếu ôn tập tốt thì khá nhẹ nhàng và 25% phân hóa học sinh.
Để ôn tập tốt trong giai đoạn tới, các em cần có lộ trình phù hợp với mục tiêu. Nếu chỉ tốt nghiệp thì các em ôn kiến thức cơ bản. Với mục tiêu 9+, để hoàn thành trong 90 phút, các em cần thành thạo các kỹ năng biến đổi, dùng máy tính, và ôn thật kỹ mở rộng các dạng toán vận dụng cao khác ngoài đề dạng toán có trong đề tham khảo", thầy Thưởng tư vấn.
Theo Bộ GD&ĐT, năm 2024 là năm cuối cùng thực hiện dạy học và thi theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2006. Do đó, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024 về cơ bản giữ ổn định cấu trúc như Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Tuy nhiên, để chuẩn bị chuyển sang một giai đoạn mới nên trong đề thi có sự tăng cường hợp lý một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn để từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực phù hợp với mục tiêu yêu cầu phát triển năng lực phẩm chất người học của Chương trình GDPT 2018.
Về cấu trúc, định dạng và mức độ phân hóa, đề thi cơ bản giữ ổn định với 4 cấp độ nhận thức nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao; phù hợp với các mục tiêu của Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Về nội dung, đề thi bảo đảm khoa học, chính xác theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của Chương trình giáo dục phổ thông 2006; có độ phân hóa cao hơn, đặc biệt là các câu hỏi ở cấp độ vận dụng và vận dụng cao.
Ngoài ra, trong các đề thi có những câu hỏi nhằm giải quyết các vấn đề thực tế cuộc sống, xã hội, được xây dựng tiệm cận theo định hướng đánh giá năng lực người học giúp đánh giá được năng lực học sinh.
Về dạng thức câu hỏi, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, đề thi được xây dựng theo hướng khuyến khích học sinh phát huy tính sáng tạo, hạn chế văn mẫu. 14 môn còn lại thi trắc nghiệm khách quan với 4 lựa chọn A hoặc B, C, D.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận