Sinh viên Nguyễn Ý trong một lần hiến máu nhân đạo |
Với tính chất đặc thù của ngành y khoa, có thể nói, trong môi trường này, các sinh viên phải tiếp xúc, trải nghiệm với những vấn đề trong ngành sớm nhất so với các trường, các ngành khác. Đó là cơ hội, nhưng cũng là thách thức không nhỏ đối với các sinh viên mới chập chững làm quen với những lý thuyết về nghề.
Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), nhiều sinh viên ngành y đã cùng chia sẻ về những vui – buồn, sướng – khổ trong ngành học đặc thù của mình.
Nguyễn Ý (Sinh viên năm thứ 5, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam):
Chiếc áo blouse có sức hút lạ thường
Khi mới bắt đầu học ở Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, mọi thứ với mình đều mới mẻ và bỡ ngỡ.
Lần đầu tiên được khoác trên mình chiếc áo blouse trắng sạch sẽ và tinh khiết, mình thấy nó có một sức hút mạnh mẽ, lạ thường, mang lại một cảm giác rất khó tả. Những lần đầu tiên tiếp xúc với các bệnh nhân, hay những lần trực tiếp điều trị cho bệnh nhân với những mũi kim châm cứu, thực sự tay mình vẫn run run. Nhưng rồi, mình xác định đó là con đường mình đã lựa chọn, là tương lai của mình nên luôn cố tự trấn an bản thân để vượt qua tất cả những sợ hãi ban đầu.
Vì mục đích học y là để chữa bệnh cho mọi người nên mình luôn phấn đấu, vượt qua tất cả cố gắng để đạt được tinh hoa kiến thức y khoa.
Mình luôn lấy tinh thần của ông tổ ngành y Việt Nam - Thiền sư Tuệ Tĩnh là “Dùng nam dược trị nam nhân” làm kim chỉ nam, tức là dùng chính cây cỏ trên nước mình để chữa bệnh cho người mình.
Lữ Bách Huy (Sinh viên năm 4, Đại học Y dược Huế):
Nhiều kỷ niệm, nhiều lo sợ
Với ngành học đặc thù như ngành y khoa, đối tượng thực hành và làm việc chính là sức khoẻ, tính mạng của con người, nên trước khi lựa chọn, mình đã cân nhắc và suy nghĩ rát kỹ.
Lữ Bách Huy (trái) trong một lần học thực hành mổ |
Trong suốt quãng thời gian gắn bó với ngành học này, mình có nhiều kỷ niệm khá đặc biệt, nhưng cũng rất lý thú.
Ví dụ như ngày đầu học giải phẫu sinh lý cơ thể con người, lý giải được những hiện tượng mà mình thắc mắc từ khi còn nhỏ, hay lần đầu tiên tự lấy máu của mình để xét nghiệm nhóm máu và nhiều cái đầu tiên nữa. Nhưng có lẽ mình nhớ nhất là lần đi lâm sàng sản, được trực tiếp chứng kiến cảnh một đứa bé ra đời như thế nào, đó là khoảng khắc rất đẹp và kì diệu.
Trong quá trình học tập, các sinh viên y khoa phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn thực tập.
Khối lượng kiến thức rất nhiều và có liên quan mật thiết giữa môn này với môn kia nên việc ghi nhớ là một điều không hề đơn gian. Trong khi đó, thời gian học trên giảng đường hay đi bệnh viện thì chiếm gần hết quỹ thời gian trong ngày, đi trực thì có khi phải thức thâu đêm mà sáng mai lại phải có mặt để giao ban rồi đi lâm sàng tiếp. Những lần đi khám bệnh thì gặp sự phản đối của bệnh nhân và người nhà vì khi có bệnh là khi họ mệt mỏi, mà mình thì chưa có kinh nghiệm thăm khám nên bản thân cũng vô cùng lo lắng…
Nguyễn Tiến Lộc (Vinh viên năm 3, Đại học Y Hà Nội):
Học giải phẫu người – sợ nhưng “hay”
SV Nguyễn Tiến Lộc cho rằng cần nhiều yếu tố để trở thành một bác sĩ giỏi |
Ấn tượng nhất của mình khi bước vào trường Đại học Y Hà Nội là học thực tập ở Viện Giải Phẫu, nơi mà sinh viên học trực tiếp trên xác người. Lúc chưa vào thì nghe có vẻ ghê rợn nhưng vào học mới thấy “hay”. Mùi fooc-môn nồng nặc từ những thi thể bốc lên như vậy nhưng bạn nào cũng chịu khó chăm chú học bài, quên hết cả khó chịu, mỗi khi thầy giáo giảng là cả tổ hai mươi mấy sinh viên xúm lại quanh một thi thể để học.
Khó khăn nhất là về lượng kiến thức mà cần phải học. Vốn có bản tính ham chơi nhưng mình phải kiềm chế, lấp mình vào đống sách nhất là trước mỗi kì thi. Nhưng chỉ chăm chỉ thôi cũng chưa thể thành một bác sĩ giỏi mà phải có phương pháp phân bố thời gian thật hiệu qủa mới có thể đạt được kết quả cao. Vốn đòi hỏi cao nên trong quá trình học có không ít sinh viên phải “khổ sở” thi lại.
Bản thân mình muốn trở thành một bác sĩ ngoại khoa giỏi, phẫu thuật cho những bệnh nhân bị chấn thương, nên mình sẽ luôn cố gắng nỗ lực hết sức để vượt qua những khó khăn trong ngành học.
Nguyễn Minh Lợi (Sinh viên năm 4, Học viện Quân y):
Y học quân đội gian nan vì kỷ cương chặt chẽ hơn
Nguyễn Minh Lợi được rèn luyện trong môi trường y khoa của quân đội nên còn phải trải qua quá trình huấn luyện trên thao trường |
Học y đã khó, học y trong một môi trường quân đội với những “kỷ cương thép” thì càng gian nan hơn. Là học viên của Học viện Quân y, ngoài học y chuyên ngành, chúng mình còn phải chấp hành đầy đủ các chế độ của quân đội, trải qua quá trình huấn luyện thực tế trên thao trường, để trở thành một người lính thực thụ, có thể lực tốt để đảm bảo sức học tập. Mỗi học viên chúng mình còn phải ưu tiên học chính trị để có một bản lĩnh chính trị rõ ràng, sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở khắp nơi, làm công tác dân vận,...
Quay lại việc học lâm sàng, có những lần học viên mới lần đầu tham gia hồi sức tim phổi cho một bệnh nhân đang giữa bờ vực của sự sống và cái chết, trường hợp bệnh nhân nặng quá không qua khỏi thì họ không thể tránh khỏi suy nghĩ liệu sau này mình có thể cứu người được không. Câu hỏi đó luôn tồn tại trong trong đầu của một sinh viên học y. Tuy nhiên, sau mỗi lần thất bại là một bài học quý giá, đó cũng là động lực để học viên nổ lực nhiều hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận