Phan Hoàng Thu từng đi thi chui nhưng đoạt giải |
Các cuộc thi nhan sắc quốc tế buộc phải qua cửa ải đoạt danh hiệu chính cuộc thi trong nước. Tuy nhiên, điều này có “ngáng chân” người mong muốn tham gia đấu trường nhan sắc quốc tế hay không, khi hiện nay việc các quốc gia có đại diện tham gia các cuộc thi sắc đẹp quốc tế được coi như một cách quảng bá hình ảnh đất nước, con người.
Kỳ 1: ”Vinh quy bái tổ” vẫn bị phạt
Trên thực tế, ngày càng có nhiều người đẹp chấp nhận tiếng thi chui, khi vinh quy bái tổ cũng là lúc họ nhân rộng hơn bản đồ nhan sắc Việt Nam trên trường quốc tế.
Chấp nhận mang tiếng thi chui và bị phạt tiền
Theo Nghị định 15/2016/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 79/2012/NĐ-CP, điều kiện cấp giấy phép thí sinh dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế phải đạt danh hiệu chính tại các cuộc thi người đẹp, người mẫu trong nước; Được một tổ chức Việt Nam có đăng ký kinh doanh dịch vụ văn hóa, nghệ thuật hoặc quyết định thành lập có chức năng hoạt động văn hóa, nghệ thuật của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền làm đại diện, thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế và đưa đi dự thi.
Tuy nhiên, trên thực tế thì hai cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới và Hoa hậu Thế giới chỉ nhận thí sinh Top 3 cuộc thi nhan sắc cấp quốc gia. Mức độ thấp hơn là các cuộc thi Hoa hậu Hòa bình thế giới, Hoa hậu Siêu quốc gia, Hoa hậu Quốc tế yêu cầu thí sinh phải có giải trong một cuộc thi nhan sắc, không quy định giải gì. Các cuộc thi sắc đẹp nhỏ hơn nữa như: Hoa hậu Trái đất, Hoa hậu Môi trường quốc tế... không quan tâm có giải hay không, họ không chặt chẽ về phần danh hiệu của thí sinh. Có vẻ như các cuộc thi nhan sắc trên thế giới mở rộng hơn so với hệ quy chiếu trong nước, dẫn đến nhiều trường hợp thí sinh Việt Nam sang nước ngoài thi chui để mang về các giải lớn dù có bị Cục Nghệ thuật biểu diễn xử phạt.
Ngày 30/3, Nguyễn Thị Thành đã lên đường tới Ai Cập để tham dự cuộc thi Miss Eco International 2017 (Hoa hậu Môi trường quốc tế) diễn ra từ ngày 1-14/4. Cùng ngày, Cục Nghệ thuật biểu diễn ban hành văn bản triệu tập Nguyễn Thị Thành vì lý do thi chui. Tuy nhiên, cô đã không có mặt trong buổi triệu tập của cơ quan chức năng. Hiện tại, Nguyễn Thị Thành đang tham gia các hoạt động trong cuộc thi với tư cách thí sinh tự do đến từ Việt Nam. Người đẹp cũng đã giành được giải thưởng đầu tiên Miss Fitness Unlimited Gym 2017 và huy chương vàng tại cuộc thi này. Quản lý của người đẹp này khẳng định, khi về Việt Nam, Thành sẽ đến Sở VH-TT TP HCM, Cục Nghệ thuật biểu diễn để giải trình. |
Chẳng hạn như người đẹp Phan Hoàng Thu cũng từng mang tiếng thi chui, nhưng tại cuộc thi ấy, cô trở thành thí sinh Việt Nam đầu tiên vào đến Top 10 bán kết cuộc thi Hoa hậu Du lịch quốc tế 2013, xếp hạng 6 và giành thêm giải Hoa hậu Đông Nam Á. Bất ngờ hơn, năm 2013 có số lượng thí sinh đông đảo nhất (60 quốc gia), cô đã vượt mặt các cựu hoa hậu/á hậu từng tham gia các năm trước nhưng đều trắng tay như: Nguyễn Ngọc Oanh (Á hậu 2 Hoa hậu Việt Nam 2000), Vũ Hương Giang (Nữ hoàng Trang sức 2004), Phan Thị Ngọc Diễm (Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2008). Cũng tại cuộc thi này năm 2014, người mẫu Nguyễn Diệu Linh mang về giải Hoa hậu Đông Nam Á và giải Trang phục dân tộc đẹp nhất. Hai người mẫu đều mang tiếng thi chui và đều bị phạt tiền lần lượt là 15 và 22,5 triệu đồng.
Còn nhớ, đêm chung kết Nữ hoàng Sắc đẹp toàn cầu 2015 diễn ra tại Seoul, Hàn Quốc, người mẫu Lâm Thùy Anh đến từ Việt Nam giành danh hiệu Á hậu 4. Khi trở về, Lâm Thùy Anh bị phạt hành chính 22,5 triệu đồng. Cũng năm này, Oanh Yến đăng quang Hoa hậu Thế giới toàn cầu tổ chức tại Philippines. Ngoài ra, cô còn giành giải phụ Trang phục truyền thống đẹp nhất tại đêm chung kết, nhưng khi trở về Oanh Yến hứng án phạt 30 triệu đồng.
Trả lời Báo Giao thông về việc này, ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, các người đẹp, người mẫu đi thi chui sẽ bị xử phạt theo quy định hiện hành của pháp luật. Theo Khoản 5, Điều 14 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, người đẹp thi chui sẽ bị xử phạt 25 - 30 triệu đồng. Bên cạnh đó, tùy trường hợp có thể bị cấm diễn.
Cục làm thay vai trò đơn vị tổ chức hoa hậu?
Người mẫu Huỳnh Thúy Anh từng nhận phạt hai lần từ Cục Nghệ thuật biểu diễn với số tiền 22,5 triệu đồng vì tham dự cuộc thi Hoa hậu Cộng đồng người Việt tại Mỹ và cuộc thi Hoa hậu Liên lục địa 2014 đặt câu hỏi: Tại sao cấm người đẹp đi thi đấu trường quốc tế, trong khi họ mang về giải thưởng và quảng bá hình ảnh cho quốc gia?
Đồng ý kiến với sự thắc mắc của người mẫu Thúy Anh, người mẫu Phan Hoàng Thu chia sẻ: Tại Mỹ, Venezuela hay Thái Lan… thí sinh tham dự các cuộc thi sắc đẹp thế giới chỉ là siêu mẫu, chứ không phải là hoa hậu hay đạt giải gì trong cuộc thi hoa hậu trong nước.
Theo anh Nguyễn Chiến Hữu, người có kinh nghiệm làm việc với nhiều cuộc thi nhan sắc cho biết, trên thế giới không đòi hỏi danh hiệu, không đòi hỏi thí sinh đó phải do một cơ quan Nhà nước sở tại cấp phép mới được tính là thí sinh hợp lệ. Như trường hợp Jennifer Hawkins, cô trở thành đại diện Australia tham gia cuộc thi Hoa Hoa hậu Hoàn vũ 2004 và đăng quang chỉ qua một buổi casting trước đó.
“Tôi nghĩ, Cục Nghệ thuật biểu diễn đang làm thay vai trò của các công ty, tổ chức hoa hậu. Tức là Cục sẽ duyệt ai đi thi, ai đủ điều kiện dự thi theo quy định riêng, mặc dù một số quy định đó là thừa và Ban tổ chức các cuộc thi đó không cần điều kiện như thế”, anh Chiến Hữu nói.
Cũng theo anh Chiến Hữu, mỗi năm có hơn 100 cuộc thi nhan sắc quốc tế, Việt Nam hoàn toàn có khả năng gửi đến 100 thí sinh tham dự. Tuy nhiên, con số thực tế không đến 10 thí sinh. Lý do là số lượng nhan sắc đủ điều kiện hợp lệ theo quy định hiện nay là rất khó. Chính lẽ đó, năm nào Việt Nam cũng trầy trật chọn ứng viên cũ, có người thi 4 - 5 cuộc thi quốc tế chỉ vì... đủ điều kiện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận